Lần đầu tiên ở Việt Nam: Đưa công nghệ Nano vào chiếu sáng dân dụng

Lần đầu tiên ở Việt Nam: Đưa công nghệ Nano vào chiếu sáng dân dụng
Lần đầu tiên ở Việt Nam: Đưa công nghệ Nano vào chiếu sáng dân dụng ảnh 1

PGS - TS Đặng Mậu Chiến, Giám đốc Phòng thí nghiệm công nghệ Nano trình bày nguyên lý hoạt động của đèn LED.

Nhóm nghiên cứu Phòng thí nghiệm công nghệ Nano (LNT) thuộc ĐH Quốc gia TPHCM vừa nghiên cứu thành công công nghệ bán dẫn phát sáng (LED) sử dụng trong lĩnh vực chiếu sáng dân dụng. Những sản phẩm đèn LED đầu tiên đã có một số doanh nghiệp đặt hàng.

Để bạn đọc rõ thêm về sản phẩm công nghệ cao “Made in Việt Nam” này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Đặng Mậu Chiến, Giám đốc LNT, chủ nhiệm đề tài.

* PV: Lý do nào đã khiến ông và nhóm nghiên cứu chọn và thực hiện đề tài khoa học cấp nhà nước “Nghiên cứu chế tạo đi-ốt phát sáng dùng trong công nghiệp chiếu sáng”?

- PGS-TS ĐẶNG MẬU CHIẾN: Hiện nay trong lĩnh vực chiếu sáng dân dụng như chiếu sáng trong gia đình, công sở, trường học đa phần sử dụng đèn huỳnh quang và đèn compact. Tuy nhiên, ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi vẫn còn sử dụng các loại đèn dây tóc để thắp sáng. Đây được xem là một giải pháp tình thế đối với người dân có thu nhập thấp, nhưng xét về khía cạnh kinh tế và tiết kiệm năng lượng thì giải pháp này hoàn toàn không phù hợp.

Hơn thế nữa, phương án dùng đèn dây tóc sẽ không khả thi ở những nơi thiếu điện hoặc chưa có mạng lưới điện quốc gia. Đèn sử dụng bóng compact là một trong các loại đèn được các cơ quan quản lý điện khuyến cáo nhiều nhất bởi vì nó có khả năng chiếu sáng mạnh và đạt những tiêu chí tiết kiệm năng lượng cao hơn so với đèn halogen, đèn dây tóc truyền thống.

Một trong những loại đèn huỳnh quang compact phổ biến hiện nay là đèn sạc sử dụng bóng đèn compact. Các loại đèn này có công suất tiêu thụ điện nhỏ (6 - 12W), thời gian sạc đầy tương đối lâu (10 - 20 giờ), thời gian thắp sáng không cao (4 - 8 giờ). Ngoài ra, bóng đèn compact rất dễ vỡ khi va đập mạnh do bóng đèn được làm từ vật liệu thủy tinh.

* Vậy đèn LED là giải pháp tối ưu cho sáng kiến tiết kiệm năng lượng?

- Để khắc phục những nhược điểm nêu trên của đèn compact, cần phải ứng dụng công nghệ cao hơn. Một trong những giải pháp đó là chế tạo đèn chiếu sáng trên cơ sở sử dụng công nghệ Nano – công nghệ bán dẫn phát sáng (LED). Loại đèn LED tiết kiệm năng lượng tốt hơn, đồng thời phát huy tối đa khả năng sử dụng nguồn năng lượng mặt trời.

Đây chính là một trong những hướng nghiên cứu chiến lược của LNT thuộc ĐH Quốc gia TPHCM nhằm tạo ra sản phẩm ứng dụng vào đời sống, phục vụ chương trình tiết kiệm năng lượng của nhà nước. Và một trong những sản phẩm đầu tiên của LNT là đèn sạc tiết kiệm năng lượng, sử dụng nhiều nguồn sạc điện khác nhau, trong đó đặc biệt là sử dụng nguồn năng lượng mặt trời.

