Theo Bộ GTVT, hiện có 26/52 dự án có doanh thu thực tế thấp hơn so với phương án tài chính. Nếu không cho tăng phí như lộ trình đã ký trong hợp đồng BOT, có những dự án bị phá vỡ phương án tài chính, các khoản vay đầu tư BOT sẽ thành nợ xấu ngân hàng, ảnh hưởng xấu đến chủ trương kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Tuy nhiên, điều mà người dân cần Bộ GTVT lý giải ở đây là: Các dự án này có thực sự thua lỗ hay không, vì đến nay việc kiểm soát doanh thu dự án BOT vẫn chưa thực sự minh bạch? Vì sao người dân lại phải chia sẻ rủi ro của các dự án khi họ không hề được thỏa thuận trước đó? Hơn nữa, những sai sót của các dự án BOT mà Bộ GTVT đã thừa nhận đều thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý, nhà đầu tư và các nhà thầu chứ người dân không có lỗi.
Cụ thể, đó là: Việc nâng cấp, cải tạo những công trình hiện hữu khiến người dân không có lựa chọn; việc kiểm soát chi phí đầu tư chưa chặt chẽ; áp dụng hình thức chỉ định thầu cho hầu hết các dự án; chưa có giải pháp quản lý hiệu quả về doanh thu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ; mức phí chưa đảm bảo công bằng cho các phương tiện...
Chính những sai sót về quản lý trong quá trình đầu tư mà cho đến thời điểm này, một số trạm BOT như trạm Cai Lậy (Tiền Giang), trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội), trạm Bờ Đậu (Bắc Kạn), trạm Hòa Lạc - Hòa Bình (Hòa Bình), trạm T2 (quốc lộ 91)... vẫn đang cần các bộ ngành, địa phương chung tay giải quyết để đảm bảo an ninh trật tự khu vực và giao thông thông suốt. Mặc dù Bộ GTVT đã rất nỗ lực để khắc phục hậu quả, thế nhưng, việc sửa sai mới chỉ ở mức giảm nhẹ thiệt hại cho người dân, bằng cách mở rộng đối tượng được miễn giảm phí xung quanh trạm, còn bản chất vấn đề là quản lý yếu kém dẫn đến đầu tư dự án không hiệu quả thì chưa có cách nào giải quyết.
Theo các chuyên gia giao thông, để đảm bảo công bằng thực sự cho người dân và không để các doanh nghiệp bị đổ bể phương án tài chính, Nhà nước phải bỏ ra vài chục ngàn tỷ đồng để mua và xóa các trạm BOT đặt sai vị trí. Việc làm này gần như bất khả thi trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn hẹp. Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là, có những việc hoàn toàn có thể làm được sớm, ví dụ như áp dụng thu phí không dừng giúp minh bạch trong thu phí BOT thì tiến độ lại rất chậm, khiến người dân thêm nghi ngờ nhà đầu tư muốn che giấu doanh thu. Lý do dẫn đến chậm triển khai thu phí không dừng đều đã được mổ xẻ, tháo gỡ, vậy mà không hiểu vì sao tiến độ vẫn rất ì ạch.
Theo phản ánh từ các tài xế, tại những trạm đã triển khai thu phí không dừng, các xe đã dán thẻ thu phí tự động vẫn phải đi chung làn với xe chưa dán thẻ khiến thu phí không dừng chưa phát huy hiệu quả. Nhiều tài xế cũng đang rất băn khoăn không biết thực hiện dán thẻ tại đâu, tại sao không thực hiện dán thẻ ở các trạm thu phí cho thuận lợi.
Với tiến độ này, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, nhiều đại biểu đã tỏ ý lo ngại trước mục tiêu hoàn thành các dự án thu phí không dừng của Bộ GTVT vào cuối năm 2019. Rõ ràng, vào thời điểm này, khi những bất cập của các dự án BOT chưa được giải quyết tận gốc. Những nỗ lực của Bộ GTVT mới chỉ giảm bớt được một phần bức xúc của người dân. Chính vì vậy, đề xuất tăng phí để “cứu” các dự án BOT của Bộ GTVT khiến nhiều người đặt câu hỏi: Làm như vậy có thực sự công bằng với người dân? Hiện đề xuất của Bộ GTVT đang được gửi đi các bộ ngành liên quan để xin ý kiến trước khi đề xuất lên Chính phủ. Câu hỏi này rất cần được các bộ, ngành liên quan cân nhắc và xem xét trước khi quyết định.