Brussels muốn nghe “Tôi an toàn"

Cảm giác bất an bắt đầu từ những buổi tối tin tức thời sự bỗng chèn vào chương trình giải trí truyền hình, chặn đứng nhịp sống hàng ngày lặng lẽ chảy trôi. Đó là khi Paris bị khủng bố tháng 11 năm ngoái. Và bây giờ đến Brussels. Bọn khủng bố chọn đầu ngày 22-3-2016 để hành động khi những người chồng - cha, người vợ - mẹ vừa đi làm, trẻ em vừa đến trường...

Ở cách thủ đô khoảng 45 phút lái xe, tôi không hề biết Brussels bị khủng bố cho đến khi đã đưa con đến trường, trở về nhà bật tivi như thường lệ. Màn hình dày đặc hình ảnh dòng người chạy túa ra từ cổng sân bay nơi tháng trước tôi vừa trở lại Bỉ sau dịp đón Tết cổ truyền ở Việt Nam. Ống kính cận cảnh một phụ nữ gốc Á đầu quấn khăn trắng ngồi bệt trên vỉa hè đường phố danh giá Wetstraat (trụ sở của nhiều tổ chức thuộc nhà nước và châu Âu) đang cố ngăn máu mũi tuôn chảy do sức ép của bom nổ. Trong làn khói bụi mù mịt trong ga tàu điện ngầm ở quận Maalbeek, tiếng trẻ con khóc vọng ra, những thân thể rách nát được ống kính chồng mờ cho đỡ đau thương, tôi thấy một người đàn ông còn ôm bó hoa cứ thế lao ra nơi có ánh sáng...

Sau vài chục giây tê liệt, tôi chợt nhớ ra rằng, chồng khoe mấy tuần trước công ty anh vừa trúng hợp đồng mới ở sân bay Zaventem. Sáng nay anh dậy từ 5 giờ để đi làm. Lẽ nào đang ở Brussels rồi? Các cú điện thoại dường như bị chặn lại lúc ấy. Tôi cố liên lạc với mẹ chồng cũng không được. Vài phút sau, điện thoại và facebook đổ tín hiệu liên tục, chồng tôi nhắn “Anh đang ở Mechelen. Tháng sau mới thực hiện hợp đồng ở Zaventem. Mọi việc ở đây bình thường”, mẹ chồng cũng gửi tin “Các con và cháu ổn chứ? Nửa ngày nay không có tin tức gì của con, cháu làm mẹ lo quá. Đúng là một ngày khủng khiếp”. Người bạn đang dạy học tại một trường quốc tế ở Brussels vừa kịp nhắn trên facebook cho tôi “Gia đình tôi an toàn. Mấy mẹ con đang ở trong lớp, vẫn học như thường lệ và chờ đến giờ tan trường. Chồng tôi sáng nay đang lái xe đến công ty ở Zaventem thì sếp của anh ấy gọi điện yêu cầu quay trở lại nhà ngay lập tức, an toàn là trên hết”.

Một người bạn gốc Việt khác nhắn tin “Chị ơi, ổn không? Chồng em sáng nay đi làm ở gần Maalbeek, giờ anh nói phải ở lại trong công ty, chừng nào người ta cho phép ra ngoài mới được về nhà”. Lác đác các bạn gốc Việt, gốc Á khác của tôi ở Brussels bắt đầu lên facebook nhắn “Tôi an toàn”. Truyền hình cũng kêu gọi thông báo tình trạng của mình lên facebook hoặc gọi về đường dây nóng mới thiết lập. Hãy nhắn “Tôi an toàn”, điều ai cũng mong nghe được lúc này.

Còn trẻ em, chúng có nên nghe chuyện của ngày 22-3 đen tối này hay cứ để trôi qua như một ngày thường? Tổ chức về trẻ em Child Focus ở Bỉ đã gửi ngay thông điệp lên trang web: Trẻ em cũng nghe tin tức, cũng đọc báo online và xem truyền hình. Khi trẻ ở độ tuổi đã ý thức được về cuộc sống quanh mình, không nhất thiết phải tránh nghe tin xấu. Chúng ta không thể để con cái lớn lên trong lồng son.

