Sau khi Báo SGGP ra ngày 27-8-2010 có bài “4 năm ngồi giảng đường với mã số “ma””, Tiến sĩ (TS) Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết: “Bộ GD-ĐT không có quy định nào về đào tạo dự thính. Tôi chưa từng nghe nói và cho phép hệ đào tạo này ở trường đại học nào cả. Nhà trường căn cứ vào điều gì để đào tạo dự thính, mục đích và bằng cấp sẽ như thế nào? Những điều đó phải rõ ràng vì liên quan đến quyền lợi người học, ví dụ như trường ĐH có thể mở các khóa bồi dưỡng và người hoàn thành khóa học sẽ được bằng cấp là chứng chỉ chẳng hạn. Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu ĐH Văn Hiến kiểm tra làm rõ về trường hợp báo đã nêu và giải trình vụ việc”.
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, PGS-TS Nguyễn Mộng Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến cho biết: “Lãnh đạo nhà trường không có chủ trương về đào tạo dự thính và cũng không biết có khoa nào của trường đào tạo loại hình này. Đến khi đọc Báo SGGP, tôi mới biết có trường hợp như thế ở khoa Du lịch, ban giám hiệu sẽ nhanh chóng kiểm tra làm rõ sự việc”.
Tuy nhiên, chúng tôi được biết, ngay trong Quy chế học vụ Trường ĐH dân lập Văn Hiến 2003 có quy định rất rõ ràng, cụ thể về sinh viên dự thính; đối tượng, nghĩa vụ và quyền lợi của sinh viên dự thính…
Và trong những lần trao đổi trước đó, ThS Nguyễn Quốc Hợp, Trưởng phòng Đào tạo của trường cũng khẳng định, trường có đào tạo dạng dự thính từ năm 2003 để đáp ứng nhu cầu xã hội. Hiện nay, khoa Tâm lý vẫn có vài trường hợp dự thính. Số lượng học dự thính không nhiều nên có những sơ suất và việc dạy dự thính không có trong quy chế có nghĩa là bộ không cấm!
Rõ ràng, với cách quản lý thiếu chặt chẽ, không thống nhất về diện học dự thính, dư luận không thể không lo ngại có gian lận trong đào tạo ở bậc học cao nhất khi các cơ sở giáo dục lợi dụng những kẽ hở chết người trong quy chế để trục lợi.
TIÊU HÀ