Tìm giải pháp căn cơ cho quy hoạch vỉa hè

Sau gần 2 tháng cao điểm thực hiện giải tỏa lấn chiếm lòng lề đường tại TPHCM đã thu được những kết quả tích cực, hè phố thông thoáng hơn. Sau giai đoạn giải tỏa, xử lý vi phạm, các địa phương đang bắt tay vào công tác quy hoạch lại vỉa hè, cũng như từng bước giải quyết bài toán mưu sinh cho người dân bấy lâu kinh doanh trên vỉa hè. Tuy nhiên, công tác quy hoạch vỉa hè của các địa phương đang gặp khó khăn do thiếu cơ sở pháp lý.

Sau gần 2 tháng cao điểm thực hiện giải tỏa lấn chiếm lòng lề đường tại TPHCM đã thu được những kết quả tích cực, hè phố thông thoáng hơn. Sau giai đoạn giải tỏa, xử lý vi phạm, các địa phương đang bắt tay vào công tác quy hoạch lại vỉa hè, cũng như từng bước giải quyết bài toán mưu sinh cho người dân bấy lâu kinh doanh trên vỉa hè. Tuy nhiên, công tác quy hoạch vỉa hè của các địa phương đang gặp khó khăn do thiếu cơ sở pháp lý.

Vỉa hè đã gọn gàng hơn

Theo ghi nhận, hầu như tất cả những trục đường chính trên địa bàn TP, từ khi vạch sơn vỉa hè xuất hiện, các hộ kinh doanh không còn ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè như xưa. Trên các đường Trần Phú, Hùng Vương (quận 5), do diện tích vỉa hè rất hẹp nên nhiều cửa hàng, quán ăn tự giác chỉnh đốn lại cách sắp xếp xe máy, biển hiệu. Tương tự, rất nhiều quán ăn gia đình, hải sản trên cung đường Trường Sa, Hoàng Sa cũng “né” vạch sơn vỉa hè bằng cách bố trí bàn ghế sát nhau, thu gọn vào phía trong hơn nữa, di chuyển chỗ gửi xe máy vào trong hẻm. Trong khi đó, báo cáo với lãnh đạo TP, Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận cho biết, trong 134 tuyến đường trên địa bàn, quận đã giải tỏa lấn chiếm vỉa hè được 100 tuyến.

Vỉa hè thông thoáng dành cho du khách tham quan thành phố trên đường Đồng Khởi, quận 1, TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đối với địa bàn quận Tân Bình, theo đánh giá của ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận, trong đợt cao điểm xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường ở địa phương, quận đã đi tuyên truyền, vận động người dân vi phạm khắc phục hành vi lấn chiếm. “Họ chấp hành rất tốt. Từ những trường hợp xây tam cấp quy mô đến những bục dắt xe nho nhỏ cũng được người dân tự nguyện tháo dỡ. Ngoài ra, các trường hợp buôn bán trên vỉa hè, họp chợ dưới lòng đường đã giảm đáng kể”, ông Lê Thanh Bình nhận xét.

Tương tự, tại huyện Củ Chi, sau hơn 2 tháng triển khai các biện pháp lập lại trật tự đô thị tại 8 tuyến đường trong thị trấn và một số xã đã có những chuyển biến tích cực, ý thức chấp hành của người dân đã được nâng lên. Trong đó, tỉnh lộ 8 được đánh giá là tuyến đường kiểu mẫu, được UBND TPHCM biểu dương…

Đường Bùi Viện, quận 1. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đối với công tác tổ chức lại cuộc sống người dân mưu sinh trên vỉa hè, ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, cho biết quận đã yêu cầu các phường - nơi có các hộ dân, những người buôn gánh bán bưng có cuộc sống, mưu sinh gắn với vỉa hè, cần tổ chức lấy ý kiến của họ. Trên cơ sở đó, quận xin chủ trương của TP để có giải pháp hài hòa về trật tự đô thị với quyền lợi của người dân. Ông Lê Thanh Bình cũng nhìn nhận, việc lập lại trật tự này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc mưu sinh của người dân, từ người buôn gánh bán bưng đến tiểu thương ở các chợ Bà Hoa (phường 11, 12), Nghĩa Phát (phường 6, phường 7) hay chợ Tân Trụ (phường 15)… Người bán trên vỉa hè thì mất “đất sống”, tiểu thương ở chợ thì phản ánh sụt giảm doanh thu. Ông Bình nói: “Vì vậy, chúng tôi phải tổ chức lắng nghe người dân, bất kể họ là dân địa phương hay từ nơi khác đến nhưng lâu nay có hoạt động ở địa phương. Qua đó, chúng tôi cố gắng tìm giải pháp sắp xếp lại để giảm thiểu ảnh hưởng cuộc sống của người dân và từ đó xử lý được tình trạng buôn bán lấn chiếm ở vỉa hè, lòng đường”.

Khi người dân được ổn định với điểm bán mới

Theo ghi nhận của phóng viên, đến thời điểm hiện nay, quận Tân Bình đã bố trí cho khoảng 20 trường hợp người dân phường 3 và các phường lân cận vốn buôn gánh, bán bưng hoặc bán hàng trên xe đẩy tay trên vỉa hè vào buôn bán ban đêm ở chợ Phạm Văn Hai (phường 3). Chị Nguyễn Trần Tường Vy (phường 3, quận Tân Bình) vừa được quận Tân Bình bố trí bán hàng tại chợ Phạm Văn Hai chia sẻ: “Trước đây tôi bán trên vỉa hè đường Hoàng Sa và đã nhiều lần bị đẩy đuổi, xử phạt. Sau này, việc xử lý gắt gao hơn nên không thể tiếp tục buôn bán trên vỉa hè nữa. Vào chợ Phạm Văn Hai, có không gian, có quầy kệ, bàn ghế rất lịch sự chứ không tạm bợ như trước. Chưa kể, vào đây chúng tôi còn được tập huấn về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được có thêm kiến thức về buôn bán cũng như việc lo bữa ăn trong gia đình”. Chị Vy cho biết thêm, mặc dù mới bán khoảng một tháng, chưa có nhiều khách quen nhưng nguồn thu đã dần ổn định. Cách đây khoảng một tuần, lãnh đạo quận có đến thăm hỏi, động viên và sự kiện này khiến nhiều người biết đến. Họ đến chia sẻ, ủng hộ nên việc buôn bán đã khá hơn trước nhiều.

Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình còn cho biết, điều làm lãnh đạo quận tâm tư là trên địa bàn có rất nhiều hộ dân cần có nơi buôn bán ổn định mà không phải lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. “Quận đang khảo sát địa điểm mới để bố trí người bán hàng rong có nơi kinh doanh ổn định như khu vực chợ Tân Bình và chợ Bàu Cát. Ngoài ra, quận cũng tiếp tục rà soát và nghiên cứu bố trí một số điểm theo cụm phường để tạo điều kiện cho người dân buôn bán. Những xe bán thuốc lá cũng được bố trí phù hợp để đảm bảo trật tự vỉa hè, không ảnh hưởng đến giao thông. Đây là giải pháp căn cơ để từng bước tiến tới chấm dứt chuyện buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường”, ông Bình nói.

Tại quận 10, kết quả khảo sát cho thấy, trên địa bàn quận có 981 hộ nghèo, cận nghèo buôn bán bằng xe đẩy, hàng rong cố định, với nhiều loại hình ngành nghề khác nhau bị ảnh hưởng bởi công tác ra quân lập lại trật tự lòng lề đường, trong đó 652 hộ thường trú trên địa bàn quận và 329 hộ từ các địa phương khác. Chủ trương của quận 10 là chỉnh trang đô thị gắn với sắp xếp, bố trí các hộ này kinh doanh ở địa điểm khác phù hợp, không ảnh hưởng trật tự lòng lề đường. Qua rà soát, tại một số chợ trong quận hiện còn tổng cộng 87 sạp trống, và bước đầu đã có 8 hộ được bố trí vào chợ Hòa Hưng để kinh doanh. Bên cạnh đó, UBND quận 10 chỉ đạo UBND 15 phường và các tổ chức, đoàn thể, vận động, hỗ trợ tạo điều kiện chuyển đổi loại hình kinh doanh, chuyển đổi nghề và quan tâm giới thiệu học nghề cho những hộ có nhu cầu.

