Đã bao giờ khi xem các trang sử chống ngoại xâm của dân tộc, bạn tự hỏi “Vì sao những chiến tích oanh liệt nhất của dân ta thường nằm ở 2 địa điểm: ải Chi Lăng và sông Bạch Đằng?”. Chẳng hạn như Ngô Quyền đánh thắng giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Lê Lợi chém Liễu Thăng ở ải Chi Lăng, Trần Hưng Đạo đánh bại quân Nguyên Mông cũng trên sông Bạch Đằng, và Thoát Hoan chui ống đồng cũng ở ải Chi Lăng.
Câu trả lời: ấy là vì ải Chi Lăng là con đường bộ duy nhất mà giặc phương Bắc có thể đánh xuống Thăng Long, và cửa Bạch Đằng là con đường thủy duy nhất mà quân xâm lược có thể tiến vào Thăng Long. Bởi vậy, quân dân Đại Việt chỉ cần mai phục đúng 2 địa điểm đó là có thể tiêu diệt đối phương. Giờ chúng ta đã hiểu vì sao 2 địa danh đó ghi dấu lịch sử rồi. Nhưng, tại sao vẫn biết ải Chi Lăng và cửa Bạch Đằng nguy hiểm mà giặc phương Bắc vẫn luôn bị “mắc cạn” ở đó?
Bởi vì 2 lý do, thứ nhất là địa thế thiên nhiên đặc biệt giữa biên giới 2 nước Việt - Trung. Nếu có dịp đến ải Chi Lăng, bạn sẽ đi giữa 1 khe hẹp, với vách núi cheo leo 2 bên như chính bài thơ của Lý Thường Kiệt: “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”. Vách núi đã phân ra biên giới 2 nước Trung - Việt, như nhắc nhở đừng có phạm vào nhau. Địa thế ấy, đã đẩy Trung Quốc thời phong kiến vào thế, để đánh nước ta, chỉ còn duy nhất đi qua ải Chi Lăng. Và ta đã mai phục ở đó để đánh trận chốt. Còn lý do thứ 2 là gì? Ấy là vì quân sự Đại Việt suốt 1.000 năm tồn tại, đã chiến đấu và phát triển nghệ thuật mai phục lên đến đỉnh cao ở 2 địa điểm Chi Lăng và Bạch Đằng đó. Sự rành rọt về địa lý để chia quân mai phục các hướng nơi giặc đi qua ở Chi Lăng, nghệ thuật cắm cọc nhọn khi thủy triều lên che khuất cọc và thủy triều rút để hãm địch vào trận, phá tan chiến thuyền ở Bạch Đằng, đã được phát triển đến tuyệt đích.
Trong bóng đá, có 1 cầu thủ sở hữu kiểu đi bóng và sút bóng mà ai cũng biết là anh ta sẽ đi như thế và sút như thế, nhưng chẳng ai ngăn chặn được. Hệt như Trung Quốc biết đưa quân vào thì Việt Nam sẽ mai phục ở đó mà vẫn không sao thoát được vậy. Đó chính là danh thủ Hà Lan Arjen Robben, đang đá cho Bayern Munich. Anh ta có kiểu dẫn bóng từ bên cánh phải, rồi ngoặt vào bên trong, từng nhịp, từng nhịp qua vài ba cầu thủ phòng ngự, rồi tung cú sút từ ngoài vòng 16 mét 50 tung lưới thủ môn. Miêu tả giống như con cua bò từ phải sang trái rồi bất thần tung một cú vuốt bóng. Người xem ai cũng biết là anh ta đang giơ lưỡi hái tử thần lên, nhưng không sao thoát nổi. Một bài duy nhất, lặp đi lặp lại, tưởng như bắt bài mà hóa ra chẳng bắt bài nổi, vì Robben quá nhanh và quá hoàn thiện.
Để bàn về sự trưởng thành của cú sút này, bạn phải đi từ mùa giải 2008-2009 trong màu áo Real Madrid của Robben- khi ấy dưới trướng của HLV Juande Ramos, Robben bắt đầu phát triển vũ khí này. Ban đầu, đội bóng áo trắng chỉ tận dụng những pha đi bóng khéo léo từ bên cánh phải vào trung lộ của Robben để thực hiện các đường chuyền cho Raul và Higuain ở bên trong. Cho đến một ngày, trận đấu bước ngoặt giữa Real Madrid và Villareal trong khuôn khổ La Liga. Hôm đó, các cầu thủ Villareal đã bắt bài chiêu này của Robben, họ cho 4 hậu vệ phong tỏa Robben, đồng thời cả 4 dâng cao lên để đẩy cặp tiền đạo Raul và Higuain vào thế việt vị. Đứng trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan” ấy, Robben làm gì? Anh bất thần tung ra cú sút cực mạnh từ ngoài vòng 16 mét 50, bóng cuộn vào lưới trong sự sững sờ của toàn bộ khán giả. Bàn thắng ấy đã mở ra tất cả, Juande Ramos khuyến khích Robben phát triển thứ vũ khí này. Vào mùa hè năm 2009, Robben chuyển sang chơi cho Bayern, nơi có một Phillipp Lahm thông minh và giàu tư duy, đã dọn đường cho Robben phát triển thứ vũ khí này lên một tầm cao mới. Phần còn lại, như chúng ta hay nói, thuộc về lịch sử.
Nghệ thuật mai phục lên đến đỉnh cao ở ải Chi Lăng, cửa Bạch Đằng và nghệ thuật dứt điểm sau pha đi bóng “cua bò” từ bên cánh phải vào trung lộ của Robben, dù khác nhau về tầm vóc, quy mô, cá nhân, quốc gia, nhưng đều là hiện thân của chân lý rất hay trong xã hội loài người, là: “Khi tập trung phát triển một thứ vũ khí duy nhất đến độ tinh luyện, bạn sẽ không thể bị ngăn chặn”.
DŨNG PHAN