Bình minh trên đồng

Ngày 30-4-1975, xóm làng nô nức mừng ngày thống nhất đất nước, nhà nhà làm gà, vịt, heo ăn mừng, đón bà con từ các nơi Bắc, Trung, Nam về sum họp. Nhiều người trong xóm ra đi biệt vô âm tính, không rõ sống chết nay trở về mang quân hàm bộ đội giải phóng.
Bình minh trên đồng

Ngày 30-4-1975, xóm làng nô nức mừng ngày thống nhất đất nước, nhà nhà làm gà, vịt, heo ăn mừng, đón bà con từ các nơi Bắc, Trung, Nam về sum họp. Nhiều người trong xóm ra đi biệt vô âm tính, không rõ sống chết nay trở về mang quân hàm bộ đội giải phóng.

Tôi lúc ấy 25 tuổi, thi rớt tú tài làm giấy nhỏ tuổi để khỏi đi lính cho chế độ cũ, sau nhiều lần đổi tên thay họ, tôi trở lại tên thật của mình: Nguyễn Văn Lộc, sinh năm 1950, xã Thới Thạnh, huyện Ô Môn - Cần Thơ (giờ là xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ).

Cha tôi nói: “Đất nước thống nhất rồi, không còn bom đạn chết chóc, đời nông dân bấy lâu làm ruộng chui nhủi để kiếm cơm qua ngày, nay mặc sức ra công canh tác ruộng đất của mình. Con ráng giữ miếng ruộng 1,5ha nhà mình, đừng bao giờ buông bỏ miếng ruộng này vì nó là ước mơ của ông nội con đã nhờ cách mạng đổ xương máu mới giành được từ tay địa chủ. Vả lại, nghề nông cũng là nghề đứng thứ hai trong xã hội (sĩ, nông, công, thương)”. Cha tôi luôn xem nghề làm ruộng là chính trong cuộc sống. Ông nói với tôi: “Thi rớt tú tài nghỉ ở nhà được rồi! Xưa người ta vác giạ vay lúa chớ ai vác giạ vay chữ bao giờ”.

Máy gặt đập liên hợp ở đồng bằng.

Tôi làm quen dần với miếng đất sáng đi sớm chiều về trễ. Cỏ thì lên từng phút từng giờ không nghỉ, cứ vài hôm ra xem thì cỏ chen lên cao hơn lúa. Cuối mùa, cỏ nhiều hơn lúa, thu hoạch chừng 10 - 15 giạ/công là trúng lắm. Có năm, lúa vừa trổ bị bệnh chết khô, tôi xách thúng đi lặt được chừng đôi ba giạ. Mỗi năm canh tác một vụ lúa mùa, chẳng lẽ 12 tháng trông chờ vào cây lúa ngoài đồng, mà khi thu hoạch thất bát không đủ ăn còn phải làm mùa tiếp vụ sau.

Để làm được vụ sau, tôi phải vay lúa mùa, cứ 10 giạ tới ngày trả vốn lời 15 giạ. Cây lúa mùa phải dọn đất tỉa mạ vào tháng ba âm lịch, khi tỉa mạ xuống phải canh chừng chuột chim, không khéo bị ăn hết thì bỏ ruộng. Mạ tỉa xong quay lại phát đất giâm, dọn đất xong xuôi cũng vừa lúc phát đất liền. Khi ấy, bắt đầu mùa phát cỏ, nghèo không tiền phát vần công nhau, có tiền mướn vạn phát. Dọn đất liền vừa xong thì nước cũng vừa chờm lên, mùa cấy bắt đầu. Đàn bà, con gái đi cấy thúi móng tay không dám nghỉ. Nghỉ rồi trễ ruộng sao? Bên cạnh sức người, sức kéo trâu bò góp phần quan trọng trong nghề nông. Máy cày lúc bấy giờ có nhưng rất ít và chủ yếu gom về quản lý ở huyện. Do quản lý không tốt nên hư hao, mất trộm nhiều bộ phận. Bởi vậy, nhiều máy không dùng được, số hoạt động được không đủ sức cày vỡ hết đất và chỉ tập trung cày trên những cánh đồng lớn. Còn vùng đất manh như của tôi phải dùng sức trâu bò cày vỡ hoặc phát cấy thôi.

Năm 1987, 1988 là đỉnh cao của khủng hoảng kinh tế, gia đình tôi, bà con nông dân trong xóm khó khăn vô cùng. Ngày chỉ ăn bữa cơm chính, còn lại chiều tối chỉ ăn cháo hoặc độn khoai, bắp để ngủ khỏi xót ruột. Sau khi thu hoạch lúa xong, căn cứ theo nhân khẩu chỉ được chừa đủ ăn tới vụ sau, còn lại bao nhiêu cân bán cho nhà nước. Trong khi đó, đời sống sinh hoạt giao tiếp của nông dân ở nông thôn lấy lúa làm đơn vị tính. Đi đám cưới thường tương đương táo lúa, đám thân 1 giạ, chịu lạy 2 giạ… nhất nhất tính bằng lúa.

