*6-7 môn học bắt buộc
(SGGPO). - Bộ GD-ĐT vừa báo cáo tổng hợp và tiếp thu giải trình các ý kiến của các tổ chức, cá nhân về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (CT-GDPT).
Trước đó, ngày 5-8-2015, Bộ GD-ĐT đã đăng tải trên mạng dự thảo CT- GDPT tổng thể để xin ý kiến rộng rãi của các tầng lớp xã hội. Sau khi đưa ra công luận, các tổ chức, cá nhân cũng đã đóng góp thêm các ý kiến nhằm hoàn thiện CT tổng thể, Bộ GD-ĐT tổng hợp và tiếp thu, giải trình 17 kiến nghị cơ bản của dư luận.
Dư luận chú ý nhiều đến sự thay đổi chương trình giáo dục phổ thông. Ảnh: Mai Hải
Bổ sung thêm các năng lực phẩm chất cho người học
Trong đó, đáng chú ý là dư luận đề nghị bổ sung các phẩm chất: chăm sóc, bảo vệ môi trường; lao động; sống trung thực, tự tin, tự trọng; sống có niềm tin và mơ ước; sống hòa bình; sống bản lĩnh; nên tách riêng sống trung thực với sống tự chủ, đề nghị rà soát để hoàn thiện nội dung diễn đạt các biểu hiện về phẩm chất của học sinh nêu trong dự thảo CT tổng thể.
Về kiến nghị này, Bộ GD- ĐT cho biết dự thảo CT tổng thể đề xuất 3 phẩm chất thuộc 3 khía cạnh khác nhau. Phẩm chất thứ nhất là “sống yêu thương” là phẩm chất của con người trong mối quan hệ với bên ngoài; phẩm chất “sống tự chủ” là phẩm chất của con người trong mối quan hệ với trách nhiệm xã hội. Có thể thấy rằng phẩm chất chăm sóc, bảo vệ môi trường là thuộc nội hàm của sống yêu thương; sống trung thực, tự tin, tự trọng, có niềm tin và mơ ước... hay sống bản lĩnh là thuộc nội hàm của sống tự chủ. Tiếp thu các góp ý, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành điều chính, bổ sung nội hàm và biểu hiện của học sinh đối với từng phẩm chất đã nêu trong dự thảo CT tổng thể.
Dư luận cũng kiến nghị bổ sung các năng lực tư duy, phê phán phản biện và năng lực thích ứng... Về nội dung này, Bộ GD-ĐT cho biết tư duy phê phán hay năng lực phản biện, tư duy độc lập đã được nêu trong năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo ở thành tố tư duy độc lập với các biểu hiện như biết cách đặt câu hỏi khác nhau về một sự vật, hiện tượng; chú ý lắng nghe và tiếp nhận thông tin, ý tưởng với sự cân nhắc, chọn lọc; quan tâm tới các chứng cứ khi nhìn nhận đánh giá sự vật, hiện tượng; đánh giá vấn đề tình huống dưới những góc nhìn khác nhau; không dễ dàng chấp nhận thông tin một chiều; không thành kiến khi xem xét, đánh giá vấn đề; quan tâm tới các lập luận và minh chứng; sẵn sàng xem xét, đánh giá lại vấn đề. Với năng lực thích ứng; khi học sinh được hình thành và phát triển các năng lực chung như đã nêu trong CT dự thảo tổng thể và các năng lực đặc thù môn học thì tất yếu sẽ có được nền tảng để thích ứng tốt nhất. Sau giai đoạn GDPT, năng lực thích ứng sẽ tiếp tục được phát triển phù hợp với môi trường, điều kiện của người học giúp họ thích ứng với môi trường học tập và xã hội.
Môn học bắt buộc không nhiều
Các ý kiến đóng góp cũng cho rằng đề nghị xem xét lại cách tiếp cận khi xây dựng hệ thống môn học trong dự thảo CT tổng thể. Tổng số môn học bắt buộc và môn học tự chọn mà học sinh phải học ở cấp THPT còn nhiều so với thế giới.
Trước ý kiến này, Bộ cho rằng trong dự thảo CT tổng thể, hệ thống các môn học được chia thành các môn học bắt buộc và các môn học tự chọn (tự chọn 1, tự chọn 2, tự chọn 3). Việc thiết kế hệ thống môn học trước hết căn cứ theo yêu cầu của Nghị quyết 88: “giáo dục cơ bản đảm bảo trang bi cho học sinh tri thức phổ thông nên tàng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS. Giáo dục định hướng nghề nghiệp đảm bảo học sinh tiếp cận nghề nghiệp chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”.
Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, hệ thống môn học được thiết kế theo hướng thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong CT hiện hành để tạo thành môn học tích hợp; thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học. Ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp, hệ thống môn học được thiết kế phù hợp với phương thức phân hóa sớm (từ lớp 10), không quá sâu và phân hóa dần. Theo cách tiếp cận này, học sinh chỉ học một số môn học bắt buộc (4 môn), đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập.
Do đó, Bộ GD-ĐT khẳng định tổng số môn học bắt buộc và môn học tự chọn mà học sinh phải học trong CT GDPT mới không hề nhiều so với các nước trong khi vực và trên thế giới.Tuy nhiên, Bộ cũng cho rằng tiếp thu ý kiến, sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham khảo quy định cấu trúc môn học tự chọn 3 nên có một số mô đun bắt buộc và các mô đun còn lại là tự chọn.
Môn sử là môn học bắt buộc
Các ý kiến cũng cho rằng việc phân hóa thành hai khối khoa học tự nhiên (KHTN) và khoa học xã hội (KHXH) là không đủ, không hợp lý.
Về vấn đề này, Bộ GD-ĐT cho biết trên tinh thần đảm bảo sự phân hóa mạnh và sâu dần từ lớp 10 đến lớp 11, 12, học sinh học một số môn bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học (từ lớp 10) và chuyên đề học tập (từ lớp 11), trong đó có những chuyên đề riêng về hướng nghiệp. Tiếp thu ý kiến đóng góp, để hài hòa giữa học phân hóa định hướng nghề nghiệp và học toàn diện, trong cấp học, CT tổng thể sẽ quy định rõ hơn theo định hướng: học sinh tHPT học tối thiểu 7 hoặc 6 môn và các chuyên đề học tập, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Trong đó có 4 môn bắt buộc và các môn tự chọn. Với các môn tự chọn có tự chọn tùy ý (tự chọn 1); tự chọn theo môn (tự chọn 2) theo hướng KHTN hoặc Công nghệ kỹ thuật, theo hướng KHXH và nhân văn, theo hướng nghệ thuật; Tụ chọn các môn (tự chọn 3) hoạt động trải nghiệm sáng tạo, chuyên đề học tập. Như vậy các môn học tự chọn, chuyên đề học tập tự chọn và cách tự chọn trên, định hướng nghề nghiệp của học sinh không phải chỉ theo KHTN hhay KHXH mà theo các ngành khác như kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp, nông nghiệp, nghệ thuật...
Các ý kiến cũng đề nghị đưa các môn Lịch sử, Giáo dục quốc phòng – an ninh là môn học bắt buộc trong CT-GDPT mới. Bộ GD-ĐT cho biết, nội dung này bắt buộc đối với tất cả các học sinh trung học phổ thông.
PHAN THẢO