Usain Bolt đang là người đàn ông nhanh nhất hành tinh. Ngày anh phá kỷ lục thế giới ở nội dung chạy 100m với thành tích 9"58, chàng trai người Jamaica đã khiến giới khoa học phải bật dậy khỏi ghế và lắc đầu “Không thể nào, không thể nào!”. Đơn giản thôi, vì giới khoa học đã từng có một công bố “Con người không bao giờ chạy 100m dưới 9"60. Đó là tối hạn của cơ thể con người". Usain Bolt đã khiến họ việt vị, hệt như một con báo gấm hóa thân thành hình dạng con người, để khiến giới khoa học phải “cam chịu” trước anh.
Rạng sáng qua (giờ Việt Nam), Bolt tiếp tục về nhất ở nội dung 200m. Đó là chiếc huy chương vàng thứ 8 của anh tại các kỳ Olympic. Có nghĩa rằng nếu ở nội dung 4x100m tiếp sức sáng nay mà Bolt giành huy chương vàng, sẽ đồng nghĩa với chuyện Usain Bolt tạo nên một kỳ tích vô tiền khoáng hậu trong lịch sử. Đó là lập hattrick huy chương vàng ở tất cả các nội dung góp mặt ở 3 kỳ Olympic liên tiếp. Trước đó, anh đã vô địch 3 nội dung này tại Bắc Kinh 2008 và London 2012. Bây giờ, Rio 2016? Sức áp đảo mà Bolt đưa tới lớn đến mức kỳ vọng của người hâm mộ dành cho anh không phải là anh có đoạt huy chương hay không? Mà ở chỗ có phá kỷ lục thế giới của chính mình không? Lúc này, “Tia chớp” là người đang giữ kỷ lục thế giới ở các nội dung chạy 100m với 9"58, chạy 200m với 19"19 và cùng với các đồng đội chia sẻ kỷ lục ở nội dung chạy 4 x 100m tiếp sức với 37"04.
Olympic coi Bolt và Phelps là con cưng, bởi họ đã thực hiện đúng tiêu chí của thế vận hội “Nhanh hơn, cao hơn và xa hơn”. Usain Bolt bây giờ không phải là niềm tự hào riêng của đất nước Jamaica nữa. Từ bao giờ, người hâm mộ thể thao đã coi anh là báu vật của nhân loại. Bởi những gì Bolt làm là con người đi thách thức với tạo hóa.
Việt Nam không sở hữu người chạy nhanh như Usain Bolt, nhưng lại sở hữu một người có khả năng chạy bền ghê gớm. Đó là Quang Trung Nguyễn Huệ. Ngài chỉ sống trên đời có 38 năm ngắn ngủi, trong đó có 18 năm chinh chiến. 18 năm ấy, Quang Trung Nguyễn Huệ đã đi tổng cộng tới hơn 1 vạn km để đánh Đông dẹp Bắc, làm yên bờ cõi và thống nhất sơn hà. Kể cả cái cách mà ngài chọn kinh đô đóng ở Phú Xuân – Huế , sau đó dời ra Phượng Hoàng Trung Đô – Vinh (Nghệ An) cũng hoàn toàn mang tính chất quân sự chủ yếu chứ không phải vì phong thủy, dù đương nhiên cũng đã cho Nguyễn Thiếp coi sóc cẩn thận vị trí. Ấy là vì chỗ đó tiện đường cho ngài vào Nam ra Bắc đánh dẹp cho dễ.
Cả một cuộc đời của Nguyễn Huệ là sống trên lưng ngựa, là những kỳ công và những năm tháng đánh dẹp bách chiến bách thắng. Quyết tâm của Nguyễn Huệ cùng cách đánh táo bạo của con người ấy khiến sử gia phải đặt câu hỏi: nếu sống thêm 10 năm, liệu quốc gia nhỏ bé này có sinh ra được một Thành Cát Tư Hãn hay không?
Trong những chiến thắng của Nguyễn Huệ, có 4 trận thắng ở Đàng Trong, và 2 trận thắng ở Đàng Ngoài. Sáu trận thắng ấy đã chính thức tiêu diệt Trịnh – Nguyễn. Ngài xuất phát từ Tây Sơn – Bình Định (tức là ở giữa miền Trung), vậy mà kéo quân xuống Nam đánh, rồi kéo về, khoảng hơn 1.500km. Lại đánh ra Bắc, rồi lại kéo về, khoảng 2.000km. Vài lần như vậy, ngài đi hết 1 vạn km mà toàn hành quân chiến thắng.
Usain Bolt chạy nhanh, thì Nguyễn Huệ hành quân nhanh. Người ta đợi Usain Bolt chạy. Nhưng đợi thì lâu, xem thì nhanh, mới chớp mắt cái đã thấy anh về đích mất rồi. Tương tự là Tôn Sĩ Nghị chỉ huy quân Thanh đang ngồi ăn Tết ở Thăng Long, cứ tưởng Nguyễn Huệ còn lâu mới kéo quân ra Bắc, đang rung đùi chè chén thì Nguyễn Huệ đã ở ngoài cổng rồi. Nhưng nếu xem Bolt chạy có cái gì đó hơi thòm thèm, thì khi đọc về hành quân của Quang Trung lại khoái. “Binh quý ở thần tốc”, trong lịch sử Việt Nam rất nhiều anh hùng, nhưng không ai hơn Quang Trung Nguyễn Huệ về cách vận dụng 4 chữ ấy.
Xem ra hoàng đế Quang Trung cũng có tinh thần Olympic vậy.
DŨNG PHAN