Năm 1988 cũng là năm có lũ lớn nhấn chìm cả khu vực đồng bằng, nước lên từng giờ, ngập nhà cửa, ruộng vườn lênh láng. Lúa vừa ngậm sữa nằm chết rũ dưới đáy nước. Dưới dòng sông Ô Môn xuất hiện những tốp ghe, xuồng từ miệt Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang kéo thành đoàn năm ba chục người bơi dập dìu dưới sông. Đoàn người đi vô miệt Bà Đầm - Cần Thơ, Vĩnh Thuận - Hậu Giang, Kiên Giang để làm thuê, làm mướn đem về từng lon gạo, từng lít lúa.

Rồi chúng tôi chuyển dần lúa mùa thay thế bằng các giống lúa mới như Thần nông 5, Thần nông 8, IR 732… Những giống ngắn ngày này có năng suất cao, hợp với đất của mình. Chuyện chuyển từ lúa mùa qua lúa ngắn ngày, nói rất dễ nhưng thực tế không đơn giản chút nào, phải mất 10 năm mới ổn định. Tập quán làm lúa mùa có từ hàng trăm năm rồi, cộng lại vùng đất gì mà qua tháng bảy tháng tám âm lịch, nước lên ngập nhà cửa, vườn tược. Qua tháng giêng, tháng hai, đồng khô nứt nẻ đi lọt bàn chân. Khi mưa xuống, vài tháng nước cũng vừa lên ngập lút. Cây lúa ngắn ngày đất phải bằng, nước đem vô và thoát ra theo yêu cầu.

Nhưng đem nước vô ruộng cách bằng cách nào đây khi trong tay tôi không có phương tiện máy móc để bơm? Trước tiên, mỗi hộ chỉ làm vài công thuận lợi ở gần bờ kinh rạch kiếm cơm ăn, còn lại phải tham gia đào các con kinh dẫn nước, đắp đê mẫu… Sức đào chỉ có bằng cuốc xẻng, năm nay đào một số để đó, năm sau đào tiếp. Còn máy bơm nước, chỉ có máy Kohler, máy BS chạy bằng xăng, chạy chút nóng tắt ngủm. Máy dầu có công suất lớn, nông dân cơm ăn không đủ sao có tiền mua? Rồi sâu rầy phá hoại mùa màng liên tục khiến nông dân thêm khốn đốn.

Qua năm 1990, tôi vận động 2 đứa con lớn với vợ ra đồng, để lại đứa nhỏ mới biết bò trong trong lồng củi. Cả nhà ra sức san lấp miếng ruộng tương đối bằng phẳng nên năng suất lúa dần tăng từ 3 tấn lên 4 tấn/ha/vụ. Vợ tôi ra sức xắt chuối nuôi heo, nuôi gà vịt, nuôi cá trong vuông mương nên cuộc sống dần bớt thiếu thốn. Xã mở những lớp khuyến nông, khóa học đã giúp nông dân có những nhận thức mới trong cách chăm sóc cây lúa, chăn nuôi, trồng tỉa. Nông dân dần tiếp cận với khoa học kỹ thuật nông nghiệp, các dịch vụ phân thuốc cũng mở ra để phục vụ cho nông nghiệp. Cây lúa bắt đầu xanh trên đồng ruộng, năng suất tăng dần từ 4 tấn lên 5 tấn, rồi lên 10 tấn/ha/vụ.

Năm 1995, điện về xóm tôi, nhưng chỉ trên trục lộ chính gần đường điện đi qua. Dân phải họp lại thành tổ xin phép huyện, đóng tiền tự mua dây kéo về nhà mình. Đêm có điện đầu, các con tôi mừng chơi giỡn đến hơn nửa đêm mới ngủ, còn người lớn say ngất bên mâm rượu. Có điện, trong xóm rất vui, những tối thứ bảy, chủ nhật, bà con lao động chiều về tắm rửa tụ lại những nhà khá giả có ti vi trắng đen nghe cải lương, những tuồng Tiếng hò sông Hậu, Đời cô Lựu, Khách sạn Hào Hoa… nghe riết thuộc làu trong bụng.

Sức cần cù, siêng năng lao động của nông dân sẵn có, cộng với sự tác động khoa học kỹ thuật nhanh chóng biến những đồng lúa ngày nào chỉ 3, 4 tấn/ha/năm nay lên 12 tấn/ha/vụ. Bên cạnh đó, các ngành chăn nuôi, trồng tỉa cũng được phát huy. Nuôi cá trong mương ao, trên ruộng theo mùa, các loại trái cây ngon trong xóm tôi cũng đã trồng được như nhãn da bò, sầu riêng hạt lép, mận ổi... Đời sống nông dân dần thay đổi, khỏe hơn, không còn cực nhọc như ngày xưa. Nhà tường lần lượt thay cho nhà tre lá, nông dân họp nhau trong xóm bỏ tiền ra làm đường giao thông trước nhà mình, bê tông những cây cầu nhỏ từ 10m trở lại. Sự đi lại ở nông thôn đã có một bước phát triển thấy rõ nét.

