

Quang cảnh lễ phát động cuộc thi sáng 20-8-2005.
Ảnh: K.P
Sáng 20-8, tại TPHCM, NXB Giáo Dục phát động Cuộc thi biên soạn truyện tranh lịch sử theo sách giáo khoa lịch sử hiện hành nhằm giúp học sinh nắm vững và hiểu sâu sắc hơn những tri thức lịch sử, nhân vật lịch sử trong sách giáo khoa lịch sử từ bậc Tiểu học, Trung học cơ sở đến Trung học phổ thông thông qua những tác phẩm dự thi bằng truyện hoặc truyện tranh.
Đến dự lễ phát động có các vị: Nguyễn Tấn Phát, Thứ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo; Phan Xuân Biên, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy TPHCM cùng đông đảo các nhà sử học, họa sĩ, thầy cô giáo ở TPHCM.
Đây là một cuộc thi mang ý nghĩa xã hội lớn, góp phần khơi gợi lòng yêu thích môn học Lịch sử nước nhà cũng như thế giới trong bối cảnh môn học này đang có chiều hướng ngày càng phai mờ trong ý thức học tập của không ít học sinh phổ thông.
Sau đây là nội dung thể lệ cuộc thi:
I/ Nội dung:
1. Căn cứ vào chương trình và nội dung các bài học trong sách giáo khoa Tiếng Việt ở các lớp 1, 2, 3, 4, 5 và sách giáo khoa Tự nhiên xã hội ở các lớp 4, lớp 5 (sách Lịch sử và Địa lí) để thể hiện bằng truyện hoặc truyện tranh.
2. Căn cứ vào chương trình và nội dung các bài học trong sách giáo khoa Lịch sử ở các lớp 6, 7, 8, 9 và 10, 11, 12 để thể hiện bằng truyện hoặc truyện tranh.
II/ Thể tài, bản thảo:
1. Thể tài:
- Loại chỉ có phần truyện (phần chữ)
- Loại có cả phần chữ và phần tranh
2. Bản thảo:

Nhật ký Đặng Thùy Trâm- cuốn sách được nhiều họa sĩ chú ý để thể hiện bằng truyện tranh
- Loại chỉ có phần truyện (phần chữ) độ dài ở Tiểu học không quá 15 trang khổ giấy A4; ở Trung học cơ sở và Trung học Phổ thông không quá 20 trang khổ giấy A4. Nếu tác phẩm được chọn để xuất bản thì Ban tổ chức cuộc thi mời họa sĩ thể hiện phần tranh.
- Loại có cả phần chữ và phần tranh độ dài ở Tiểu học không quá 20 trang khổ giấy A4; ở Trung học cơ sở và Trung học phổ thông không quá 30 trang khổ giấy A4.
- Bản thảo phần chữ viết tay (hoặc đánh máy vi tính) phải sạch sẽ, rõ ràng trên một mặt giấy.
- Các bản thảo không gửi cho nhà xuất bản khác.
- Mỗi tác giả có thể tham dự một hoặc nhiều tác phẩm và có thể gửi một hoặc nhiều lần.
- Tác giả ghi tên, địa chỉ, số điện thoại vào tờ giấy riêng đính kèm ở đầu hoặc cuối văn bản tác phẩm dự thi.
- Tác phẩm đoạt giải thuộc bản quyền của Nhà xuất bản Giáo dục, tác phẩm không được giải Ban tổ chức không trả lại bản thảo
III/ Đối tượng dự thi:
1. Người Việt
2. Các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Chung khảo, Ban Sơ khảo có thể hưởng ứng cuộc thi nếu tác phẩm tốt sẽ được Ban tổ chức xét thưởng.
IV/ Thời gian nhận tác phẩm dự thi:
Từ ngày15/9/2005 đến hết ngày 30/9/2006 nhận các tác phẩm dự thi từ bậc Tiểu học đến bậc Trung học cơ sở (căn cứ theo dấu bưu điện).
V/ Quyền lợi và giải thưởng:
1. Những truyện tranh dự thi qua sơ khảo, có chất lượng tốt sẽ được chọn lựa để giới thiệu trên báo, tạp chí của ngành hoặc xuất bản thành sách.
2. Những truyện tranh được giải, Nhà xuất bản Giáo dục sẽ in thành các tập truyện tranh và tác giả được hưởng nhuận bút theo chế độ hiện hành của Nhà xuất bản Giáo dục.
3. Cơ cấu giải thưởng:
1 giải đặc biệt : 15.000.000 đồng (mười lăm triệu đồng)
10 giải Nhất : mỗi giải 10.000.000 đồng (mười triệu đồng)
15 giải Nhì : mỗi giải 7.000.000 đồng (bảy triệu đồng)
24 giải Ba : mỗi giải 5.000.000 đồng (năm triệu đồng)
50 giải Tư : mỗi giải 2.000.000 đồng (hai triệu đồng)
VI/ Địa chỉ gởi bài dự thi:
Ban biên tập sách Khoa học xã hội – Nhà xuất bản Giáo dục tại TP. Đà Nẵng
15 Nguyễn Chí Thanh, TP. Đà Nẵng; ĐT: (0511) 887.549 ; Fax: (0511) 830.668
K.P