Trên lưng Gáo là đứa em nhỏ xíu đeo dính, nhìn hai đứa như cặp khỉ cõng nhau bước khỏi một đám cháy rừng, đóng bụi và lem nhem.
Cô gái kéo áo bồ, kề tai: “Thôi đừng cho, giờ lừa đảo dữ lắm”.
Anh bồ cười hề hề: “Có mấy ngàn lẻ chứ nhiêu đâu”. Quay qua hai đứa nhỏ được đắp bằng khói, xỉn đen và nồng mùi xơ xác, anh chọc:
- Giờ hát một bài rồi chú cho.
- Bài gì cũng được hả chú? - Thằng em trên lưng lanh lẹ vọt miệng.
- Ừ - Anh cười hăng hắc, thấy tụi này cũng ngộ ngộ hay hay - Thôi bài Con cò bé bé đi!
- Dễ ợt! - Thằng nhỏ vô liền cái tông chói lói nghe như tiếng chim con, cò con đòi ăn kêu rát cổ.
- Con cò bé bé, nó đậu cành tre. Đi không hỏi mẹ…
Hát tới đó, miệng nó như bị may lại, nín bặt. Anh hối: “Sao nữa”. Mặt thằng nhỏ tái đi. Anh nhắc tuồng: “Đi không hỏi mẹ rồi sao nữa?”.
Thằng nhỏ ứa nước mắt, môi co quắp bấu vô từng chữ: “Không dám hỏi mẹ đâu, mẹ… mẹ đánh…”.
Cô bồ nổi quạu nhéo anh: “Đã nhắc rồi không nghe, coi chừng tụi nó ăn vạ”. Anh bối rối ờ ờ, nghĩ thôi không cho tiền thì cho đồ ăn. Thấy con chị nuốt nước miếng ừng ực, nhìn hoài hai ổ bánh mì anh mua ăn sáng, anh đưa luôn để yên chuyện.
Cô bồ mặt hầm hầm ngó theo bóng hai đứa nhỏ xiêu xiêu: “Rồi tui ăn gì?”.
- Ăn đi chị! - Thằng nhỏ bẻ nửa ổ bánh mì đưa.
Gáo lắc đầu:
- Thôi chị còn no.
- Ăn hồi nào đâu mà no trời - Thằng em nhét nửa ổ vô tay chị, nửa ổ nhét vô miệng mình. Nó cắn không kịp nuốt. Nửa chừng thằng nhỏ khựng lại, mặt đã mếu nhưng không chịu nhả miếng bánh mì. Gáo quay qua, vuốt vuốt cổ họng em: “Hôm qua bị cậu đánh mặt còn đau hả?”.
Nhìn em gật gật, mặt méo xẹo, cố nuốt miếng bánh khô khốc, Gáo muốn chạy đi mua chai nước cho em hết sức. Nó cũng khát nữa. Nhưng không dám, mẹ biết, mẹ kêu cậu đánh chết. Không được đụng vô một ngàn nào. Phải xin đủ tám trăm ngàn, thiếu đồng nào là ê mình với cậu. Nghĩ lại trận đòn hôm qua, nó còn run. Giờ mới xin được một trăm ngàn…
- Chị lận vô trong áo, giấu kỹ kỹ không thôi mẹ lấy - Thằng em nhắc chị cách giấu ổ bánh mì còn lại.
Gáo phì cười, làm như mới lần đầu. Mấy tháng rồi? Từ ngày ba mất, Gáo đang đi học thì mẹ tới kêu đi theo, mặc kệ nội cản. Mẹ đem tụi nó tới chỗ cậu, em của mẹ, bắt phải đi xin. Những ngày lăn lóc ăn cơm chan nước tương, dạy nó biết phải giấu đồ ăn kỹ, mấy đứa em ở nhà mới có ăn. Lớn lớn còn biết nhịn, chứ đứa nhỏ nhất chưa nói chuyện tròn chữ, đói chỉ biết khóc. Mẹ nghe, mẹ đánh, đánh trước mặt tụi nó, cho đứa chị thương em biết điều mà đi xin đủ tiền.
- Chân chị đỡ đau chưa? Để em xuống đi bộ cho - Thằng nhỏ vùng vằng đòi nhảy xuống.
Gáo ráng kiễng chân thiệt cao giữ lại, xốc lên cho ngay ngắn: “Thôi em đang bệnh, để chị cõng”. Gót chân nó đau mà ráng gồng làm bộ như không, đầu chỉ nghĩ xin sao mau mau đủ tiền còn đưa em về. Tấm lưng Gáo cảm nhận người đứa em đang nóng rần rần. Chắc nó lên cơn sốt. Gáo chắt lưỡi, tấp vô mái hiên bỏ nó xuống coi sao. Rờ rờ trán, trời ơi nóng hơn lò lửa. Gáo ngó xuống chân em, chỗ cậu cho con rết cắn vô bầm lên tím đỏ. Chắc vì vậy mà hành sốt.
