Bùi ngùi một cánh rừng xưa…

Bùi ngùi một cánh rừng xưa…

Kỷ niệm 8 năm ngày mất nhà thơ Cao Vũ Huy Miên

Thường, khi một người nổi tiếng mất đi người ta hay lựa dịp những năm chẵn, như 10 năm, 20 năm… để tưởng nhớ, để nhắc nhở. Nhưng riêng tôi, đối với anh bạn nhà thơ Cao Vũ Huy Miên, chẳng cần năm chẵn, năm lẻ, cũng chẳng cần dịp này dịp nọ, cứ mỗi lần ngồi vào cái bàn viết nho nhỏ ở góc phòng là tôi lại “làm giỗ” anh trong tâm tưởng. Bởi ở góc phòng đó từ lâu lắm, những bài thơ man mác buồn, rưng rức nhớ của anh tôi đã viết bằng những dòng chữ nắn nót nhất có thể, dán lên đó và cứ mỗi lần đọc lại thì gương mặt hơi hiền hiền, hơi bụi bặm và thoáng một chút “ba gai” của anh lại hiện rõ mồn một trong tôi. Đây là bài thơ của anh mà tôi đã nắn nót viết bằng bút lông kim mực tím: Đôi khi ta ngồi bỗng nhớ/ Bùi ngùi một cánh rừng xưa/ Đôi khi ta ngồi thầm nhắc,/ Tên em rồi khóc một mình/ Đôi khi muốn về Lộc Tấn/ Biết nay rừng đã khác xưa/ Biết nay chỉ còn mãi mãi/ Ngậm ngùi một nấm mộ xanh/ Đôi khi ước mình trẻ lại/ Chiều mưa khăn gói lên đường/ Để được cùng em sống mãi/ Một thời phiêu bạt gió sương…

Nhà thơ Cao Vũ Huy Miên (bìa trái) trong một chuyến công tác. Ảnh: THÁI BẰNG

Cái thời “phiêu bạt gió sương” ấy có lẽ là thời có ý nghĩa nhất, đáng nhớ, đáng sống nhất của Cao Vũ Huy Miên bởi nó đã đi vào thơ, vào nhạc, vào từng trang viết và vào cả những câu chuyện vui, buồn mà có khi nghe anh kể người ta vẫn thấy rưng rưng. “Em” mà Miên hay nhắc tên rồi khóc một mình ấy, có lẽ là một đồng đội nữ đã mãi mãi nằm lại với cánh rừng xưa, và những kỷ niệm, những hồi ức về “em”, về những đồng đội cũ đã làm cho giọng thơ của Miên dù năm tháng qua đi vẫn cứ man mác buồn.

Một anh bạn công an, Đại tá Huỳnh Ngọc Phương bây giờ công tác ở Bộ Công an, có lẽ thân với Cao Vũ Huy Miên từ hồi còn làm Trưởng Công an phường 8, quận Tân Bình, có lần đã đọc cho tôi nghe một bài thơ của Miên mà anh thích nhất. Cũng cái giọng thơ man mác buồn, bâng khuâng nuối tiếc về một mối tình (?) đã qua: Có một loài hoa vừa trôi vừa nở/ Em đi lấy chồng anh ở vậy thôi/ Lỡ mai thương đứng nhớ ngồi/ Có loài hoa ấy vừa trôi vừa buồn…

…Ở gần Cao Vũ Huy Miên (tôi công tác cùng Ban Chương trình xã hội Báo SGGP với anh), ít khi tôi thấy anh buồn (bởi như bạn bè thường nói, những khi buồn anh thích một mình), trái lại bên anh luôn là những trận cười nổ trời. Chúng tôi thường cùng đi công tác những chuyến dài ngày như đi cứu trợ những đợt lũ lụt, đi khảo sát xây tặng trường học ở Quảng Nam quê anh, đi các tỉnh Tây Nguyên tặng quà đồng bào nghèo...

Chuyến đi nào có anh thì trên xe luôn tràn ngập tiếng cười. Chất giọng Quảng Nam đặc sệt cộng với giọng cười hào sảng của anh cứ chuyển hết đề tài này sang đề tài khác. Anh kể có lần đi cứu trợ đến một huyện của tỉnh Quảng Nam, anh trưởng đoàn, người miền Bắc cầm bảng danh sách đọc tên mời lên nhận quà, đọc hoài cái tên Nguyễn Thị Mai mà không thấy ai lên nhận. Anh chủ tịch xã bảo “Anh đưa danh sách tui “cua”, rồi anh đọc: “Nguyễn Thị Mưa”, “Dọa!”, một người đứng phắt dậy, chạy lên khiến cả đoàn cười rần.

Vui nhất vẫn là những chuyện cười chung quanh các cư dân ở Nhà tập thể 450 Nguyễn Thị Minh Khai của Báo SGGP. Những câu chuyện có thật được nêm thêm một chút hài hước của anh dù được nghe nhiều lần ở nhiều nơi, vậy mà vẫn không nhịn được cười: Có anh ở tầng 3 đi nhậu về, xỉn quá, mắt nhắm mắt mở đi tuốt lên tầng 4, đến đúng số phòng như phòng của mình đập cửa rầm rầm. Đợi một lát, thấy anh đồng nghiệp cởi trần mặc quần xà lỏn đi ra, anh chàng say xỉn điên tiết vì thấy có người đàn ông trong… nhà mình nên nhào tới chỉ mặt anh đồng nghiệp mắng té tát: “Nãy giờ ông làm gì với vợ tôi lại còn mặc xà lỏn nữa?”. Anh đồng nghiệp lớn tuổi nắm áo lôi anh chàng xỉn ra ngoài chỉ tay vào số phòng: “Đây là tầng 4, là nhà tao không phải nhà mày”. Anh chàng xỉn lạy như tế sao: “Em xin lỗi, xin lỗi anh…”.

Có anh khác nhậu say về, mới lên tới lầu một đã đập cửa rầm rầm: “Vợ ơi vợ, mở cửa!”. Kêu hoài không thấy ai mở anh chàng giận dỗi bỏ đi: “Không mở thì tao đi luôn!”. Hôm sau về, vợ hỏi sao đêm qua anh không về, anh nói: “Đập cửa cả buổi không mở còn nói gì nữa?” Chị vợ mới chợt nhớ: “Chết rồi, đêm qua hình như nghe tiếng ai đập cửa ở tầng dưới…”.

Vài năm trước ngày Cao Vũ Huy Miên mất, tôi có bài viết “Bạn tôi có đôi khi…” đăng trên Báo SGGP. Thú thật lúc ấy, nghe bạn bè nói: Ông Miên bữa nay bết lắm rồi nên tôi viết bài ấy để ngậm ngùi, để luyến tiếc anh, ai ngờ từ bệnh viện về, anh gượng dậy tươi nguyên như chưa từng bệnh và còn đi công tác cùng tôi nhiều chuyến nữa. Rồi, buổi sáng ngày 25-11-2008, phóng viên trẻ Minh Thảo gọi điện cho tôi báo tin: “Chị ơi, anh Miên đi rồi. Sao Kim con anh mới gọi điện cho em…”. Hai chị em tức tốc chạy đến chung cư Miếu Nổi sớm nhất, khi còn kịp vuốt mắt anh...

Làm việc với nhau nhiều khi khó tránh đụng chạm. Tôi cũng từng bị anh bạn hay hờn mát ấy giận hờn vài lần, nhưng rồi hết giận lại thôi để bây giờ mỗi lần nghĩ tới anh tôi lại thèm đọc thơ anh, lại thấy trào dâng một nỗi buồn man mác, một nỗi nhớ rưng rưng… 
                                                                              

NGỌC YẾN

Tin cùng chuyên mục