* Ông có thể cho biết những tính năng và công dụng của đèn LED?

- Lô hàng đầu tiên mà chúng tôi sản xuất có 4 model, được ký hiệu như sau: SLL01, SLL02, SLL03, SLL04. Đèn LED sử dụng những bóng LED nhỏ cho ánh sáng trắng. Dù công suất tiêu thụ ở mức từ 2 - 4W nhưng độ phổ sáng tương đương với các loại đèn compact hiện nay trên thị trường có công suất 6 - 12W. Thời gian sử dụng lên đến 16 giờ (khi sạc đầy), tuổi thọ của bóng LED xấp xỉ 100.000 giờ. Tính ưu việt của sản phẩm chính là sử dụng nhiều nguồn điện sạc khác nhau như: pin năng lượng mặt trời, nguồn điện xoay chiều 220V - 50Hz hay cả nguồn điện một chiều 12V từ xe hơi, dynamo quay tay…

Ngoài ra, đèn LED còn được trang bị ắc-quy (12V - 1,3Ah/4Ah) đồng thời tích hợp hệ thống bảo vệ ắc-quy đèn trong quá trình sạc. Do đóù, đèn LED không chỉ nâng cao tính an toàn cho người sử dụng mà còn thuận tiện cho các hoạt động khác nhau như: sinh hoạt trong nhà (đặc biệt vùng sâu, vùng xa nơi không có mạng lưới điện), làm việc văn phòng, sử dụng trong sửa chữa, bảo trì thiết bị, xe hơi hay sử dụng trong trường hợp khẩn cấp (cúp điện đột xuất), sinh hoạt ngoài trời, sân vườn, cắm trại, du ngoạn…

* Vậy khi nào thì sản phẩm sẽ đến tay người tiêu dùng?

- Trước khi nghiên cứu sản phẩm này chúng tôi đã nghĩ đến “mình phải làm ra cái gì bán được và nó phải phục vụ nhu cầu xã hội chứ không chỉ đơn thuần là làm nghiên cứu khoa học”. Do vậy, để đưa ra sản phẩm đầu tiên chúng tôi phải tốn nhiều công sức để nghiên cứu kỹ giải pháp kỹ thuật (phải có tính ưu việt), kiểu dáng công nghiệp, tính thẩm mỹ và tiện dụng. Quy trình sản xuất công nghiệp đối với sản phẩm cũng đã được thiết kế, cho phép chế tạo thử nghiệm lô hàng đầu tiên với số lượng tương đối lớn (150 sản phẩm). Về vấn đề đưa ra sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường, hiện chúng tôi đã có vài đối tác lớn đề nghị hợp tác.

Tuy nhiên đây là sản phẩm từ đề tài nghiên cứu khoa học do Bộ Khoa học - Công nghệ phê duyệt nên chúng tôi chờ ý kiến các cấp quản lý. Khi ký kết với các đối tác, phía LNT sẽ chuyển giao công nghệ và quy trình chế tạo cho các công ty sản xuất. Đặc biệt, LNT cũng sẽ đảm nhận việc đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ thuộc lĩnh vực vi linh kiện điện tử. Vì việc sản xuất thử nghiệm đèn LED đã được chuẩn bị kỹ nên có thể triển khai chuyển giao công nghệ cho các công ty sản xuất trong thời gian rất ngắn.

* Đây có phải là sản phẩm đèn LED đầu tiên sử dụng công nghệ này do VN sản xuất?

- Theo tôi được biết, trên thị trường hiện nay bóng đèn LED được xuất hiện trong các sản phẩm ngoại nhập, chủ yếu phục vụ cho các bảng quảng cáo và trang trí (dùng bóng đèn LED màu). Do vậy, có thể khẳng định đèn sạc sử dụng công nghệ LED (ánh sáng trắng) do LNT chế tạo là sản phẩm đầu tiên được sản xuất tại VN dùng cho chiếu sáng dân dụng.

* Xin cảm ơn ông! 

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục