
Sau khi báo Sài Gòn Giải Phóng đăng bài “Tốc độ xe - Bao nhiêu là hợp lý?” Nhiều bạn đọc vẫn còn thắc mắc về quy định này của Bộ Giao thông - Vận tải. Chính vì vậy trong số báo này chúng tôi mời Bộ trưởng Đào Đình Bình trả lời các bạn:
An toàn của người dân là quan trọng nhất
Bộ trưởng nghĩ sao khi Bộ GTVT đã nhiều lần điều chỉnh việc cắm biển hạn chế nhưng vẫn làm cho nhiều người chưa “tâm phục, khẩu phục”? Trần Hà (Q.9)

Ô tô lưu thông trên QL1- đoạn trước Công viên phần mềm Quang Trung.
- Việc quy định tốc độ tối đa trên các đoạn đường có sự tính toán rất kỹ của các cơ quan chức năng thuộc Bộ GTVT. Tất cả các nước trên thế giới đều thực hiện hạn chế tốc độ nhằm giảm thiểu rủi ro, bảo đảm an toàn giao thông. Ở nhiều nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc… mặc dù chất lượng đường sá của họ rất tốt nhưng trên nhiều tuyến đường không phải đường cao tốc có khi họ vẫn quy định tốc độ tối đa chỉ từ 60km - 80km/ giờ.
Ở Việt Nam, chất lượng đường còn chưa cao trong khi đó giao thông lại hỗn hợp với sự tham gia của xe cơ giới, xe thô sơ, người đi bộ… Bên cạnh đó, hành lang an toàn giao thông trên nhiều tuyến đường còn chưa được đảm bảo. Ý thức an toàn giao thông của người tham gia giao thông vẫn chưa tốt…
Tất cả các yếu tố này buộc Bộ GTVT phải cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định tốc độ tối đa cho từng phương tiện, từng tuyến đường. Các doanh nghiệp vận tải đều muốn phương tiện của mình đi nhanh hơn để tiết kiệm thời gian, nhân công, chi phí… Đây là mong muốn chính đáng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, là cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi có trách nhiệm quan trọng là bảo vệ an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Tốc độ: phụ thuộc vào nhiều yếu tố
Hiện nay có rất nhiều tuyến đường chỉ đông người đi lại trong một thời gian nhất định, sau đó thì lại vắng. Tại sao Bộ GTVT lại tính toán tốc độ chung cho cả đoạn đường ấy theo “chuẩn” là đường đông người? activity212@yahoo.com
- Đúng là có những đoạn đường lúc đông, lúc vắng người. Thế nhưng, tốc độ tối đa cho phép không chỉ căn cứ vào mật độ phương tiện mà còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như cấp kỹ thuật của đường, đặc điểm của đường, tình hình hành lang giao thông… Vì vậy, không thể quy định giới hạn tốc độ theo từng mốc thời gian mà phải tính toán trên cơ sở mật độ lưu thông trong điều kiện bình thường.
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, trong trường hợp mật độ lưu thông cao hoặc trong các tình huống không bình thường thì người điều khiển phương tiện phải chủ động giảm tốc độ để đảm bảo tốc độ, bất kể đó là thời gian nào trong ngày.
Đầu tư đường: tính đến tương lai
Nếu đã cho rằng tốc độ xe qua khu dân cư không thể cao thì tại sao một số đường qua khu dân cư lại được đầu tư với tiêu chuẩn “chịu” được tốc độ cao? Đoàn Công Anh (Q.12)
- Tốc độ không phải là yếu tố duy nhất để quyết định cấp kỹ thuật của đường. Khi thiết kế và xây dựng đường phải căn cứ vào nhiều yếu tố khác nữa, chẳng hạn: lưu lượng phương tiện hiện tại, dự báo nhu cầu tương lai, hiệu quả kinh tế-xã hội của dự án… Trên cơ sở những tính toán này và khả năng thu xếp nguồn vốn , các cơ quan chức năng sẽ xác định cấp kỹ thuật của tuyến đường.
Tách quốc lộ ra khỏi khu dân cư
Tại sao chúng ta không từng bước tách các khu dân cư ra xa quốc lộ để có thể tăng tốc độ của xe đi qua đấy?
Phan Văn Thành (Q.2)
- Chúng tôi đang thực hiện điều này nhưng theo hướng ngược lại, tức là tách dần các quốc lộ ra khỏi khu vực dân cư. Điều này thể hiện ở việc đầu tư các tuyến tránh thành phố, thị xã đang được triển khai trên nhiều địa phương. Đồng thời, khi quy hoạch các tuyến đường, nhất là đường cao tốc, chúng tôi cũng cố gắng để các tuyến đường này không cắt qua các khu dân cư.
NGUYỄN KHOA - NGUYÊN THẢO thực hiện