Lay lay coi em còn tỉnh không, Gáo kề sát:
- Hay là mình trốn đi?
Thằng nhỏ đang mơ màng giật mình, khóc ré. Nước mắt nó tuôn tuôn: “Đừng, đừng, cậu đánh. Anh Ba nói trốn bị cậu đánh dữ lắm”.
Gáo ôm lấy nó, vỗ vỗ lưng. Gáo chỉ biết xốc em lên, vừa đi vừa khóc.
“Con cò bé bé, nó đậu cành tre. Đi không hỏi mẹ, biết đi đường nào…”. Gáo cõng em băng qua ngã tư tới chỗ xe buýt XX. Băng qua bài hát phát ra từ món đồ chơi của đứa nhỏ khanh khách cười ngồi sau chiếc tay ga. Ánh mắt níu lại vài giây, biết bao giờ chị em nó được vui vẻ vậy. Đứa nhỏ đeo cặp sách kìa. Gáo thèm được đi học, thèm quá. Mớ chữ học ở trường bỏ lâu sợ quên, tối tối, nó lén lén mở tập ra coi lại. Mắt nhòe vì nước mắt khi những cái chữ xa lạ dần, sợ nữa đi học lại, cô la lớp trưởng mà làm biếng riết học dở ẹc, nó càng khóc rấm rứt. Không dám khóc lớn, sợ cậu nhốt như nhốt chị Hai. Mà biết có còn được đi học nữa không?
Tới rồi. Mùi xăng nồng nặc xộc vô mũi làm thằng nhỏ tỉnh. Nó ngơ ngác: “Mình đi đâu vậy, tới giờ về hả, mẹ đâu?”. Gáo dáo dác ngó quanh, kiếm coi mẹ có gần đó không. Hên quá, chắc nay mẹ ngồi quán xa. Gáo xốc lại em trên lưng, cắn răng chống lại cơn đau nhói từ trong xương, bước lẹ lên xe buýt. Mồ hôi Gáo túa ra ướp lấy toàn thân, kéo từng lớp vải quần áo dính sát vô người. Cơn lạnh chạy dọc sống lưng, mang mùi nỗi sợ. Mẹ mà biết, chắc đánh gãy giò. Gáo không ngừng nhìn qua cửa kính, coi có bóng mẹ đuổi theo không.
- Đi đâu hả chị? - Đứa em ngơ ngác với câu hỏi cũ.
Gáo lôi ổ bánh mì giấu trong bụng áo ra, lạnh và cứng ngắc, đưa cho thằng nhỏ kêu ăn. Nó lắc, biểu để cho mấy đứa em. Cho anh Ba nữa, chân ảnh đang đau. Gáo rớt nước mắt, hột nước tròn vo không thấm đi đâu được, nằm lạc lõng trên lớp da bọc ghế: “Em ăn đi. Mình không về nhà. Mình trốn về nội”.
Về nội, nội sẽ bảo vệ hai chị em. Lỡ mẹ tới? Không sao, không sao đâu. Gáo cố giữ bình tĩnh đặng còn biết đường tính. Nội sẽ méc chú công an mà, không sao.
- Còn mọi người? - Mắt thằng nhỏ dại đi như chó con đói sữa. Nỗi sợ vẫn in đậm trong đó, như một cái thẹo không xóa được.
- Mình đi trước, rồi kêu nội cứu - Gáo nói, bản thân không dám chắc. Biết làm gì khác bây giờ. Phải liều…
Cô soát vé bước tới, mỉm cười nhìn hai đứa:
- Hai đứa đi một mình hả? Mẹ hai đứa đâu?
Nghe tới chữ mẹ, Gáo hoảng sợ sụp xuống. Nước mắt đổ ra như ống nước bị bể từ một lỗ rò nhỏ, tứ tung: “Con xin cô, đừng đem con về cho mẹ con, con xin cô…”. Thằng em cũng òa khóc theo. Trong miệng còn miếng bánh mì trệu trạo chưa kịp nhai, ướt mềm nước miếng và nước mắt chính nó tràn vô.
Xe buýt đi ngang nhà thiếu nhi, tiếng cười của những đứa trẻ cùng bài nhạc lanh lảnh len vô chỗ hở của kính xe: “Khi đi em hỏi, khi về em chào/ Miệng em chúm chím, mẹ có yêu không nào?”.