Biết ngạc nhiên!

Biết ngạc nhiên!

Trong bộ phim Nhật Bản Những búp bê, có hai người không rõ tên, tạm gọi chàng và nàng. Áo nàng lúc đỏ rực, lúc vàng mướt tuyệt đẹp giữa màu xanh thông reo, giữa anh đào trắng muốt. Nét mặt nàng ngơ ngẩn, ngẩn ngơ. Trước đó, một sự cố xảy đến khi chàng đột ngột đi lấy vợ, bỏ nàng một mình trong bàng hoàng sét đánh. Nàng thẫn thờ điên dại, ngay trong đám cưới của chàng với người ta. Nhìn thấy, chàng giật mình. Từ đó, chàng bám gót theo nàng - đã lạc mất tâm trí - lang thang cùng trời cuối biển.

Phim Sự yên lặng, do đạo diễn Iran nổi tiếng Mohsen Makhmalbaf thực hiện, mượn âm thanh mà cậu bé mù (nhân vật chính) cảm nhận để “nói” về sự phong phú vô tận trong tâm hồn. Phim Baraka của một “tổ hợp” đạo diễn và quay phim quốc tế đi qua 24 đất nước của năm châu. Ghi nhận tinh tế về những điệu múa lễ hội và lời cầu kinh, đám đông và cá nhân, ồn ào và tĩnh lặng.

Phim Những búp bê

Phim Những búp bê

Những phim ấy giàu sự khám phá. Nói cách khác, giàu sự ngạc nhiên, luôn luôn đặt câu hỏi. Có ngạc nhiên thì mới phát hiện trong thế giới hình ảnh ẩn chứa “nhạc điệu” của một bài thơ tự do (phim Những búp bê). Có khả năng đặt ra câu hỏi thì mới thấy thế giới này ẩn chứa một cấu trúc không lệ thuộc vào những quy định của thị giác vật lý (phim Sự yên lặng). Có ồ lên thảng thốt thì sẽ khám phá được “mạch ngầm” nối kết cái sinh lực điều hành nhân loại trong lễ hội mọi nơi, mọi thời (phim Baraka).

Không biết ngạc nhiên nữa thì chỉ có thể sản sinh những bộ phim nhái lại thành công của người khác, hậu quả là nhàm chán, đơn điệu. Doanh thu dù đạt được mức độ nào đó nhưng vẫn không thể xóa được những tiếng thở dài về “chất xám” cạn cợt, hời hợt. Đó là thực tế của hàng loạt phim Việt Nam gần đây.

Vài phim vừa kể trên đã có mặt trên thị trường băng đĩa Việt Nam, nhưng cũng chẳng mấy người trong giới làm phim Việt Nam chịu khó tìm hiểu. Vì sao? Vì đã quen với sự tâng bốc lẫn nhau, dễ dãi? Thiếu sót lớn nhất hiện nay là thiếu sự ngạc nhiên trong sáng tạo - để nhờ đó, mới mong thấy được cái mới trong hàng loạt cái thường tình, thấy được sự bất ổn trong cái ổn định do thói quen tạo thành.

Chúng ta vẫn thường nói với nhau về khiếm khuyết của phim Việt Nam (nhất là một số phim truyền hình) là do “thiếu kịch bản hay”, do “diễn viên đóng nhạt nhẽo”, hoặc do “tầm nhìn hạn chế về văn hóa của một số nhà sản xuất”. Nói vậy không sai.  Thậm chí, đang trở thành điệp khúc cứ trở đi trở lại, chưa biết lúc nào dứt.

Từ bao giờ chúng ta đã đánh mất nhu cầu và khả năng tìm đến sự thay đổi mạnh dạn hơn, biết  ngạc nhiên và tôn vinh những sáng tạo riêng, không giẫm theo lối mòn?

Nguyễn Chương

Tin cùng chuyên mục