Phát triển ngô biến đổi gien ở Việt Nam, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể

Phát triển ngô biến đổi gien ở Việt Nam, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể

Đầu những năm 90 thế kỷ trước, cây ngô (bắp) biến đổi gien (BĐG) đã được đưa vào sản xuất, giúp tăng sản lượng và lợi nhuận ở nhiều nước phát triển. Còn nước ta, với nền sản xuất nông nghiệp chủ yếu nhỏ lẻ, ngô BĐG vẫn “ngoài tầm với” bởi công nghệ sinh học khi ấy chưa phổ biến, rào cản pháp lý chưa được mở… Sau gần 20 năm, dù nhà nước đã “bật đèn xanh”, hạt giống đã sẵn sàng, nhưng ngô BĐG vẫn chưa được trồng ở Việt Nam, dù là thử nghiệm.

Nỗi niềm người trồng ngô

Ở nước ta, có khoảng 1 triệu hộ dân trồng ngô, chủ yếu là ngô lai, trên diện tích gần 1,1 triệu ha, nhưng năng suất thấp, khoảng 4 tấn/ha, chưa bằng 40% so với Mỹ (10 tấn/ha).

Bắp ngô Bt (ảnh trái) lớn và dày hạt, ngô thường thưa hạt và bị sâu hại (cả 2 giống ngô được trồng thử nghiệm so sánh cùng địa điểm, không gian, thời gian).

Bắp ngô Bt (ảnh trái) lớn và dày hạt, ngô thường thưa hạt và bị sâu hại (cả 2 giống ngô được trồng thử nghiệm so sánh cùng địa điểm, không gian, thời gian).

Khu vực đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Trung bộ, trừ chi phí giống (50-100 ngàn đồng/kg), thuốc trừ sâu, phân bón… mỗi sào chỉ thu lời từ 150 - 300 ngàn đồng.

Ở vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, An Giang là tỉnh trồng ngô cho năng suất cao nhất nước (6 - 7 tấn/ha). Thời tiết Nam bộ nóng ẩm, ít biến động là điều kiện lý tưởng để trồng ngô, nhưng cũng đồng thời “trợ giúp” cho sâu bệnh phát triển. Mỗi hécta ngô, ngoài phân bón, công chăm sóc, người trồng phải đầu tư hơn 1,5 triệu đồng thuốc trừ sâu, lợi nhuận thu được vẫn thấp hơn cây lúa.

Trồng ngô chỉ là “lấy công làm lãi”, người nông dân muốn chuyển đổi sang những cây trồng có giá trị cao hơn, nhưng thực trạng cây mía, lạc (đậu phộng) hay bông hiện tại cũng chẳng sáng sủa hơn ngô. Đã thế, người trồng ngô cũng không ít lần phải khóc ròng bởi cây ngô lai cho hạt hay không phụ thuộc quá nhiều vào “ông trời”.

TS Nguyễn Quốc Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM (TTCNSH) cho biết, từ năm 2006 đến 2008, người nông dân trồng ngô lai ở Trà Vinh, An Giang, Đồng Nai, Sơn La thay phiên nhau thu hoạch lá với cùi do thời tiết thất thường, thiếu giống tốt và kiến thức canh tác…

Ở nhiều xã vùng núi thuộc các tỉnh Sơn La, Quảng Nam, Lâm Đồng, Thanh Hóa… ngô là thực phẩm chính của đồng bào dân tộc ít người. Do tập quán canh tác thô sơ, sử dụng giống ngô thuần nên sâu bệnh phá hoại, năng suất ngô ở đây rất thấp, chỉ khoảng 1 - 1,5 tấn/ha.

Thay đổi - xu thế tất yếu

Trong 20 năm qua, sự phát triển của CNSH đã mang lại những lợi ích to lớn cho nền nông nghiệp thế giới mà giống ngô kháng sâu Bt là ví dụ điển hình. Đây là giống ngô biến đổi gien nên có khả năng tự “sản xuất” ra thuốc trừ sâu sinh học diệt sâu đục thân, đã được trồng ở 23 nước (Mỹ, Nam Phi, Argentina, Philippines…), trên tổng diện tích lên tới 35,2 triệu ha.

Trong khi đó, nước ta còn “chung thủy” với cây ngô sống dựa vào thuốc trừ sâu hóa học gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến chất lượng an toàn thực phẩm. Năm 2008, Việt Nam xuất khẩu khoảng 500 tấn ngô, nhưng vẫn phải nhập về gần triệu tấn ngô ngoại đã được tách hạt (chủ yếu là ngô BĐG kháng sâu ngô Bt).

