Bức tranh thêm màu nắng

Tết đã qua từ lâu lắm nhưng trời vẫn se sắt rét. Từng đợt gió quất sàn sạt trên những tàu dừa. Nhà đã đóng chặt cửa nhưng gió tràn vào từ những khe hở của gỗ ghép. Nội tôi ngồi hơ tay bên bếp lửa lặng thinh, thỉnh thoảng đằng hắng ho. Dường như suốt mấy hôm nay, nội không nói gì với mẹ.
Bức tranh thêm màu nắng

Năm tuổi, tôi chưa hiểu và cũng chẳng quan tâm sao người lớn lại giận nhau. Mẹ vòng cánh tay gầy qua lưng tôi, có vẻ như mẹ còn tỉnh lắm. Thực tình, tôi chỉ mong mẹ nhắm mắt lại ngủ đi một lúc, để còn lỉnh đi chơi với cái Thùy, dù nhìn mẹ ngủ trông thương lắm: hai gò má sạm nắng như nhô lên khắc khổ, tóc rối bù, xõa một bên. Nhưng rồi, tôi lại ngủ trước mẹ. Trong chập chờn, tôi nhận thấy hình như ba về, bước chệnh choạng như một kẻ say. Mà ba say thật, giọng lè nhè, thi thoảng gầm lên khiến tôi chẳng dám mở mắt. Buổi sáng thức dậy, còn không biết chuyện hôm qua có thật hay chỉ là giấc mơ.

Cô Hạ đến chơi, tôi he hé mắt nhìn rồi trở mặt vào giường vờ như ngủ say lắm. Thực ra tôi không thích cô, nếu không muốn nói là ghét người đàn bà luôn nói hỗn làm mẹ tôi phải buồn. Là em út của bố tôi (nội tôi chỉ sinh hai người) nhưng chẳng bao giờ cô gọi mẹ tôi là chị mà chỉ nói trống “bà này” và xưng tôi một cách xấc xược. Nội tôi suốt mấy ngày im lặng, có dịp thổ lộ nhỏ to hết. Tôi nằm cố căng tai lên nghe. Hình như nội bực mẹ tôi không sinh con trai, sau đợt ốm này, bác sĩ lại bảo không sinh được nữa… Tôi cảm thấy mừng. Mẹ cái Thùy sinh thêm cu Tí, chỉ tội cho nó. Nó vẫn tấm tức khóc kể với tôi rằng, mẹ nó chỉ yêu em bé thôi. Cô Hạ xem ra cũng bực lắm. Giọng the thé của cô cố nói nhỏ đi nhưng tôi vẫn loáng thoáng nghe được, cô đang tính đón dì Dung, bạn cô về làm vợ hai của ba. Nỗi lo sợ ba có vợ hai khiến tôi định chạy lại khóc với nội, nhưng rồi vẫn cố ghìm xuống. Nội bây giờ có còn thương tôi nữa đâu?!

Mẹ đi làm đồng về, tôi cố nép vào mẹ thật chặt như con mèo con tìm hơi ấm, rồi thì thầm kể. Tôi vẫn nấc lên từng hồi, không dám nói to, khóc to, vì sợ nội nghe được. Mẹ tôi ôm chặt tôi, lặng đi rồi lắc đầu hờ hững: “Nội với cô Hạ nói đùa đấy!”. “Chẳng phải, con nghe rõ mà, với lại khi tối con thấy ba say, ba đánh mẹ nữa phải không mẹ?”. Mẹ nhìn tôi cười: “Chỉ có ai hư mới bị nạt thôi, nào ngoan, nghe lời mẹ đi!”. Cảm giác sợ sệt dần tan trong tôi. Ngỡ tưởng mình mơ những giấc mơ vật vã không có thật, bởi tôi tin vào tất cả những gì mẹ nói… 5 tuổi, tôi không thể hiểu được, có những điều người lớn nghĩ mà không nói ra.

Vào mỗi ngày rằm, mùng một, tôi được theo mẹ gánh gồng lên chợ huyện bán hoa trái trong vườn nhà. Hôm nay, tôi toe toét cười suốt chặng đường đi vì vui. Dường như mẹ không vui, mắt mẹ buồn nẫu nhìn lại phía ngôi nhà và mím chặt môi ngước nhìn vòm trời tháng ba đầy sương mù u ám. Một vài cánh chim nhỏ chao nghiêng rồi vút xa trông lưa thưa như từng chấm đen di chuyển trên trời. Mùa này, những tia nắng chẳng biết trốn đi đâu hết…

Mẹ thở dài cúi nhìn con đường ẩm ướt vì nồm, cố nén chặt nỗi buồn, nhìn tôi mỉm cười. Tôi háo hức với niềm vui đi họp chợ mà không biết mẹ con tôi đang giã từ căn nhà để đi đến một nơi xa lắc…

* * *

Tôi lớn lên chỉ quen với dáng mẹ gầy hao, lặng im trong nhẫn nhục. Ký ức ngày xưa chỉ còn như một sợi chỉ mỏng manh không dễ đứt cũng không bền. Mỗi lúc đi qua một con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, trong tôi lại bùi ngùi nhớ về con đường hun hút gió, nhầy nhụa mưa ngày xưa. Ngày xưa, tôi vẫn cùng cái Thùy đứng chờ nội tận lối rẽ vào làng để đón tấm bánh, cái kẹo nội đi chợ về. Ngày xưa, tôi và mẹ ra đi... Mẹ chẳng bao giờ nhắc chuyện ngày xưa. Thi thoảng, tôi chợt nhớ đến, để rồi quạnh quẽ buồn, để rồi xếp lại, để rồi mở ra khi thiếu quê hương, dẫu nơi ấy không thi vị, ngọt ngào gì.

