Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên: Không giật mình với sự cố bùn đỏ ở Hungary

Sau sự cố bùn đỏ ở Hungary, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và nhiều nhân sĩ - trí thức đã gửi thư lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước kiến nghị về dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên.

Trên cơ sở “lường trước nguy cơ không thể kiểm soát nổi vấn đề bùn đỏ độc hại trong sản xuất alumina ở Tây Nguyên”, các nhân sĩ kiến nghị Đảng và Nhà nước quyết định cho ngừng ngay việc xây dựng nhà máy chế biến alumina ở Tân Rai, Lâm Đồng để nghiên cứu tiếp cách xử lý; tạm hủy dự án đang đàm phán tiếp với đối tác nước ngoài về nhà máy Nhân Cơ ở Đắc Nông; tạm thời đình chỉ việc triển khai toàn bộ tổng dự án hiện thời về việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên để tổ chức nghiên cứu lại một cách nghiêm túc và khoa học.

Ngày 22-10, Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên cho biết: Ngay sau khi xảy ra sự cố ở Hungary, Bộ TN-MT đã báo cáo Chính phủ thành lập một đoàn sang Hungary để khảo sát tìm hiểu tình hình. Đại sứ Hungary đã nhận lời, đồng ý tạo điều kiện để đoàn sang tìm hiểu. Tuy nhiên, hiện chưa xác định thời điểm sang Hungary.

Về vấn đề công nghệ, hãy để các chuyên gia đánh giá. Nhưng tôi khẳng định, với hai khu xử lý bùn đỏ ở Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắc Nông), Bộ TN-MT đã thẩm định rất cẩn thận. Bộ đã sang khảo sát mô hình xử lý bùn đỏ của Brazil, Australia. Ở khu bùn đỏ của hai nước này họ đã trồng cây 20 năm nay rồi. Mô hình của chúng ta đi theo hai nước này chứ không theo mô hình của Hungary.

Tuy nhiên, vì mình chưa vận hành nên việc khẳng định an toàn chỉ là trên lý thuyết và chạy mô hình. Qua sự cố của Hungary, chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu để nâng độ an toàn lên nữa. Thực tế sự cố đã xảy ra ở nước ngoài, chúng ta chưa có kinh nghiệm nên sau khi đi khảo sát ở Hungary, Bộ TN-MT sẽ tiếp tục nghiên cứu chỉ số an toàn ở hai khu xử lý bùn đỏ Tây Nguyên. Dự án này tác động đến môi trường đến đâu đã được các bộ, ngành tính hết rồi. Còn sự cố có xảy ra hay không, làm sao chúng ta biết được.

Trước đây chúng ta tính toán khả năng động đất cấp 7, giờ đã nâng lên cấp 9 rồi. Công nghệ xử lý bùn ở Tây Nguyên khác với hai khu xử lý bùn đỏ ở Hungary. Họ làm một hồ chứa to, còn ở Tây Nguyên hồ chứa bùn được chia ra từng ô một. Mỗi ô là 5 ha, khi đổ bùn kín một ô đảm bảo an toàn rồi mới cho đổ ô khác. Chính phủ cũng đã thành lập tổ giám sát từng ngày với sự tham gia của các bộ, ngành chức năng liên quan. Nhật ký xây dựng hồ bùn đỏ phải ghi đầy đủ để giám sát. Phải nói là chưa có công trình nào mà Chính phủ lại thành lập tổ giám sát quốc gia như thế.

Dự án bauxite có 3 vấn đề về môi trường. Một là hồ bùn đỏ, hai là công nghệ khai thác, khai thác đến đâu phải phục hồi rừng đến đấy và thứ ba là chất thải của nhà máy bauxite. Trong thẩm định dự án đã tính hết.

L. NGUYÊN ghi

Tin cùng chuyên mục