Thực tế, sản lượng ngô trong nước hiện nay (4 triệu tấn/năm) mới đáp ứng được 2/3 nhu cầu của ngành chế biến thức ăn chăn nuôi nội địa (khoảng 6 triệu tấn/năm 2008).

Ngô Bt (trái) vẫn an toàn trước sâu hại.
Ngô Bt (trái) vẫn an toàn trước sâu hại.

Năm 2008, TS Nguyễn Quốc Bình và các cộng sự đã tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng trồng ngô, khả năng trồng ngô Bt tại nhiều vùng trên cả nước. Thực tế, vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Tây Bắc, Đông Bắc, cây lúa chỉ cho năng suất khoảng 3 tấn/ha. Nếu thay thế cây lúa ở một số vùng, hay vụ, không thích hợp bằng việc trồng ngô Bt, hiệu quả kinh tế sẽ tăng gấp đôi bởi năng suất ngô cao (trên dưới 6 tấn/ha), giá ngô thu mua hiện nay 3.500 - 4.000 đồng/kg, không chênh lệch nhiều so với lúa (4.000 - 5.500 đồng/kg), không mất chi phí thuốc trừ sâu và cần ít công chăm sóc.

Ở Philippines, nước có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khá giống nước ta, trồng ngô Bt kháng sâu hại, năng suất cao hơn 20%-25% so với ngô lai, nông dân thu lợi nhiều hơn 100-150 USD mỗi vụ/ha. Đồng thời, ngô lai hiện nay chủ yếu để chế biến thức ăn gia súc thì ngô Bt vừa để làm nguyên liệu thức ăn gia súc vừa cho người ăn được.

Hoài nghi và dè dặt sẽ thêm tụt hậu

Theo Quyết định 212/2005/QĐ-CP, để được phép sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ sinh vật BĐG, các tổ chức, cá nhân phải có giấy chứng nhận an toàn cho sức khỏe con người, môi trường và đa dạng sinh học do các bộ ngành liên quan cấp.

Hiện nay, Bộ NN-PTNT có nhiệm vụ đánh giá về an toàn đa dạng sinh học, Bộ Y tế đánh giá những tác động tới sức khỏe, nhưng việc đánh giá những tác động tới môi trường lại thuộc thẩm quyền của cả Bộ NN-PTNT, Bộ KH-CN và Bộ TN-MT, mà thiếu sự phân định rõ ràng.

Hay riêng ngô kháng sâu Bt, hạt ngô được dùng làm giống, thức ăn cho cả người và vật nuôi, thì chưa có cơ quan nào đưa ra tiêu chí đánh giá?...

Sau 4 năm Quyết định 212 ra đời với nhiều sự chồng chéo trong quản lý, đến nay vẫn chưa có những quy định, hướng dẫn dưới luật cụ thể nào.

Trước thực trạng này, Th.S Hoàng Thanh Nhàn, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Bộ TN-MT) cho biết, hiện nghị định về quản lý an toàn sinh học đang được soạn thảo lại nhằm sửa đổi những vấn đề chưa rõ cũng như những vấn đề còn chồng chéo trong Quyết định 212/2005/QĐ-CP, và sẽ trình Chính phủ vào quý 3 năm nay. Tuy nhiên, Quyết định 212/2005 và 14/2008 của Chính phủ mới chỉ là điều kiện cần.

Bài toán khó “giống ngô nào cho nông nghiệp Việt Nam” vẫn còn chờ điều kiện đủ là các quy định, hướng dẫn dưới luật, mà nhanh nhất cũng phải mất hơn 2 năm nữa mới có (riêng trồng thử nghiệm đã mất 2 năm).

Các nhà khoa học, người nông dân đang mong nghị định về quản lý an toàn sinh học sớm được ban hành, hạt ngô Việt Nam sẽ giúp người nông dân cải thiện đời sống.

Ngô Bt là tên gọi chung cho các giống ngô được biến đổi gien có biểu hiện kháng sâu do mang những tính trạng của vi khuẩn Bacillus thuringiensis. Vi khuẩn này tiết ra các loại protein (delta-endotoxins) có khả năng tiêu diệt côn trùng (sâu đục thân, sâu ăn lá...). Những protein này chỉ có độc tính khi được tiêu hóa trong ruột của côn trùng gây hại, làm rối loạn quá trình chuyển hóa canxi và gây chết sâu bệnh.

Người và động vật hoàn toàn vô hại đối với protein này. Nó giống như tất cả các protein dinh dưỡng khác. Vì thế những protein này bảo vệ cây ngô khỏi sự phá hoại của sâu hại nhưng không gây độc cho người, động vật và hầu hết các loại côn trùng khác.

KIÊN GIANG

Tin cùng chuyên mục