Bỏ quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư?

(SGGP).- Sáng 12-4, trong khuôn khổ phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi). Chiều cùng ngày, UBTVQH thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.

Tại Tờ trình của Chính phủ về Luật Xuất bản (sửa đổi), dự thảo luật được đề nghị đổi tên thành Luật Xuất bản, in, phát hành. Tuy nhiên, theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng - cơ quan thẩm tra dự luật, luật này chỉ điều chỉnh những vấn đề liên quan đến hoạt động xuất bản; cần nghiên cứu xây dựng một luật riêng về hoạt động in để điều chỉnh đầy đủ, toàn diện hoạt động này chứ không thể ghép vào Luật Xuất bản với một số điều quy định đơn giản.

Một nội dung mới đáng lưu ý được cơ quan thẩm tra đề cập đến là vấn đề liên kết xuất bản. Nhằm mở rộng sự tham gia hoạt động xuất bản và tăng cường trách nhiệm, cũng như thể hiện sự công bằng trong ứng xử với các doanh nghiệp tư nhân liên kết trong xuất bản, Thường trực Ủy ban đề nghị, bên cạnh việc chấn chỉnh và tiếp tục phát triển hình thức liên kết xuất bản như hiện nay, cần công nhận và luật hóa một hình thức liên kết xuất bản mới mà trên thực tế đã hình thành một cách tự phát. Theo đó, đối tác liên kết được thực hiện toàn bộ các công đoạn xuất bản xuất bản phẩm và chịu trách nhiệm về nội dung cũng như chất lượng của xuất bản phẩm. Nhà xuất bản chịu trách nhiệm thẩm định nội dung tư tưởng của xuất bản phẩm và quyết định xuất bản.

Qua thẩm tra dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, Thường trực Ủy ban Tư pháp lưu ý, nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung của dự án luật này có mối quan hệ chặt chẽ với pháp luật tố tụng; do đó cần rà soát kỹ để đảm bảo sự thống nhất giữa nội dung của dự luật với các quy định có liên quan của pháp luật tố tụng.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo luật được sửa đổi theo hướng không cấm người phạm tội nghiêm trọng nhưng đã được xóa án tích được hành nghề luật sư. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng việc cấm hành nghề luật sư đối với người đã từng phạm tội trong những trường hợp nhất định là cần thiết, tạo cơ sở hình thành đội ngũ luật sư vừa có tài, vừa có đức, góp phần bảo vệ pháp chế, bảo vệ công lý.  

Liên quan đến quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đề nghị cơ quan soạn thảo – thẩm tra đánh giá, giải trình rõ sự cần thiết và quá trình thực hiện trước khi quyết định giữ hay bỏ.

Dự thảo luật quy định, với các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, luật sư chỉ cần xuất trình thẻ luật sư và giấy yêu cầu luật sư của khách hàng; song với các vụ án hình sự, vẫn duy trì việc cấp giấy chứng nhận bào chữa. Tuy nhiên, giấy chứng nhận bào chữa có giá trị trong toàn bộ các giai đoạn tố tụng với thủ tục cấp được đơn giản hóa. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ủng hộ việc bỏ hẳn loại giấy này.

Anh Thư

Tin cùng chuyên mục