Khi trẻ em cũng được dạy đối diện cuộc sống thực tế, cha mẹ càng phải mạnh mẽ hơn để vượt qua thời khắc khó khăn này. Một người vô tình cưa bom ở Văn Phú (Hà Đông) cũng có thể gây chết chóc không kém một vụ khủng bố ở sân bay tại Brussels? Chúng ta chẳng thể sống trong an toàn nếu xung quanh còn sự nghèo đói, ngu dốt và hận thù bao phủ. Khi tôi viết những dòng này, sắp đến giờ người Bỉ đến trường đón con, sắp đến giờ gia đình đoàn tụ trong ngày. Chắc chắn ai cũng muốn ôm con mình thật chặt, chỉ có tình thương yêu mới hàn gắn và khỏa lấp được mất mát, thương đau, thù hận. Ở một nghĩa khác, dòng đời cần phải tiếp tục chảy trôi. Brussels đang vượt qua ngày thứ Ba đen tối bằng thông điệp sát cánh bên nhau: “Tôi an toàn”.

”KIỀU BÍCH HƯƠNG (từ Bỉ)

Một số vụ khủng bố đẫm máu ở các thủ đô châu Âu

Madrid, ngày 11-3-2004: 191 người chết

Ngày 11-3-2004, 7 giờ 30 phút tại nhà ga Atocha ở Madrid, Tây Ban Nha. 7 quả bom phát nổ trong nhiều chuyến tàu. 3 quả khác phát nổ tại các nhà ga ở ngoại ô. Thống kê vô cùng lớn: 191 người chết, gần 2.000 người bị thương. Các tay súng Hồi giáo cực đoan thân al-Qaeda nhận trách nhiệm loạt tấn công khủng bố này.

Paris, từ ngày 7 đến 9-1-2015: 17 người chết

Khoảng gần 11 giờ 30 sáng 7-1-2015, một vụ thảm sát kinh hoàng đã xảy ra tại văn phòng tạp chí châm biếm Charlie Hebdo, số 10 phố Nicolas-Appert, ngay giữa trung tâm thủ đô Paris. 12 người thiệt mạng, trong đó có 2 cảnh sát, 11 người bị thương. Trong diễn biến liên quan sau đó, thêm 1 cảnh sát và 4 con tin ở một siêu thị bị bắn chết. Trong chiến dịch đột kích của cảnh sát Pháp, 3 nghi phạm đã bị bắn chết ngày 9-1-2015, trong khi cảnh sát Pháp có 1 người bị thương.

Paris, 13-11-2015: 130 người chết

Đây là loạt tấn công phối hợp và được thực hiện bởi ít nhất 8 tên khủng bố đêm 13-11-2015. Một loạt các vụ nổ súng và các vụ nổ kinh hoàng đã xảy ra tại các quận 10 và 11 của thủ đô Paris, Pháp, tại sân vận động Stade de France ở Saint-Denis, phía Bắc Paris, và các nơi khác trong vùng Ile-de-France bắt đầu từ lúc 21 giờ 16 (giờ địa phương) thứ sáu ngày 13-11-2015 đến 0 giờ 58 ngày 14-11-2015. Cuộc tấn công đẫm máu nhất xảy ra tại nhà hát Bataclan, nơi bọn tấn công đã bắt con tin trước khi bị cảnh sát tràn vào khống chế vào lúc 0 giờ 58. Ít nhất 132 người đã thiệt mạng, riêng tại phòng hòa nhạc Bataclan là 89 người. 352 người bị thương trong các vụ tấn công.

HÀ TRANG (Theo Francetvinfo)

>> Đánh bom tự sát hàng loạt ở Bỉ, ít nhất 34 người chết và hơn 230 người bị thương

>> Ai tấn công Brussels?  

Tin cùng chuyên mục