Trung Quốc: Bước nhảy vọt chinh phục không gian

Trung Quốc: Bước nhảy vọt chinh phục không gian

(SGGP 12G).- Ngày 27-9, phi hành gia Trác Chí Cương trên tàu vũ trụ Thần Châu 7 trở thành người Trung Quốc đầu tiên đi bộ trong không gian. Sự kiện được cả thế giới theo dõi này đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự nghiệp chinh phục không gian của Trung Quốc, đưa nước này tiến gần hơn đến mục tiêu xây dựng phòng thí nghiệm và trạm không gian.

Trung Quốc: Bước nhảy vọt chinh phục không gian ảnh 1
Trác Chí Cương đi bộ bên ngoài tàu Thần Châu 7 (chụp qua truyền hình CCTV)

1. Đây là lần thứ 3 Trung Quốc phóng tàu vũ trụ có người và lần đầu tiên có chuyến đi bộ trong không gian. Tàu Thần Châu 7 được phóng lên tối 25-9, chở theo 3 phi hành gia Trác Chí Cương, Lưu Bá Minh và Cảnh Hải Bằng.

Phi hành gia Trác là người đi bộ trong không gian, chuyến đi bắt đầu lúc 8g35 và kết thúc lúc 8g58 (giờ GMT) ngày 27-9. Trác đã đưa ra ngoài 1 vệ tinh nhỏ để ghi hình chuyến đi bộ và truyền hình ảnh về phát trực tiếp trên Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV). Trác đã thu hồi một mẩu dầu nhớt rắn – gắn bên ngoài thân tàu Thần Châu 7 từ trước khi phóng lên – và vẫy cờ Trung Quốc trước khi trở vào khoang điều áp.

Chuyến đi bộ này đã chứng tỏ sự an toàn và tin cậy của các trang thiết bị không gian do Trung Quốc chế tạo. Bộ trang phục đi bộ trong không gian có tên “Phi Thiên” (Bay lên trời), chi phí chế tạo 30 triệu NDT (khoảng 4,4 triệu USD), gồm 10 lớp cách ly nhau, nặng 120kg, giúp bảo vệ phi hành gia chống nhiệt độ cực thấp và phóng xạ không gian. Trác mất 15 giờ để mặc “Phi Thiên” với sự trợ giúp của 2 phi hành gia cùng đi. Việc truyền trực tiếp chuyến đi bộ cũng gây ấn tượng mạnh, không chỉ chứng tỏ sự tiến bộ kỹ thuật mà còn tạo sự tin tưởng vào tiến trình thực hiện chuyến đi bộ. Hôm nay, tàu Thần Châu 7 sẽ trở về trái đất lúc 9g (giờ GMT) và hạ cánh bằng loại dù đặc biệt.

2. Thời học trung học, Trác Chí Cương từng viết: “Tôi có giấc mơ bay vào không gian để có thể quan sát trái đất tốt hơn”. Nay giấc mơ đó đã thành sự thật nhưng Trác tỏ ý tiếc rằng mẹ anh, bà Gia Quế Chi, người cực khổ nuôi anh ăn học để có được thành công hôm nay, đã không thể chia vui vì bà đã mất 5 năm trước. Trác sinh ra trong một gia đình nghèo ở thị trấn Long Giang, tỉnh Hắc Long Giang, cha bệnh nằm liệt giường, mẹ là nguồn lao động duy nhất nuôi chồng và 6 con bằng nghề bán dạo hạt hướng dương. Bà Gia tuy không biết chữ nhưng luôn mong con cái được ăn học thành tài. Bà vô cùng vui sướng khi Trác được vào Học viện Hàng không của Không quân Trung Quốc năm 1985 dù bà sẽ thêm gánh nặng. Sau khi mượn hàng xóm 25 NDT mua túi xách cho Trác đựng đồ đi Bắc Kinh học, bà không có gì để cho con ngoài việc nhét đầy hạt hướng dương vào túi.

Tốt nghiệp loại ưu, Trác được đề bạt làm phi đội trưởng. Hè 1996, Trác được thông báo tham gia chương trình của chính phủ tuyển chọn phi hành gia. Cùng hơn 1.500 phi công xuất sắc, Trác trải qua các cuộc tuyển chọn lựa ngặt nghèo. Sau đợt kiểm tra cuối năm 1997, Trác thuộc 12 phi công được giữ lại để đào tạo phi hành gia cho các chuyến bay có người của Trung Quốc lên không gian. Trong lần phóng tàu Thần Châu 5 và Thần Châu 6, Trác đều thuộc tổ bay dự bị và đến tàu Thần Châu 7, anh được bay chính thức. Chính những người như Trác là sự thể hiện rõ nhất khả năng thần kỳ của Trung Quốc trong phát triển kinh tế và khoa học. 


° 1958: Xây Trung tâm Không gian Tửu Tuyền ở sa mạc Gobi, Cam Túc.
° 4-1970: Phóng vệ tinh đầu tiên.
° 1990-2002: Thử nghiệm các tàu Thần Châu 1 đến 4.
° 10-2003: Trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới (sau Liên Xô cũ và Mỹ) đưa người lên vũ trụ với tàu Thần Châu 5.
° 10-2005: Đưa 2 phi hành gia lên vũ trụ trong sứ mệnh 5 ngày với tàu Thần Châu 6.
° 10-2007: Phóng vệ tinh Hằng Nga-1 lên mặt trăng.
° 9-2008: Thực hiện chuyến đi bộ trong không gian đầu tiên.

3. Theo các quan chức không gian Trung Quốc, chuyến đi bộ trong không gian này là “bước đi quan trọng nhất” trong chương trình vũ trụ 3 giai đoạn của nước này. Ba giai đoạn này là đưa người lên quỹ đạo; lập một phòng thí nghiệm nhỏ và xây dựng một trạm không gian lớn của riêng Trung Quốc.

Sau tàu Thần Châu 7, Trung Quốc sẽ sản xuất nhiều tàu Thần Châu khác, các module này sẽ hoạt động như tàu con thoi giữa trái đất với trạm không gian Trung Quốc và có thể chở phi hành gia, trang thiết bị cho các nước khác. Tàu Thần Châu 8 đang được thử nghiệm, mẫu cuối cùng sẽ trông giống tàu hiện nay nhưng bên trong sẽ tiện nghi hơn nhiều, chở được 3 phi hành gia trong sứ mệnh dài đến 7 ngày.

Tàu Thần Châu 8 còn có sứ mệnh là triển khai kỹ thuật ráp nối trong không gian, yêu cầu phải có cho mục tiêu tối thượng là lập phòng thí nghiệm và xây trạm không gian. Các sứ mệnh tàu Thần Châu 8 và 9 sắp tới sẽ nhắm đến việc xây dựng một trạm không gian vào năm 2010. Sau đó là các mục tiêu mới như đưa người lên mặt trăng vào năm 2020.

4. Dân dụng hóa kỹ thuật không gian là một đích nhắm khác của công nghiệp không gian Trung Quốc. Theo Tập đoàn Khoa học và kỹ thuật không gian Trung Quốc (CASC, nơi phát triển tàu Thần Châu 7 và tên lửa đẩy Trường Chinh 2F), trong hơn 1.000 loại vật liệu mới được Trung Quốc phát triển những năm gần đây, có đến 80% là do nhu cầu của kỹ thuật không gian. Trong lúc đó, có gần 2.000 mặt hàng của kỹ thuật không gian đã được dân dụng hóa. Tính đến cuối 2007, hơn phân nửa nguồn thu của CASC là từ các lĩnh vực dân dụng. Kỹ thuật không gian còn ứng dụng trong dự báo thời tiết, sản xuất xe hơi, luyện kim, vải sợi, cải tiến công nghiệp hóa chất, thực phẩm, xây dựng...

Thực phẩm không gian là mặt hàng nhanh chóng được quan tâm, hiện đã có sô cô la và bánh ngọt không gian được đưa ra thị trường. Theo Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phi hành gia Trung Quốc (CARTC), thực phẩm không gian an toàn, chất lượng cao, tiện lợi, giàu dinh dưỡng..., sẽ rất hữu ích cho người du lịch, leo núi, thám hiểm các vùng cực... Trên tàu Thần Châu 7, các phi hành gia được cung cấp thực đơn chưa từng có, tha hồ chọn đến... 80 món ăn kiểu Trung Quốc, có cả gà nấu đậu, tôm, trái cây khô... với hương vị như trên trái đất. Có cả loại thuốc truyền thống Trung Quốc gọi là “taikong yangxin”, giúp chống các “triệu chứng không gian” như choáng váng, nôn ói, mất tỉnh táo, đau khớp, khó thở...

Loại nút tai dành cho phi hành gia cũng đã được đưa ra thị trường. Sau hàng ngàn thử nghiệm, CARTC đã tìm ra vật liệu đặc biệt sản xuất nút tai phù hợp nhất với da người, chống được thay đổi áp suất bất thường trong không gian, tự động điều chỉnh áp suất trong tai và giảm tiếng ồn nhưng vẫn nghe tốt. Loại nút tai này cũng thích hợp cho thợ mỏ hoặc người làm việc trong môi trường nhiều tiếng ồn, hoặc cho vận động viên bơi lội hay thợ lặn chống tăng áp khi ở dưới nước...

THIỆN NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục