“Bó tay” thực phẩm bẩn vào trường?

Mới đây, 15 học sinh của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) đã phải nhập viện sau khi dùng bữa ăn trưa tại trường vào ngày 9-4. Sự việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Song điều đáng nói là đơn vị cung cấp những suất ăn trên là Công ty Phú Nhật Hào, đơn vị cách đây chưa lâu vừa bị phụ huynh Trường Tiểu học Long Bình (huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) đưa ra những bằng chứng cho thấy thịt, cá do công ty này cung cấp bị ôi, thiu và bốc mùi khó chịu. Như vậy chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, công ty này đã liên quan hai “nghi án” cung cấp suất ăn bẩn, gây tổn hại sức khỏe học sinh. Câu hỏi được đặt ra là vì sao cơ quan quản lý không mạnh tay xử lý để xảy ra vụ ngộ độc mới nhất cho học sinh? Vì sao một công ty được cho là có nguồn hàng không đảm bảo chất lượng vẫn vô tư cung cấp suất ăn cho các đơn vị khác? Theo số liệu thống kê của cơ quan điều tra, ngoài hai trường tiểu học nói trên, Phú Nhật Hào còn cung cấp suất ăn cho 16 trường học khác với hơn 14.000 suất ăn. Như vậy khi các thông tin này được công bố, sẽ có hơn 14.000 phụ huynh lo lắng về chất lượng bữa ăn của con tại trường.

Nói như cách chia sẻ đầy chua chát của một phụ huynh có con đang học tại tỉnh Bình Dương: “Hiện nay các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học rất nhiều, quy trình kiểm duyệt đầy đủ cả nhưng chúng tôi rất mơ hồ về chất lượng bữa ăn của con tại trường. Nhà trường ra thông báo đóng bao nhiêu thì chúng tôi đóng bấy nhiêu, nhưng chất lượng thì “phó mặc ý trời”. Chỉ sau mỗi lần xảy ra sự cố, cơ quan chức năng mới vào cuộc thì lúc đó mọi sự đã rồi và không có gì bảo đảm sẽ không có lần sau”. Trước đây, đã từng xuất hiện rất nhiều bài báo phanh phui về các khoản hoa hồng, những cuộc cạnh tranh không lành mạnh giữa trường học và các đơn vị cung cấp suất ăn sẵn. Để có được một hợp đồng cung cấp suất ăn, đơn vị làm dịch vụ phải bỏ ra số tiền không nhỏ “lại quả” cho những người giới thiệu, đồng thời phải hạn chế thấp nhất giá thành một suất ăn để có lời. Trong cuộc đua kinh tế đó, nhà cung cấp sẽ tính toán sao cho mình không bao giờ chịu lỗ. Thiệt hại có chăng thuộc về phía học sinh và phụ huynh, những người trực tiếp bỏ tiền ra mua suất ăn nhưng không có bất kỳ quyền can dự nào vào chất lượng “món hàng”. Người viết còn nhớ sau vụ thịt, cá ôi thiu bị phát hiện ở Trường Tiểu học Long Bình, rất nhiều phụ huynh đã chọn cách ở nhà tự nấu, mang bữa ăn đến trường cho con. Theo cách đánh giá của một chuyên gia giáo dục, đây là cách phản xạ rất yếu ớt, cho thấy phụ huynh hoàn toàn bất lực trong việc đòi lại quyền lợi mà đáng ra họ và con em họ xứng đáng được hưởng.

Một vấn đề nữa là sau mỗi lần xảy ra ngộ độc, chỉ có đơn vị cung cấp suất ăn bị điều tra, xử phạt trong khi chính trường học, đơn vị lẽ ra phải đồng thời chịu trách nhiệm về bữa ăn tại trường của học sinh thì lại ít khi bị truy cứu. Dễ dàng thấy sau mỗi vụ việc không may xảy ra, trường học chỉ có động thái “cắt” hợp đồng với đơn vị cũ, tìm một đơn vị cung cấp suất ăn mới là xong. Rất hiếm khi phụ huynh được trực tiếp nghe lời xin lỗi của hiệu trưởng hay có quyền đòi lại tiền đền bù thiệt hại sau khi sức khỏe con mình bị ảnh hưởng. Đây có lẽ vẫn là lỗ hổng nhiều năm qua của ngành giáo dục mà nếu không có cách xử lý triệt để, việc quản lý chất lượng bữa ăn tại trường của học sinh vẫn là bài toán nhiều may rủi.

THANH THU

Tin cùng chuyên mục