Bụi mây phóng xạ ít khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam

Hôm qua 23-3, một số trang web dẫn lời ông Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, cho rằng khoảng ngày 25-3, bụi mây phóng xạ từ sự cố của nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 (Nhật Bản) sẽ đến Việt Nam.
  • Kiểm soát thực phẩm nhiễm phóng xạ vào Việt Nam

(SGGP).- Hôm qua 23-3, một số trang web dẫn lời ông Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, cho rằng khoảng ngày 25-3, bụi mây phóng xạ từ sự cố của nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 (Nhật Bản) sẽ đến Việt Nam.

Tuy nhiên, chiều qua, lãnh đạo Trung tâm Khí tượng - thủy văn quốc gia (Bộ TN-MT) cho biết, những ngày cuối tháng 3, 4 và 5-2011, hoàn lưu chủ yếu chi phối khu vực Bắc châu Á là các hệ thống gió theo hướng từ phía Tây sang phía Đông. Do vậy, trong khoảng thời gian trên, ít có khả năng những tro bụi hoặc các chất thải độc hại (kể cả bụi phóng xạ) chứa trong các khối không khí có thể di chuyển ngược lại về phía Tây và Tây Nam để ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á.

Về vị trí địa lý, Việt Nam nằm ở xa về phía Tây Nam của Nhật Bản và nằm ở vĩ độ rất thấp so với vị trí của nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 (thuộc khu Đông Bắc Nhật Bản). Trung tâm Khí tượng - thủy văn quốc gia nhận định, cùng với phân tích về hoàn lưu gió trong thời gian tới có thể kết luận, khu vực Việt Nam khó có thể bị ảnh hưởng của tro bụi và phóng xạ do sự cố nhà máy điện nguyên tử tại Nhật Bản gây ra.

Ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, cũng cho biết một số trạm đo đạc phóng xạ môi trường ở khu vực Đông Nam Á như Malaysia và Philippines chưa phát hiện hạt nhân phóng xạ. Tại Việt Nam, 2 trung tâm quan trắc ở Hà Nội và Đà Lạt cũng chưa ghi nhận bất kỳ dấu hiệu nào khác thường. Ngoài ra, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH-CN) đã tiến hành đo khả năng nhiễm bẩn phóng xạ từ 3 công dân Việt Nam trở về từ Nhật Bản (1 người sống ở Tokyo, 1 người sống ở Yokohama và 1 lưu học sinh ở Sendai). Kết quả đo không phát hiện các đồng vị phóng xạ trong cơ thể những người được kiểm tra.

Cùng ngày, ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản thuộc Bộ NN-PTNT, cho biết trước thông tin nguồn nước và một số loại thực phẩm của Nhật Bản được cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện bị nhiễm phóng xạ, từ nay cho tới 1-7, Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế sẽ cùng phối hợp, tăng cường lấy các mẫu thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản để xét nghiệm, đồng thời triển khai những biện pháp ngăn chặn thực phẩm nhiễm xạ nhập khẩu vào Việt Nam. Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, hiện nay bên cạnh nhập khẩu nhiều loại rau quả và thủy sản của Nhật Bản, chúng ta còn nhập khẩu cả thịt gia cầm của xứ sở Phù Tang, với số lượng khá nhiều để phục vụ sản xuất, chế biến thực phẩm công nghiệp.

Ông Hào cho biết, theo quy định thì các doanh nghiệp Việt Nam muốn nhập thực phẩm từ Nhật Bản vào Việt Nam bắt buộc phải có giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn và được cơ quan thuộc Cục Thú y tại các cửa khẩu kiểm tra, chứng nhận. Để lập hàng rào kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đã có văn bản gửi Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) và Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị tăng cường kiểm tra hàm lượng, dư lượng phóng xạ trong sản phẩm (gồm cả thực vật và thịt) của các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt lưu ý 5 cơ cơ sản xuất thủy sản và một cơ sở sản xuất thịt gia súc, gia cầm tại vùng Fukushima, nơi vừa xảy ra sự cố có liên quan tới điện hạt nhân.

P.Hậu

Tin cùng chuyên mục