Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa và giải trình thấu đáo những vấn đề có ý kiến khác

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: phải tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra; tập trung nghiên cứu, đề xuất và triển khai xử lý nhanh, dứt điểm các vướng mắc, tồn tại, điểm nghẽn trong quá trình phát triển của đất nước.

Chiều 8-7, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp phiên bế mạc. Trước đó, buổi sáng cùng ngày, Ban Chấp hành Trung ương nghiên cứu tài liệu; buổi chiều làm việc tại hội trường.

Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa và giải trình thấu đáo những vấn đề có ý kiến khác ảnh 1 Quang cảnh phiên bế mạc Hội nghị  lần thứ  3 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, chiều 8-7. Ảnh: VIẾT CHUNG 
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước thay mặt Bộ Chính trị thông báo về nội dung hội nghị. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư chủ trì, điều hành hội nghị.
Tại đây, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương thay mặt Bộ Chính trị đọc Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị các vấn đề Trung ương thảo luận về cơ cấu tổ chức bộ máy Nhà nước và phương án giới thiệu bổ sung nhân sự đảm nhiệm một số chức danh lãnh đạo cơ quan Nhà nước khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ban Chấp hành Trung ương ghi phiếu giới thiệu nhân sự các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026; bầu bổ sung 2 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khoá XIII.
Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa và giải trình thấu đáo những vấn đề có ý kiến khác ảnh 2 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên bế mạc hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG
Sau đó, Ban Chấp hành Trung ương họp phiên bế mạc hội nghị. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước thay mặt Bộ Chính trị điều hành hội nghị. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ thay mặt Bộ Chính trị đọc Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị các vấn đề Trung ương thảo luận về tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 và dự kiến kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Bộ Chính trị đọc các Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị những ý kiến của Trung ương thảo luận về: dự thảo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá XIII; dự thảo Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khoá XIII; dự thảo Quy định thi hành Điều lệ Đảng và dự thảo Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; dự thảo Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII.

Ban Chấp hành Trung ương thảo luận về các nội dung trên, sau đó thông qua Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3. Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, sau 4 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra, kết thúc sớm hơn so với dự kiến được 1 ngày.

Các đồng chí Ủy viên Trung ương và các đồng chí tham dự hội nghị đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thảo luận dân chủ, thẳng thắn, đóng góp nhiều ý kiến trí tuệ, xác đáng vào các báo cáo, đề án. Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát lại những kết quả chủ yếu đã đạt được và nhấn mạnh thêm một số vấn đề để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương.

Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa và giải trình thấu đáo những vấn đề có ý kiến khác ảnh 3 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 3. Ảnh: VIẾT CHUNG
Về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, xem xét các vấn đề một cách khách quan, khoa học, hội nghị đã thống nhất đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020, và tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021.
Đồng thời, cho ý kiến chỉ đạo hoàn thiện dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia, và đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 để trình Quốc hội khoá XV xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ nhất dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 7 này.
Ngay sau hội nghị này, Ban cán sự đảng Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Trung ương để hoàn thiện thêm một bước các dự thảo kế hoạch trình Quốc hội xem xét, quyết định. Trong quá trình này, cần tiếp tục bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các chủ trương chính sách, biện pháp mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra để rà soát thật kỹ, chuẩn xác hoá nội dung Tờ trình và Dự thảo các kế hoạch, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với Kế hoạch tài chính quốc gia và Kế hoạch đầu tư công trung hạn; có những giải pháp mang tính đột phá, khả thi cao và sát hợp với thực tế tình hình: Vừa phải tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vừa phải chủ động, tích cực phòng, chống dịch bệnh có thể còn tiếp tục kéo dài, thậm chí nguy hiểm, lan rộng nhanh hơn.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần tiếp tục được bổ sung, làm rõ, tạo sự thống nhất cao về các vấn đề lớn, hết sức quan trọng như: Sự đúng đắn, phù hợp của mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu, các cân đối lớn của nền kinh tế và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã đề ra.

Các cơ chế, chính sách, biện pháp để thực hiện thắng lợi 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng xác định để sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém tồn đọng từ lâu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định ngày càng vững chắc hơn kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và các thành phần kinh tế cho phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt là các chính sách, biện pháp phát triển văn hoá, xã hội, xây dựng con người, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Tập trung nghiên cứu, đề xuất và triển khai xử lý nhanh, dứt điểm các vướng mắc, tồn tại, điểm nghẽn trong quá trình phát triển.

Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa và giải trình thấu đáo những vấn đề có ý kiến khác ảnh 4 Hội nghị Trung ương 3 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra, kết thúc sớm hơn 1 ngày so với dự kiến. Ảnh: VIẾT CHUNG
Về các quy chế, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, hội nghị đã cho ý kiến để hoàn thiện và quyết định ban hành Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Quy chế làm việc của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XIII; Quy định về thi hành Điều lệ Đảng và Quy định về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng nhiệm kỳ khoá XIII.
Ban Chấp hành Trung ương đánh giá cao việc chuẩn bị nghiêm túc, công phu, có chất lượng các dự thảo và cơ bản nhất trí với những nội dung do Bộ Chính trị trình; đồng thời cho ý kiến sửa trực tiếp vào các điều khoản cụ thể của từng văn bản. Bộ Chính trị đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến xác đáng và giải trình thấu đáo về các ý kiến khác.
Theo Tổng Bí thư, nội dung sửa đổi, bổ sung Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng khóa XI đã thể chế, cụ thể hóa các nội dung đã được Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII kết luận tại Nghị quyết số 53-NQ/TW; cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; và bổ sung nhiều quy định cụ thể khác liên quan đến các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, có tính bản chất, phổ biến hoặc còn thiếu,... nhằm phát huy đầy đủ, đúng đắn hơn nữa chức năng kiểm tra, giám sát của Đảng.

Về công tác cán bộ, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Chấp hành Trung ương ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Tổ chức Trung ương, các cơ quan có liên quan trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 2 về kiện toàn một bước cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước thời gian qua; cách chuẩn bị bài bản, chặt chẽ, thận trọng, theo đúng nguyên tắc tập trung, dân chủ, tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao. Đồng thời, Trung ương cũng nhất trí cao với Phương án do Bộ Chính trị trình về tiếp tục kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV. Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí đề xuất, giới thiệu bổ sung 23 nhân sự đảm nhiệm một số chức danh lãnh đạo Nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa và giải trình thấu đáo những vấn đề có ý kiến khác ảnh 5 Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 3 trong phiên bế mạc, chiều 8-7. Ảnh: VIẾT CHUNG
Tổng Bí thư Nguyễn Phủ Trọng khẳng định: Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thành công tốt đẹp. Những nội dung được Trung ương đưa ra xem xét, quyết định tại hội nghị này có ý nghĩa rất quan trọng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hết sức quan tâm, coi đây là một bước cụ thể hoá sớm và kịp thời Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần này sẽ góp phần tích cực vào việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. “Mỗi đồng chí Ủy viên Trung ương cần nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu thực hiện và lãnh đạo tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương và đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần này”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục