Biến tảo xanh thành nhiên liệu

Biến tảo xanh thành nhiên liệu

Với bối cảnh giá dầu lên xuống bất thường và trữ lượng nguồn nhiên liệu truyền thống này ngày càng cạn kiệt dần, một loại tảo xanh đơn bào được biến đổi gien có tên gọi Chlamydomonas Reinhardtii  đang mang lại hy vọng về một nguồn năng lượng thiên nhiên thân thiện với môi trường.

Biến tảo xanh thành nhiên liệu ảnh 1

Khai thác tảo xanh thành nhiên liệu hydrô trong phòng thí nghiệm.

Các chuyên gia thuộc Trường Đại học Bielefeld (Đức) và Đại học Queensland (Australia) vừa qua đã tiến hành nuôi trồng thành công giống tảo xanh này với số lượng lớn với mục đích khai thác năng lượng.

Tương tự, tại Viện Hải dương học Woods Hole và Viện Hải dương học Harbor Branch (Mỹ) cũng đang có kế hoạch sản xuất chất đốt sinh học từ tảo biển bằng cách nuôi trồng giống tảo nêu trên rồi xử lý qua máy móc và các thiết bị khác trong ngành nuôi trồng thủy sản.

Theo các nhà khoa học, trong khi các loại nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than đá và khí tự nhiên khi đốt cháy sẽ thải ra khí carbon dioxide (CO2) thì loại “nhiên liệu xanh” này chỉ hoàn toàn thải ra nước. Bình thường, một lít tảo xanh cho ra chỉ khoảng 100 ml hydro nhưng tảo biến đổi gien có thể tạo ra lượng hydro cao gấp 5 lần.

Các chuyên gia cho rằng, để khai thác thương mại loại tảo Chlamydomonas Reinhardtii này thì cần nâng hiệu suất năng lượng từ 1,6%-2% hiện nay lên 7-10%. Trong khi đó, mức cao nhất ở tảo xanh tự nhiên là 0,1%. Mục đích sau cùng của các nhà nghiên cứu là có thể tạo ra pin nhiên liệu sinh học, trong đó tảo sản sinh đủ lượng hydro cần thiết và có thể sử dụng ngay.

Như Quỳnh
(Theo Biologists.org)

Tin cùng chuyên mục