Tôi thử nhìn lại cây lúa, ngày nào 1 năm thu hoạch 10 giạ/công (tương đương 2 tấn/ha/năm), nay chỉ 1 vụ đông xuân thôi cũng có 12 tấn/ha, vụ hè thu 10 tấn/ha, vụ thu đông 10/ha, cả năm 3 vụ 32 tấn/công, tương đương 144 giạ/công đất, năng suất gấp 10 lần ngày xưa. Trong số hàng triệu tấn tổng sản lượng của khu vực miền Tây kia đạt được trong năm, có số lúa của gia đình tôi góp phần. Một bộ phận nông dân có cơ hội tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước, tiếp cận với khoa học công nghệ trên nhiều lĩnh vực khẳng định được vị trí của mình trong thời đổi mới.

Để có được tồn tại phát triển, nông dân không thể đơn độc với cây lúa mà phải kèm theo chăn nuôi, trồng tỉa. Dù thế nào đi nữa, đời nông dân vẫn gắn bó với cây lúa với thửa ruộng miếng vườn vì nó là nghề truyền thống, là tâm huyết từ bao đời ông cha để lại. Tôi luôn trăn trở về nghề nông của mình. Công nhân được tính tiền lương (công) bằng giờ, bao nhiêu giờ bằng bao nhiêu tiền. Còn nông dân nếu tính bằng giờ cho sự chăm bón, lao động miếng ruộng của mình, chắc chắn là sản phẩm làm ra không đủ bù vào tiền công đó. Sự thiếu công bằng này dễ dàng nhận thấy và nhà nước cũng có những chính sách đãi ngộ với nông dân nhưng chưa thỏa đáng. Việc thiếu công bằng này, đối với nông dân tạo ra hai mặt: tiêu cực và tích cực. Mặt tiêu cực là cá nhân có buồn vì sau khi trừ các chi phí lợi nhuận còn lại quá ít, buồn với mưa, với nắng, rồi vẫn tiếp tục làm mùa. Mặt tích cực, nó luôn là động lực thúc đẩy, tác động sự suy nghĩ của nông dân luôn đứng trước bên bờ vực, vươn lên hay tụt xuống. Từ đó mà ra sức tìm tòi, học hỏi, chọn giống gì, bón phân thuốc gì, canh tác như thế nào để giảm chi phí mà vẫn giữ được năng suất, chất lượng để tăng lợi nhuận. Bởi thế, người nông dân bây giờ không những lao động bằng chân tay mà cái đầu cần phải linh hoạt.

Tôi ngồi trên bờ giồng nhìn miếng ruộng cho nước vô chuẩn bị xuống giống lòng đầy ước mơ, nhưng ước mơ bị chùn với thực tại giá lúa từng lúc gây bất ổn cho nông dân. Trước đây, nông dân phải trải qua một thời gian khá dài để chuyển đổi từ cây lúa mùa sang lúa ngắn ngày. Biết bao nhiêu sự trăn trở, thách thức trong cái đầu giờ mới được ổn định về nhận thức sản xuất nông nghiệp. Tiếp theo, nông dân luôn phải đối mặt với thị trường, cụ thể là giá lúa, đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Với hệ thống này, đặt ra cho nông dân một thách thức mới…

Qua ngần ấy năm (1975 - 2014), mắt tôi đã chứng kiến những thay đổi bất ngờ, năng suất lúa từ 10 - 15 giạ/công/năm, nay 150 giạ/công/năm, các loại phương tiện sản xuất nông nghiệp liên tục chuyển hóa từ cái bồ đập lúa, rồi đến sân đạp lúa bằng trâu bò, đạp máy... Khi sáng, lúa còn đứng trải bông trên đồng, buổi chiều lúa đã xuống ghe đi đến nhà máy chế biến. Và bên cạnh đó, sự thay đổi hệ sinh thái và môi trường cũng dần biến đổi theo. Nhưng một điều bất biến đối với nông dân: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Nước vẫn là nguồn tuyệt đối cho cây lúa bám rễ xuống đất, cho mọi điều kiện sinh sôi nảy nở làm đòng tạo hạt. Và điều bất biến nữa là người nông dân yêu nghề, yêu buổi bình minh trên ruộng thiết tha.

Buổi sáng, một vạt nắng mới trải xuống ruộng mang theo nỗi buồn vui cùng mồ hôi của nông dân trộn lẫn cùng đất.

NHẬT HỒNG

Tin cùng chuyên mục