Brazil vô địch Olympic và chuyện khởi nghĩa Lam Sơn

Tôi biết đến Olympic đầu tiên là Atlanta 1996. Tôi không rõ đó có phải là kỳ Olympic đầu tiên mà truyền hình Việt Nam đưa tin hay không? Nhưng có thể nói đó là những ngày hội thể thao trong giai đoạn truyền hình chưa bão hòa như bây giờ. Thuở ấy, bóng đá Brazil đối với người dân Việt Nam nói chung tượng trưng cho cái gọi là sức mạnh. Đội hình của họ ở Thế vận hội năm 1996 cũng là những cái tên huyền thoại, như Dida, Roberto Carlos, Juninho, Rivaldo, “người ngoài hành tinh” Ronaldo và cha đẻ của điệu ăn mừng ru con: Bebeto.

Tôi biết đến Olympic đầu tiên là Atlanta 1996. Tôi không rõ đó có phải là kỳ Olympic đầu tiên mà truyền hình Việt Nam đưa tin hay không? Nhưng có thể nói đó là những ngày hội thể thao trong giai đoạn truyền hình chưa bão hòa như bây giờ. Thuở ấy, bóng đá Brazil đối với người dân Việt Nam nói chung tượng trưng cho cái gọi là sức mạnh. Đội hình của họ ở Thế vận hội năm 1996 cũng là những cái tên huyền thoại, như Dida, Roberto Carlos, Juninho, Rivaldo, “người ngoài hành tinh” Ronaldo và cha đẻ của điệu ăn mừng ru con: Bebeto.

Năm đó, trong trận bán kết môn bóng đá nam với Nigeria, Brazil dẫn 3-1 ngay sau khi kết thúc hiệp 1. Ai cũng nghĩ họ chiến thắng, nhưng rồi, một cuộc lội ngược dòng không tưởng của “Đại bàng xanh” Nigeria đã diễn ra. Đầu tiên, Ikpeba rút ngắn xuống 2-3 ở phút 78, rồi đến Kanu với 2 bàn liên tục: 1 bàn có thể coi là đẹp nhất sự nghiệp của anh vào phút 90 với một pha hất mũi giày rồi xoay người vô lê, sau đó ở phút 94, anh ấn định tỷ số 4-3 cho Nigeria. Brazil bị loại từ bán kết. Ngày đó, người bi quan nhất cũng không nghĩ được rằng, màu áo vàng xanh phải kéo dài 20 năm giấc mơ vàng Olympic.

20 năm qua, khát vọng vàng Thế vận hội của bóng đá Brazil khủng khiếp tới mức mà tại London 2012 cách đây 4 năm, trong khi các nền bóng đá khác đưa tới đội hình trẻ thì người Brazil đem tới nước Anh nào là Thiago Silva, Marcelo, Oscar, Hulk, Neymar, Lucas Moura… Có nghĩa là gần như tất cả những con người tốt nhất của nền bóng đá ấy lúc đó. Thế mà đến chung kết, lại tiếp tục “gục ngã trước thiên đường” khi thua Mexico 1-2. Sau này, khi tìm hiểu lịch sử mới thấy, Brazil vô duyên với chiếc huy chương đó đến thế nào. Trước đó họ còn 2 lần giành huy chương bạc nữa, tại Los Angeles 1984 và Seoul 1988, bất chấp cả 2 lần đội hình đều rất mạnh. Ngay tại Rio 2016 này, với việc dành Neymar cho Olympic chứ không sử dụng ở Copa America 100 cho thấy Brazil mong chiếc huy chương vàng đó đến chừng nào.

Khi Neymar sút quả penalty thứ 5, ta có thể thấy có nhiều cổ động viên Brazil đã quay lưng lại không dám nhìn thẳng. Maracana huyền thoại đã chứng kiến quá nhiều nỗi đau rồi. Nhưng Neymar đã sút thành công, anh ăn mừng mà trào nước mắt. Nước mắt ấy tượng trưng cho khát vọng huy chương vàng của quốc gia yêu bóng đá như máu thịt. Nước mắt ấy là thành quả của một chặng đường dài mà bóng đá Brazil đã đi qua với rất nhiều lần gục ngã trước thiên đường, nhưng vẫn kiên gan bền chí quyết theo đuổi.

Tinh thần kiên gan bền chí ấy ta gặp rất nhiều trong lịch sử Việt Nam, với những người anh hùng đi lên từ thất bại, nhưng không bao giờ ngã lòng. Năm 1406, khi giặc Minh xâm chiếm nước ta, cha con Hồ Quý Ly thất trận, nước ta rơi vào tay giặc. Giặc phương Bắc đã thực hiện những phương cách đối xử rất tàn bạo với dân ta. Đó là đốt sách, tiêu diệt nền văn minh Đại Việt, áp dụng hình phạt tàn ác và thi hành chính sách thuế ngặt nghèo. Trong hoàn cảnh đó, Lê Lợi đã dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn. Thời gian đầu, lực lượng của quân Lam Sơn chỉ có vài ngàn người, lương thực thiếu thốn, thường xuyên trốn chạy. Có những trận nghĩa quân bị tuyệt lương thực hơn 2 tháng, bị vây kín trong núi, vậy mà Lê Lợi vẫn cầm cự được, đến khi tập hợp lại thì tàn quân chỉ còn hơn 100 người. Có những trận bị vây ngặt tới mức Lê Lai phải hy sinh, đóng giả Lê Lợi để đánh lạc hướng quân Minh cho chủ soái chạy thoát.

Vua Lê Thái Tổ những ngày thất bại, tình cảnh thê thảm, mà ý chí không hàng. Bi thống đến mức mà xương cốt của cha bị giặc đào trộm lên để ép ông quy hàng. Thế mà ông vẫn không hàng. Rồi thì gia quyến, vợ con của ông và tướng sỹ bị quân Minh bắt giết. Nhưng tinh thần không chịu lùi bước thì cao ngút trời, ông lại đứng dậy dựng cờ khởi nghĩa, lại phủ dụ quân lính, lại tập hợp tàn quân để mở đợt phản công mới. Đại trượng phu chịu những cái nhục, cái đau mà người thường không chịu đựng nổi, Lê Lợi - Lê Thái Tổ là người như vậy. Chính tinh thần không lùi bước ấy đã tạo nên người anh hùng rất quan trọng trong dòng chảy dân tộc. Vị anh hùng đã xuất hiện vào lúc đất nước lâm nguy nhất, dựng cờ đánh đuổi giặc phương Bắc khỏi bờ cõi, giữ lại hồn dân tộc Đại Việt.

Chức vô địch kiên gan của bóng đá nam Olympic Brazil, hay câu chuyện đẹp về vua Lê Thái Tổ giúp chúng ta hiểu rằng: Thể thao cũng như cuộc đời, đừng bao giờ đầu hàng trước nghịch cảnh, chỉ cần lòng không sờn, một ngày sẽ hái quả ngọt.


DŨNG PHAN

Tin cùng chuyên mục