Ông Nguyễn Tấn Mỹ, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 10, cho biết quận đang khảo sát để lên phương án sắp xếp tổ chức khu phố ẩm thực tại lô A chung cư Ngô Gia Tự, thời gian hoạt động từ sáng đến chiều. Hai tuyến đường Tô Hiến Thành (đoạn từ ngã tư Tô Hiến Thành - Thành Thái đến ngã tư Tô Hiến Thành - Lý Thường Kiệt) và Lý Thường Kiệt (đoạn từ ngã tư Lý Thường Kiệt - Tô Hiến Thành đến ngã tư Lý Thường Kiệt - Bắc Hải) có chiều rộng lề đường hơn 9m, cũng đang được khảo sát để tổ chức phố hàng rong. Sắp xếp các hộ nghèo, cận nghèo buôn bán hàng rong vào kinh doanh ở khu vực này. Dự kiến thời gian hoạt động từ 19 - 23 giờ. Cả khu phố ẩm thực lẫn phố hàng rong đều có bãi đậu xe, nhà vệ sinh; các quầy hàng được bố trí gọn gàng, đồng nhất, đảm bảo nét văn hóa truyền thống và đảm bảo mỹ quan đô thị. Khu vực trước Công viên Lê Thị Riêng cũng được quận nghiên cứu quy hoạch tổ chức chợ phiên vào sáng thứ bảy trong tuần. Những phương án trên sẽ được UBND quận 10 trình UBND TPHCM phê duyệt.

 Cần sớm có quy định về cho phép sử dụng vỉa hè

Đối với địa bàn trung tâm TP, liên quan đến giải pháp chuyển đổi ngành nghề người bán hàng rong, theo Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận, toàn quận có 580 hộ bán hàng rong, trong đó có 260 hộ nghèo. Hiện 130/260 hộ nghèo đã chấp nhận chuyển đổi ngành nghề. Quận 1 đã tạo điều kiện, giới thiệu cho những người dân thuộc các hộ này chuyển sang nghề giúp việc nhà, làm bảo vệ, nhân viên vệ sinh… Riêng 130 hộ nghèo không đăng ký chuyển đổi ngành nghề, quận đã có kế hoạch tổ chức sắp xếp cho 100 hộ trong số này được buôn bán tại 2 khu vực thí điểm đã được UBND TP chấp thuận. Đặc biệt, còn lại 30 hộ nghèo không có khả năng chuyển đổi cũng không thể buôn bán vì đa phần là người già, quận 1 cũng có hướng tạo việc làm. Cụ thể, quận 1 đã yêu cầu Ban quản lý chợ Bến Thành vận động được 1.200 hộ kinh doanh trong chợ Bến Thành chấp thuận chuyển từ túi ni lông sang túi giấy và 30 hộ nghèo này sẽ gia công túi giấy cung cấp cho các hộ kinh doanh trên. Với giá thành 600 - 1.000 đồng/túi giấy, dự kiến các hộ cũng có thể có thu nhập đảm bảo cuộc sống.

Tương tự, quận 11 hiện có 200 sạp trống tại các chợ Bình Thới, Lãnh Binh Thăng, Phú Thọ... Các hộ nghèo, cận nghèo, lâu nay mưu sinh bằng việc bán hàng rong nếu có nguyện vọng sẽ được bố trí vào buôn bán tại những sạp này. Ngoài ra, lãnh đạo quận 11 cũng sẽ trao đổi với Công ty CP Dịch vụ Du lịch Phú Thọ về việc khi tổ chức khu phố ẩm thực, chợ đêm tại Công viên Văn hóa Đầm Sen (khu vực cổng ở đường Hòa Bình) sẽ dành một số sạp bố trí cho các hộ kinh doanh hàng rong vào buôn bán ổn định. Bên cạnh đó, quận 11 nghiên cứu sử dụng khu đất trống ở một số dự án để bố trí các hộ nghèo, cận nghèo vào kinh doanh nếu có nguyện vọng. Tuy nhiên, theo ông Võ Đức Thanh, Phó Chủ tịch UBND quận 11, những giải pháp trên chỉ có thể giải quyết một phần nhu cầu của các hộ hàng rong trên địa bàn quận. Để giải quyết căn cơ việc bố trí các hộ hàng rong kinh doanh ở địa điểm khác ổn định, không ảnh hưởng trật tự lòng lề đường thì UBND TPHCM cần sớm ra quyết định ban hành quy định về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TPHCM - thay thế cho Quyết định số 74/2008/QĐ-UBND ngày 23-10-2008 của UBND TPHCM; theo hướng cho phép sử dụng một phần những vỉa hè rộng hơn 5m để kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa, phần vỉa hè còn lại sau khi chừa cho phần được kinh doanh phải rộng ít nhất 1,5m để dành cho người đi bộ như dự thảo đề xuất.


NHÓM PV CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI

Tin cùng chuyên mục