- Lưu ý khi thắp nhang, đèn trong thờ cúng
Nén hương từ ngàn đời nay đã đi vào đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam, là nét truyền thống gần gũi và thiêng liêng. Nghi thức dâng hương trên bàn thờ ông bà tổ tiên, các vị anh hùng có công với đất nước là nét đẹp văn hóa truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” không thể thiếu trong các ngày giỗ chạp, lễ Tết. Và ngày nay, việc thắp nhang thờ cúng đã trở thành một tập quán góp phần tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Những ngày này cuối năm cũ và đầu năm mới, hình ảnh ông bà, cha mẹ, con cháu cùng nhau dâng hương lên bàn thờ tổ tiên là rất quen thuộc trong các gia đình. Tuy nhiên, trong quá trình thắp nhang, thắp đèn không chú ý, hay sơ suất như đổ đèn cầy, bát hương là nguyên nhân gây cháy và thiệt hại cũng thật sự khó lường.
Và trong dịp Tết Nguyên đán, để đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ khi thắp nhang thờ cúng chúng ta cần thực hiện như sau:
Chọn vị trí đặt bàn thờ nơi thông thoáng, không đặt sát vách lá, trần nhà và nơi có gió thổi trực tiếp vào.
Không chọn vật liệu dễ cháy như ván ép hoặc vật dễ cháy… làm bàn thờ, nếu bàn thờ bằng gỗ thì phải có tấm kiếng trên bề mặt phòng ngừa tàn nhang, đèn, nến đổ gây cháy.
Trong quá trình thắp nhang, đốt đèn, nến nên chú ý theo dõi. Tuyệt đối không thắp nhang, đốt đèn, nến khi nhà không có người.
Không nên đốt quá nhiều nhang, đèn, nến cùng một lúc. Thường xuyên dọn dẹp sạch sẽ xung quanh bát hương, bàn thờ; rút bỏ bớt chân nhang, vệ sinh bàn thờ đề phòng lửa bùng cháy chân nhang từ bát hương lan cả bàn thờ.