Bình Phước phấn đấu tiến tới tự cân đối ngân sách

Là một tỉnh còn nhiều khó khăn với xuất phát điểm thấp, tỷ trọng nông nghiệp lớn, nhưng 2 năm qua, tỉnh Bình Phước đã có nhiều nỗ lực trong tăng thu ngân sách, cải thiện đời sống nhân dân. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với bà Trần Tuệ Hiền, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, về các giải pháp thu hút đầu tư, chăm lo đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền kiểm tra tiến độ xây dựng công trình Trường Chính trị tỉnh
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền kiểm tra tiến độ xây dựng công trình Trường Chính trị tỉnh

PHÓNG VIÊN: Xin bà cho biết một số kết quả chính yếu trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của tỉnh? 

Bà TRẦN TUỆ HIỀN: Năm 2019, với sự quyết tâm trong lãnh đạo của các cấp ủy đảng, điều hành của chính quyền, sự tham gia của MTTQ và các đoàn thể, sự nỗ lực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN), tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, đạt kỳ vọng của năm bứt phá.

Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế 8,48% - cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay; GRDP bình quân đầu người đạt 62,5 triệu đồng, tăng 12,4% so với năm 2018, cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước; thu ngân sách đạt 9.135 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2018; tạo ra việc làm mới cho 35.100 lao động, đạt 100,2% kế hoạch năm. Cơ cấu lại nền kinh tế đúng định hướng, từng bước đi vào thực chất hơn; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, đặc biệt là đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân. Năm 2019, tỉnh đã thu hút được 132 dự án đầu tư trong nước với số vốn đầu tư đăng ký là 10.249 tỷ đồng; thu hút đầu tư nước ngoài được 48 dự án với số vốn đăng ký 521 triệu USD - cao nhất trong 23 năm từ khi tái lập tỉnh. 

Thời gian tới, những giải pháp chủ yếu trong thu hút đầu tư vào tỉnh Bình Phước là gì, thưa bà?

Tỉnh sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế địa phương, quan tâm thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tăng cường gặp gỡ, đối thoại, giải quyết khó khăn cho DN.

Triển khai có hiệu quả các chương trình đột phá, như đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, mở rộng không gian kinh tế và đô thị (xây dựng quy hoạch, đưa vào hoạt động Khu đô thị - dịch vụ - công nghiệp Đồng Phú với quy mô 6.137ha và 3 khu công nghiệp ở huyện Phú Riềng 1.300ha; thực hiện các dự án giao thông cấp thiết có tính kết nối liên vùng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như đường cao tốc TPHCM - Chơn Thành, quốc lộ 14C kết nối Đăk Nông với Bình Phước), chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. 

Trong 2 năm qua, tỉnh Bình Phước đã nỗ lực tăng thu ngân sách, phấn đấu tiến tới tự cân đối được ngân sách, bà có thể cho biết những giải pháp trọng tâm của tỉnh để tăng thu bền vững?

Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng thu ngân sách của tỉnh đạt khoảng 22%/năm. Năm 2019, thu ngân sách đạt 9.135 tỷ đồng đã vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, là 4.285 tỷ đồng (vượt 88,4%); nợ công của tỉnh luôn ở mức thấp và giảm theo từng năm.

Để tăng thu bền vững, tiến tới tự cân đối được ngân sách, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có thế mạnh, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước. Cụ thể như các dự án về nông nghiệp công nghệ cao; dịch vụ cảng khô gắn với dịch vụ logistics ở cửa khẩu Hoa Lư; triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nâng cao giá trị sử dụng các quỹ đất công của tỉnh; đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa, để nuôi dưỡng nguồn thu; tập trung hoàn thiện và đưa vào khai thác các  sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng đặc sắc của tỉnh, các điểm du lịch như Di tích lịch sử quốc gia Tà Thiết, Khu du lịch sinh thái và tâm linh núi Bà Rá, Khu bảo tồn văn hóa S’Tiêng sóc Bom Bo… 

Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỉnh sẽ làm gì để tiếp tục cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc?

Hiện nay, Bình Phước có 40 thành phần dân tộc thiểu số với 195.659 người, chiếm 19,67% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, nhiều chương trình mục tiêu quốc gia được đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đến nay 100% số xã đã có đường nhựa đến trung tâm, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt trên 98%. Riêng trong năm 2019, tỉnh đã lồng ghép các chính sách và tập trung nguồn lực để giảm 1.000 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”; hoàn thành mục tiêu giảm tiếp 1.000 hộ dân tộc thiểu số nghèo trong năm 2020. Phát triển các cụm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới; phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc; giải quyết từ cơ sở các mâu thuẫn, khiếu kiện trong nhân dân, không để kéo dài làm phát sinh các điểm nóng. Quy hoạch quỹ đất để thực hiện định canh định cư và hỗ trợ đất sản xuất, giao khoán rừng cho các hộ gia đình dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách ưu tiên, cử tuyển; ưu tiên đào tạo y bác sĩ là người dân tộc thiểu số…

Tin cùng chuyên mục