Bức xúc bên những… dòng kênh đen

Bức xúc bên những… dòng kênh đen

Người dân nhiều xã ở các huyện ngoại thành của TPHCM đã không còn có thể ngân nga câu thơ của Tế Hanh “Quê hương tôi có con sông xanh biếc/Nước gương trong soi tóc những hàng tre” bởi nước thải của nhiều nhà máy, xí nghiệp đã làm đen ngòm những dòng nước mát ngọt ngày nào…

Dẫn chúng tôi đi dọc rạch Cầu Dừa - con rạch nằm giữa ranh giới phường Thới An, quận 12 và xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, anh Trần Minh Sơn, ngụ ở ấp 4, xã Đông Thạnh, than: “Những tưởng xây dựng lại hệ thống đường giao thông nội đồng và khai thông rạch Cầu Dừa thì nông dân sẽ có cơ hội tăng năng suất sản xuất. Nào ngờ chính việc đầu tư này đã kéo về cho cánh đồng tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Năm bảy năm trước, chiều nào sắp trẻ đi làm đồng về cũng ghé ở đây tắm giặt. Giờ thì dòng kênh có lúc đen như dầu hắc, ai dám xuống tắm nữa?”.

Hóa ra, cùng với đường giao thông thuận lợi, nhiều nhà máy, xí nghiệp từ trong nội thành đã ồ ạt di dời ra đây. Lúc rạch Cầu Dừa ròng cạn, không khó khăn là mấy để chúng tôi có thể tìm thấy ngổn ngang những ống nước thải nhô ra dọc bờ rạch. Trên miệng một vài ống, nước thải đen sóng sánh dầu mỡ vẫn tiếp tục chảy ra… Đưa tay chỉ các nhà máy đang được xây dựng dở dang dọc hai bờ rạch, anh Trần Minh Sơn nói: “Với đà này, kênh đen sẽ đen hơn chứ chẳng chơi!”.

Dòng nước kênh Nước Đen đen quánh, bốc mùi nồng nặc phía hạ lưu hồ xử lý nước thải Bình Hưng Hòa quận Bình Tân. Ảnh: NGỌC HIẾU

Dòng nước kênh Nước Đen đen quánh, bốc mùi nồng nặc phía hạ lưu hồ xử lý nước thải Bình Hưng Hòa quận Bình Tân. Ảnh: NGỌC HIẾU

Anh Đinh Tấn Ba, một người dân ngụ tại số 199 đường Bến Than, ấp 3 Hòa Phú huyện Củ Chi quá bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường cho nước thải từ các nhà máy trong Khu công nghiệp Tân Quy thải ra mương Xa Làn tới rạch Bà Bếp, đổ ra sông Sài Gòn đã chủ động gọi điện thoại cho chúng tôi phản ánh nỗi bức xúc của bà con trong khu vực. Anh Đinh Tấn Ba cho biết, nước thải bốc mùi khai nồng, nhức đầu đến mức không chịu nổi. Thay mặt người dân ở ấp 3, anh Đinh Tấn Ba đã nhiều lần kiến nghị tình trạng này lên lãnh đạo huyện Củ Chi nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. “Mương Xa Làn và rạch Bà Bếp đã đen thui rồi. Nếu không có gì thay đổi, tôi e nước sông Sài Gòn cũng phải đổi màu thôi”, anh Đinh Tấn Ba nhận định.

Cũng bức xúc trước tình trạng nhiều doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Tân Quy xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, anh Võ Văn Hùng ở xã Trung An - nơi một phần mương Xa Làn đi qua cho biết: “Nhà tôi nuôi bò sữa, hai năm trước còn dùng nước mương để cho bò uống, nhưng thời gian gần đây cho bò uống nước từ dòng mương này thì lăn đùng ra chết. Bà con trong xóm thấy vậy ai cũng hoảng. Nhiều nhà đã bán đổ, bán tháo đàn bò để chuyển đổi nghề khác!”.

Dẫn chúng tôi đi dọc mương, anh Hùng cho biết điểm đổ cuối cùng của mương không chỉ là rạch Bà Bếp mà còn là cánh đồng chuyên trồng lúa thơm đặc sản chất lượng cao của hai xã Trung An và Phú Hòa Đông. Thế nhưng, đồng lúa trù phú xanh tốt ngày nào giờ là ngút ngàn năng lác dại mọc trùm lên. Điều đáng lo ngại hơn là nguồn nước thô của Nhà máy nước Tân Hiệp lại được lấy ngay từ khúc chảy qua xã Hòa Phú, nơi có những con mương đang gánh chịu nạn ô nhiễm từ chất thải từ các nhà máy trong Khu công nghiệp Tân Quy.

Công trình thủy lợi kênh Tam Tân chưa kịp phát huy hiệu quả “đem ngọt rửa phèn” cho vùng đất phèn chua thì đã gần hóa… đen. Dọc tuyến kênh cũng là những ống xả của nhiều nhà máy, xí nghiệp trong Khu công nghiệp Tân Phú Trung huyện Củ Chi đổ nước thải ra. Nhiều nông dân ở đây cho hay, lúc nước lớn thì màu nước ít đen nhưng lại nguy hiểm hơn vì khi đó nước ô nhiễm có thể trôi đến kênh An Hạ và thâm nhập, len lỏi đến những cánh đồng của xã Tân Thạnh Đông huyện Củ Chi hay xã Tân Hiệp huyện Hóc Môn.

Nhiều khu vực trong xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, cách đây khoảng 5, 6 năm là những vùng chuyên canh lúa và cây ăn quả lớn của TPHCM. Tuy nhiên, hiện nay hàng chục nhà máy, xí nghiệp đã mọc ken đầy trên khắp các cánh đồng của Bình Mỹ. Một cán bộ nông nghiệp xã Bình Mỹ bức xúc: “Đất đang trồng lúa mỗi năm 3 vụ, bỗng dưng thay đổi hết…

Đã vậy, hầu hết những nhà máy, xí nghiệp này đều thải nước thải trực tiếp ra kênh, rạch và đồng ruộng xung quanh. Những dòng kênh xanh ngày nào nay hóa đen và bốc mùi hôi nồng nặc khắp vùng. Không thể trồng trọt, nhiều nông dân đồng loạt bỏ ruộng hoang hoặc bán đất đi nơi khác làm ăn. Rạch Lùn chảy qua địa phận các phường Hiệp Bình Chánh, Linh Đông, Tam Phú… quận Thủ Đức cũng đang trong cảnh đen hóa trầm trọng. Anh Lê Ngọc Hải ở khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh chỉ cho chúng tôi đống rác to tướng nằm cạnh mép rạch nói: “Có nhiều bãi rác kiểu này chạy dọc bờ rạch. Và đây chính là một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn tại Rạch Lùn”.

YÊN LAM

Tin cùng chuyên mục