Tại đây, Bộ GD-ĐT đã công bố quy chế thi tốt nghiệp THPT áp dụng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Theo đó, điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 là tăng cường tự chủ của các địa phương (tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương); Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương mình; thời gian tổ chức thi chỉ có 2 ngày (9, 10-8), thay vì 2,5 ngày như dự kiến trước đó. Các cơ sở giáo dục đại học không tham gia coi thi, chấm thi; chỉ tham gia các đoàn thanh tra để thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu của kỳ thi.
Năm nay, ngoài các đoàn thanh tra của Bộ GD-DT và của sở GD-ĐT, Thanh tra tỉnh tổ chức các đoàn thanh tra tất cả các khâu tổ chức kỳ thi theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Bộ GD-ĐT cũng sẽ thực hiện đối sánh, phân tích kết quả thi và kết quả học tập bậc THPT của thí sinh.
Theo tinh thần quy chế, kỳ thi THPT năm nay đặt mục tiêu chính là xét tốt nghiệp nhưng Bộ GD-ĐT vẫn chỉ đạo, ra đề thi; UBND tỉnh, thành phố chủ trì và chịu trách nhiệm tổ chức. Quy trình coi thi, chấm thi, bảo quản bài thi về cơ bản giữ như kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019.
Trong đó, sẽ tổ chức thi 5 bài, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên - KHTN (gồm các môn thi thành phần Vật lý, Hóa học, Sinh học); bài thi tổ hợp khoa học xã hội - KHXH (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục trung học phổ thông; hoặc Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên).
Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, KHTN, KHXH thi theo hình thức trắc nghiệm. Bài thi Ngữ văn theo hình thức tự luận. Ngữ văn thi 120 phút; Toán 90 phút; Ngoại ngữ 60 phút; 50 phút đối với mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp KHTN và KHXH.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trước khi hoàn thành cấp THPT, học sinh được trải qua kỳ thi đánh giá chất lượng trên diện rộng, để kiểm tra mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của các em so với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông. Căn cứ vào kết quả đó để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của các nhà trường, công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Với kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng để tuyển sinh.
“Việc tổ chức kỳ thi không chỉ đơn thuần là để công nhận tốt nghiệp THPT mà còn nhiều ý nghĩa quan trọng khác. Do đó, kỳ thi do đó phải đảm bảo yêu cầu nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng, minh bạch”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói.
Bộ trưởng cũng cho biết, theo lộ trình đổi mới thi đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện từ năm 2015 và từng năm đều có điều chỉnh bổ sung hoàn thiện. Năm 2020, kỳ thi về cơ bản giữ ổn định và từ năm 2021-2025, có thể đổi mới thêm là thi trên máy tính ở nơi có điều kiện, còn lại cơ bản vẫn ổn định.
Kỳ thi năm nay giao cho địa phương nhưng Bộ trưởng cũng cho biết, trách nhiệm của Bộ GD-ĐT vẫn rất lớn. Đó là chỉ đạo chỉ đạo tổ chức kỳ thi; xây dựng quy chế, các văn bản hướng dẫn; tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, nghiệp vụ thanh tra; xây dựng, cung cấp đề thi cho các Hội đồng thi; cung cấp các phần mềm phục vụ tổ chức thi dùng chung cả nước; tổ chức thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi.
Việc tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan là nhiệm vụ rất quan trọng, Bộ đề nghị các cấp uỷ chính quyền địa phương có chỉ đạo, quán triệt đầy đủ mục đích, yêu cầu, nội dung cụ thể trong thực hiện tổ chức kỳ thi này. Địa phương cần ý thức rõ tầm quan trọng của kỳ thi, để chuẩn bị chu đáo các khâu, tránh tiềm ẩn các rủi ro. Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh phải có đầy đủ đại diện của các sở, ban ngành liên quan như Công an, Bộ Giao thông, Thanh tra Chính phủ..
Cung theo Bộ trưởng, rất nhiều trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh, nên trách nhiệm của các trường đại học cũng rất lớn. Bộ đã họp trực tuyến với nhiều lãnh đạo trường đại học, cao đẳng và quán triệt các trường phải có trách nhiệm trong kỳ thi này. Năm nay cán bộ, giảng viên đại học không tham gia công tác coi thi, chấm thi như mọi năm, nhưng sẽ tăng cường lực lượng này tham gia vào thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi.
Cũng theo Bộ trưởng, việc thanh tra thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ có sự tham gia của 3 cấp: Thanh tra Bộ GD-ĐT, thanh tra tỉnh, thanh tra Sở GD-ĐT. Lực lượng này, sẽ “phủ kín” hoạt động thanh - kiểm tra tại các điểm thi và thực hiện trên nguyên tắc tránh trùng lặp, bảo đảm hiệu quả. Kỳ thi có thêm sự tham gia của Thanh tra Chính phủ.