Mười bảy tuổi. Hơn mười năm, tôi trở lại nhà xưa. Không phải cùng mẹ mà cùng ba. Mẹ nhất định không quay về, nhưng suốt mấy hôm, mẹ khóc nhiều lắm. Khóc cả khi có ba, cả khi có tôi. Nước mắt hơn mười năm mẹ vẫn giấu, đến giờ như vỡ tràn. Đêm cuối, mẹ ôm tôi như dạo còn bé, dặn dò đủ thứ. Tôi như lạc lõng, muốn ở vậy cùng mẹ, nhưng không dám làm mẹ buồn. Vả lại, với ba, tôi cảm thấy đáng thương nhiều hơn, nhất là trong suốt bao nhiêu năm qua, kể cả khi nội mất, ba vẫn từ chối đi bước nữa vì luôn đợi mẹ con tôi trở về. Và bây giờ, ông lần tìm qua những người thân, nhắn tìm mẹ con tôi khi thân thể đầy bệnh tật, trong những ngày tháng cuối cuộc đời. Như vậy, chẳng lẽ, tôi quay đi hay sao?

Tôi tập quen dần với ngôi nhà gió lùa vào sàn sạt dạo nào, tập quen dần với sự trống vắng thường xuyên vì thiếu dáng mẹ. Ba vẫn thường say, mặc kệ đủ thứ bệnh chồng chéo trong cơ thể già nua của ông. Những lúc say, theo lẽ thường, ba trở nên rất thật. Những điều ba nói giúp tôi hiểu rõ hơn về quá khứ nhọc nhằn không phải trong mơ mà tôi từng đi qua. Lúc tỉnh, ba trầm tính đến kỳ lạ. Tôi sợ sự im lặng của ba với ánh mắt u uẩn buồn. Chẳng biết tự lúc nào, tôi lùi dần vào thế giới riêng đầy nội tâm của mình. Dũng - đứa bạn thân của tôi, bảo: “Nhi nghiêm túc quá, như bà cụ non ấy! Mà mắt Nhi buồn thật. Con gái mắt buồn thường đa cảm”. Chẳng biết Dũng đang khen hay chê. Tôi chạnh nghĩ đến đôi mắt mẹ đẹp và buồn đến nao lòng. Có lẽ trong tôi có ánh nhìn của mẹ?

Dũng tặng tôi bức tranh cậu vẽ. Một con thuyền chênh vênh giữa màu nước lấp lánh. Một nhành cây rủ từ trên cao xuống. Bố cục giản đơn nhưng đẹp. Tôi thích bức tranh chủ yếu ở cách pha màu lành lạnh của Dũng. Trông huyền bí và buồn bã. Một nỗi buồn đẹp đến tê cõi lòng.

Dũng bảo tôi: “Để Dũng tặng Nhi tranh khác mà thay vào đó cho ấm áp”. Chỉ qua hôm sau, Dũng đưa tới bức tranh với màu xanh của nước, của trời, cỏ cây hoa lá điểm xuyết thêm vài bông hoa đỏ, hoa vàng tươi tắn và đàn chim nối đuôi nhau trong nắng hửng. “Như thế này có lẽ ấm áp hơn”, cậu cười tít mắt. Tôi áp bức mới lên bức cũ, bỗng trong lòng len lén một cảm giác mơ hồ, thổn thức. Cuộn bức tranh mới lại, bất giác nước mắt lăn dài, chát mặn: “Đừng, Dũng ạ, Nhi thích bức cũ hơn. Chỉ đơn sắc thôi, nhưng trong ấy hình như có Nhi!”. Dũng tròn mắt nhìn tôi. Bức tranh không một dáng người. Tôi nhìn bức tranh đang mờ đi bởi nước mắt. Nơi không có chút ấm áp nào đấy có tôi thật. Cảm giác mình như con thuyền nhỏ nhoi, đơn độc trong lạnh cóng; còn nhành cây rủ xuống kia là dáng mẹ nhục nhằn…

Vạt nắng tháng ba tràn về trên thềm nhà. Một mùa nắng mới lại về ngoài ngõ, tôi hít thật sâu mùi nồng nồng ẩm ướt của đất trong sương mới, mùi hoa bưởi len nhẹ đó đây. Bức tranh đơn sắc bỗng trở nên sinh động hơn khi thêm màu nắng len qua khe cửa điểm vào.

Bỗng nghe tiếng ba đằng hắng ho. Ba chợt hát một khúc tình ca cũ đã lâu lắm không hát. Căn nhà nhỏ thông thênh của tôi vẫn còn lạnh, nhưng dù sao, nắng ấm cũng đã về ngoài kia…

Tin cùng chuyên mục