“Bó tay” với ô nhiễm môi trường?

Những năm qua, người dân khu phố 4 và 5, phường Đông Hưng (quận 12 TPHCM) phải sống trong cảnh ô nhiễm nghiêm trọng bởi khói, bụi, nước thải của hàng chục xí nghiệp, cơ sở sản xuất lớn nhỏ thải ra mỗi ngày. Đã có nhiều phương án xử lý điểm đen ô nhiễm này, song tình hình chưa cải thiện, đe dọa trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của hàng trăm hộ dân nơi đây…
“Bó tay” với ô nhiễm môi trường?

Những năm qua, người dân khu phố 4 và 5, phường Đông Hưng (quận 12 TPHCM) phải sống trong cảnh ô nhiễm nghiêm trọng bởi khói, bụi, nước thải của hàng chục xí nghiệp, cơ sở sản xuất lớn nhỏ thải ra mỗi ngày. Đã có nhiều phương án xử lý điểm đen ô nhiễm này, song tình hình chưa cải thiện, đe dọa trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của hàng trăm hộ dân nơi đây…

        Sống chung với ô nhiễm

Bà Nguyễn Thị Điệp (ngụ số 1/65A 2) và một số hộ dân khu phố 5 đã nhiều lần phản ánh đến các cấp chính quyền của quận 12 về tình trạng ô nhiễm khói, bụi do các xí nghiệp dọc kênh Tham Lương xả ra hàng ngày. Chỉ tay về hướng cuối đường 10B - nơi có ống khói của một cơ sở dệt nhuộm đang xả cột khói đen ngòm, bà Điệp nói: “Đấy, sống làm sao được với khói bụi như vậy. Hàng ngày cứ từ giờ 11 giờ đến 13 giờ và 17 giờ đến 20 giờ là họ xả khói đen bao trùm cả khu phố. Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp hè là gia đình tôi phải đưa các cháu về bên ngoại ở Củ Chi để tránh ô nhiễm…”.

Cơ sở giặt tẩy Ngọc Phương tại khu phố 4, phường Đông Hưng Thuận gây ô nhiễm môi trường đã bị lập biên bản vi phạm nhưng vẫn hoạt động. Ảnh: HOÀI NAM

Cơ sở giặt tẩy Ngọc Phương tại khu phố 4, phường Đông Hưng Thuận gây ô nhiễm môi trường đã bị lập biên bản vi phạm nhưng vẫn hoạt động. Ảnh: HOÀI NAM

Ông Nguyễn Thái, nhà ở cuối đường 10 B, nói: “Tháng mưa, người dân khu phố 5 còn chịu cảnh nước ô nhiễm từ kênh Tham Lương dâng lên tràn cả vào nhà. Hơn 30 hộ dân khu vực này nhiều năm nay bị gần 10 cơ sở sản xuất hàng ngày xả khói, bụi có mùi khét nồng nặc rất khó chịu. Chưa kể, tiếng ồn của máy móc và xe tải chở hàng ra vào suốt ngày đêm, khiến cho cuộc sống của người dân càng thêm bất ổn”. Bà Hoàng Thị Yến, Tổ phó tổ dân phố 21 cho biết, nhiều năm qua đã gửi đơn kiến nghị lên quận và thành phố về tình trạng ô nhiễm tại đây nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm. Tại một cuộc tiếp xúc cử tri, bà Yến đã có lần lên tiếng: “Xin lãnh đạo quận và thành phố hãy một lần về khu phố 4, phường Đông Hưng Thuận để biết nỗi khổ của người dân vì ô nhiễm môi trường ra sao…”.

Tại khu phố 4, ông Hoàng Phương Hoàng, Chủ tịch UBND phường Đông Hưng Thuận, cho biết, hiện hơn 1.700 hộ dân khu vực này cũng đang sống chung với khói bụi và nước thải công nghiệp của 20 xí nghiệp ngày đêm xả ra môi trường. Ô nhiễm nặng nhất là tại tuyến đường ĐHT 13, nhiều hộ dân phải bán nhà đi nơi khác vì không chịu nổi ô nhiễm. Chính quyền cũng “bó tay” với các cơ sở gây ô nhiễm vì cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt được một thời gian, sau lại đâu vào đấy, chính quyền phường không có thẩm quyền buộc họ phải dừng sản xuất, khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường cho khu dân cư.

        Chưa có giải pháp căn cơ

Theo UBND quận 12, tại khu phố 4 và 5 hiện có hơn 30 xí nghiệp, cơ sở sản xuất, hoạt động chủ yếu trong các ngành nhuộm, vải, giặt tẩy, chế biến thực phẩm. Các cơ sở này đều trang bị hệ thống xử lý nước thải, khí thải cục bộ trước khi xả ra môi trường. Tuy nhiên, chất lượng cũng như công tác vận hành bảo dưỡng các hệ thống xử lý hoạt động kém hiệu quả, nước thải, khí thải chưa đạt chuẩn, đặc biệt là bụi, khí thải đã xả ra môi trường xung quanh với khối lượng rất lớn, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho khu dân cư. Quận đã lập các tổ công tác thường xuyên kiểm tra, tổng hợp tình hình và kiến nghị cơ quan thẩm quyền của thành phố có biện pháp xử lý với các xí nghiệp nhiều lần vi phạm. Mặt khác, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó Chủ tịch UBND quận 12, khu vực khu phố 4 và 5, phường Đông Hưng Thuận hiện chưa được điều chỉnh quy hoạch, nên TP vẫn cấp phép hoạt động cho các xí nghiệp công nghiệp. Đối với các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ, quận đã kiểm tra và kiên quyết xử lý theo hướng nếu không có biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm sẽ cưỡng chế di dời ra khỏi khu dân cư.

Hệ thống xử lý nước thải của một cơ sở sản xuất tại khu phố 4, phường Đông Hưng Thuận đã ngưng hoạt động từ lâu.

Hệ thống xử lý nước thải của một cơ sở sản xuất tại khu phố 4, phường Đông Hưng Thuận đã ngưng hoạt động từ lâu.

Biện pháp trên, theo người dân chưa có tính lâu dài và thiếu căn cơ, vì trên thực tế các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nhiều năm qua đã bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt, có cơ sở đến vài lần nhưng đâu vẫn vào đấy. Về lâu dài, người dân kiến nghị thành phố phải điều chỉnh quy hoạch khu vực khu phố 4 và 5, phường Đông Hưng Thuận theo hướng chuyển đổi mục đích sử dụng từ công nghiệp sang đất đô thị cho phù hợp với hướng phát triển chung của quận 12, nhằm giải quyết tận gốc tình trạng ô nhiễm môi trường cho dòng kênh Tham Lương và các khu vực xung quanh.

Đến nay, UBND quận 12 đã ra quyết định cưỡng chế 5 xí nghiệp gây ô nhiễm môi trường và kiên quyết buộc khắc phục hệ thống xử lý môi trường mới cho hoạt động lại. Hiện có một số cơ sở đã tự giác tháo dỡ nhà xưởng, chuyển thiết bị sản xuất đi nơi khác. Tuy nhiên, số doanh nghiệp được Sở KH-ĐT TPHCM cấp phép hoạt động trên địa khu phố 4 và 5 vẫn diễn ra bình thường, khiến tình hình ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục….

(Nguồn: Báo cáo UBND quận 12 về công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường).

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục