Bùng nổ cao ốc

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản cao cấp ở TPHCM nhộn nhịp hẳn lên với nhiều cao ốc được đưa vào khai thác, nhiều dự án “trùm mền” được hồi sinh và không ít dự án mới ra đời. Có thể nói, cơn sốt xây dựng cao ốc đầu thập niên 90 của thế kỷ 20 đã thực sự quay trở lại sau nhiều năm bị ngưng trệ.
Bùng nổ cao ốc

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản cao cấp ở TPHCM nhộn nhịp hẳn lên với nhiều cao ốc được đưa vào khai thác, nhiều dự án “trùm mền” được hồi sinh và không ít dự án mới ra đời. Có thể nói, cơn sốt xây dựng cao ốc đầu thập niên 90 của thế kỷ 20 đã thực sự quay trở lại sau nhiều năm bị ngưng trệ.

  • “Tan băng” các dự án cũ

Cách đây mấy năm, những ai có dịp đi ngang qua số 101 đường Hai Bà Trưng quận 1 (TPHCM) đều không tránh khỏi cảm giác khó chịu khi nhìn thấy “hình hài” tòa Khách sạn Grand Imperial Sài Gòn mới lên được 8 tầng thì… bỏ hoang. Tháng 10–2002, việc xây dựng đã được nối lại và nhịp độ ngày càng khẩn trương. Theo ông Trương Bách Hân, Phó tổng giám đốc của liên doanh thì khách sạn sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác trong tháng 3–2005. Hiện nay nhu cầu thuê văn phòng cao cấp rất lớn so với năng lực cung ứng, vì vậy công ty phải gấp rút đón đầu cơ hội này.

Bùng nổ cao ốc ảnh 1

Khách sạn Grand Imperial Sài Gòn hoàn thành, sắp đưa vào hoạt động.

Cao ốc công viên Nguyễn Du tại 111 Nguyễn Du quận 1 với vốn đầu tư hơn 10,5 triệu USD đến nay đã hoàn thiện khoảng 95%, dự kiến sẽ khánh thành vào đầu năm mới 2005. Năm dự án khác thuộc các công ty liên doanh Căn hộ Sài Gòn, Larkhall – Savico, Avalon Sài Gòn, FEI – YUAN Việt Nam, Xây dựng trang trí Việt Quốc cũng đang trong quá trình xây dựng lại. Đầu tháng 10-2004 vừa qua, một công trình từng bị “treo” khác là Trung tâm Thương mại An Đông đã đi vào hoạt động. Theo Phòng Doanh nghiệp nước ngoài (Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM), hiện tại trên địa bàn thành phố còn khoảng hơn 30 giấy phép đầu tư còn hiệu lực nhưng chưa triển khai.

Riêng trong năm 2004, Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM đã cấp phép đầu tư nhiều dự án xây dựng các cao ốc căn hộ để bán và cho thuê cho các công ty liên doanh phát triển nhà DEAWON – Thủ Đức, VN LANDSSG, SAIGON RIVIERA… Ông Lư Thanh Phong, Trưởng Phòng Doanh nghiệp nước ngoài nhận định môi trường đầu tư của thành phố ngày càng cải thiện vì thế làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào thành phố ngày càng lớn. Hiện thị trường văn phòng cho thuê có cầu khá cao so với cung và việc xây dựng cao ốc diễn ra rôm rả cũng là điều dễ hiểu.

  • Doanh nghiệp trong nước bung ra

Cao ốc Indochina Park Tower tại số 4 Nguyễn Đình Chiểu quận 1, cao 24 tầng với tổng diện tích sàn hơn 18.000m2 do Công ty cổ phần Đông Dương đầu tư. Công trình khởi công vào tháng 8–2003 và dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 5–2005. Đây là điển hình cho hiện tượng doanh nghiệp trong nước đổ xô đầu tư bất động sản cao cấp. Trước đây, phần lớn “mảng” này là sân chơi của các doanh nghiệp nước ngoài, có tiềm lực tài chính hùng mạnh, trình độ xây dựng và quản lý hiện đại. Tuy nhiên, vài năm gần đây nhiều đơn vị trong nước đã bắt đầu vào cuộc.

Trong năm 2003, nhiều công trình do các doanh nghiệp “nội địa” đầu tư cũng đã được triển khai thi công như Pasteur Court với 156 căn hộ trên đường Pasteur quận 3 (chủ đầu tư là Công ty Vạn Thịnh Phát và Công ty An Thái), The Manor cao 30 tầng với hơn 420 căn hộ trên đường Nguyễn Hữu Cảnh quận Bình Thạnh (chủ đầu tư là Công ty Bình Minh - Bitexco), tòa nhà căn hộ cao cấp Mỹ Vinh trên đường Nguyễn Thị Minh Khai quận 3 (công ty TNHH THY và doanh nghiệp tư nhân Thảo Loan cùng góp vốn đầu tư)….

Bùng nổ cao ốc ảnh 2

Cao ốc The Manor đang được khẩn trương xây dựng.

Tháng 4–2004, Hùng Vương Plaza và Trung tâm Thương mại Kinh Đô được khởi công. Dự án gồm hai tòa nhà 29 tầng với 276 căn hộ có tổng vốn đầu tư hơn 30 triệu USD do 5 công ty trong nước làm chủ đầu tư. Đến tháng 7–2004, công ty Trung Thủy đã cho khởi công tòa nhà căn hộ cao cấp và văn phòng cho thuê The Lancaster cao 21 tầng với tổng diện tích sử dụng 17.000m2 trên đường Lê Thánh Tôn quận 1. Tháng 11 vừa qua, một cao ốc khác cao 18 tầng do công ty Đất Phương Nam làm chủ đầu tư với tổng vốn 320 tỷ đồng cũng được xây dựng tại đường Chu Văn An quận Bình Thạnh…

Theo anh Vũ Quốc Khánh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đông Dương thì thị trường căn hộ cao cấp và văn phòng cho thuê ở TPHCM vẫn đang là một “khoảng trống”, vì vậy lĩnh vực này sẽ còn là dư địa hấp dẫn lâu dài.

Ông Trần Anh Dũng, phụ trách Phòng Nghiên cứu phát triển dự án của Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị – HUD (Bộ Xây dựng) nhận định: “Hiện tại hầu hết các văn phòng cho thuê đều đạt công suất khai thác từ 80% trở lên, riêng loại A khoảng 95%. Đây quả là tỷ lệ khả quan đối với các chủ đầu tư, chỉ trong vòng 10 – 15 năm chủ đầu tư sẽ thu hồi vốn”. Nắm bắt được thời cuộc, nhiều đơn vị kinh tế lớn trong nước cũng nhập cuộc chơi. Tổng Công ty VINACONEX đã nhanh chân “sắm” cho mình một cao ốc trên đường Điện Biên Phủ quận 1. Tổng Công ty Vật liệu xây dựng số 1 cũng đang cho xây dựng một cao ốc trên con đường này, vừa làm văn phòng cho một đơn vị thành viên là Công ty gạch ngói Đồng Nai vừa để cho thuê.

Hiện tại, tổng công ty đang tiến hành các bước và thủ tục để đến cuối năm 2005 sẽ khởi công xây một tòa cao ốc văn phòng 25 tầng trên đường Trần Hưng Đạo (quận 5). Theo ông Lại Văn Chinh, Chủ tịch HĐQT, thì nhu cầu thuê cao ốc văn phòng sẽ ngày càng tăng trong nhiều năm tới, vì vậy xu hướng xây cao ốc vừa làm trụ sở làm việc vừa để cho thuê sẽ là chiến lược phát triển của tổng công ty.

Làn sóng xây cao ốc hiện nay là xu hướng tích cực. Nhiều cao ốc văn phòng mọc lên sẽ là cơ sở hình thành một thành phố hiện đại. Tuy nhiên, xây dựng cao ốc trước hết phải gắn liền với quy hoạch phát triển đô thị. Đừng để cao ốc “bùng nổ” theo kiểu tự phát mạnh ai nấy xây như tình trạng nhà phố hiện nay, xé nát kiến trúc và cảnh quan đô thị, để rồi vài chục năm sau lại “đau đầu” với bài toán đền bù, giải tỏa để chỉnh trang…
 

ÁI VÂN – HOÀNG LIÊM 

Tin cùng chuyên mục