
Trong góc một quán cà phê sang trọng tại Thượng Hải, Trung Quốc (TQ), hai người phụ nữ xinh đẹp vừa uống cà phê vừa kiên nhẫn chờ đợi và dõi mắt về phía căn nhà đối diện chỗ họ đang ngồi.
Theo hợp đồng với một người phụ nữ đã có chồng, công việc của hai người phụ nữ này là giăng bẫy nữ chủ nhân căn nhà đối diện kia, người bị nghi ngờ là tình nhân của một doanh nhân giàu có của TQ. Thực tế, đây là hai người phụ nữ làm việc cho một văn phòng thám tử tư khá đặc biệt gồm 6 nhân viên toàn là nữ, duy chỉ có chủ là nam giới, một cựu sĩ quan cảnh sát của thành phố Thượng Hải.

Cái tên “Trung tâm điều tra bảo vệ quyền lợi phụ nữ” dễ làm người nghe liên tưởng tới một hiệp hội phụ nữ hoạt động vì mục đích phi lợi nhuận nhưng thực chất đây là một tổ chức hoạt động vì mục tiêu thương mại, được thành lập từ tháng 6-2004.
Đến nay, sau 2 năm hoạt động, trung tâm này đã thành công trong gần 200 vụ giúp đỡ các thân chủ (chủ yếu là nữ giới) phát hiện các ông chồng thuộc “nhóm máu dê”.
Theo thống kê sơ bộ, hiện tại ở TQ có khoảng 20.000 văn phòng thám tử tư kiểu này và đang tăng mạnh từ sau khi một điều luật mới về hôn nhân có hiệu lực vào tháng 4-2004.
- Có “cung” thì mới có “cầu”
Trước những thay đổi nhanh chóng của các lối sống, điều luật mới về hôn nhân gia đình của TQ đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc ly hôn, đồng thời cũng bổ sung thêm một điều khoản về bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em vốn ít được đề cập trong các điều luật hôn nhân trước đây. Điểm đặc biệt trong điều luật mới này là trong trường hợp người chồng có bồ nhí hoặc một gia đình thứ hai thì khi ly dị, phần nhiều tài sản của chung sẽ được chia cho người vợ.
Muốn kết tội thì phải có bằng chứng cụ thể, vậy là các văn phòng thám tử tư vào cuộc. Tuy nhiên, bên cạnh đó người ta cũng lo ngại về những nguy cơ quá đà của các văn phòng này. “Trong dư luận, hiện có nhiều cuộc tranh luận về điều luật mới này. Cảnh sát có thể vào cuộc song xem ra không thích hợp với các vụ việc mang tính tư riêng. Tuy nhiên, nếu cứ để mọi người tùy thích hành động sẽ có nhiều nguy cơ đời sống riêng tư của con người bị xâm phạm” - một nữ luật sư ở Bắc Kinh nhấn mạnh.
Hiện báo chí TQ chia thành hai phe để tranh luận về vấn đề này. Phe bảo thủ cho rằng, việc những người đàn ông có bồ nhí là do chính những người vợ của họ. Một người phụ nữ TQ truyền thống phải biết lo toan nhà cửa, chăm sóc con cái, cơm nước đầy đủ chờ chồng về. Người đàn ông vốn đã chịu nhiều áp lực trong công việc không thể mỗi khi trở về nhà lại phải nghe những lời than phiền của vợ con. Trong khi phe theo đường lối cấp tiến lại cho rằng, luật pháp không thay đổi bản chất từng người. Đa phần đàn ông có những cuộc vượt rào là vì những vấn đề phát sinh từ gia đình.
Bản thân chính quyền TQ cũng tỏ ra lưỡng lự trước quyết định có nên chấp nhận loại hình điều tra tư nhân hay không vì từ trước tới nay đây là một lĩnh vực đặc quyền của cảnh sát. Do không chính thức bị cấm, cũng không hoàn toàn hợp pháp, các văn phòng thám tử tư ở đây đăng ký hoạt động dưới hình thức là một trung tâm tư vấn hoặc trung tâm thông tin, lợi dụng những lỗ hổng của pháp luật để phát triển và đáp ứng một nhu cầu đang lên trong một xã hội đang chịu nhiều thay đổi từ nền kinh tế thị trường.
- Công nghệ đào tạo thám tử
Vị chủ Trung tâm điều tra bảo vệ quyền phụ nữ nói trên cho biết ông luôn ý thức được những sai phạm có thể nảy sinh trong một lĩnh vực mới mẻ chưa có những quy định cụ thể. Ông khẳng định chỉ tuyển những người phụ nữ hiểu biết tốt về luật pháp, có một trái tim luôn muốn giúp đỡ những người phụ nữ khác và có ý thức về nghề nghiệp họ đang làm. Vị cựu nhân viên cảnh sát Thượng Hải này nhấn mạnh: “Chúng tôi làm việc rất thận trọng để cố gắng không phạm pháp”.
Tất cả nhân viên của Trung tâm điều tra để bảo vệ quyền phụ nữ sau khi được tuyển vào đều phải trải qua một thời gian huấn luyện do chính ông chủ của trung tâm phụ trách giảng dạy. Những kỹ thuật cần đạt được đối với một nữ thám tử tư trước khi hành nghề là các bước tiến hành theo dõi, cách chụp ảnh lén, cách đóng giả để khai thác thông tin cá nhân của mục tiêu. Do đối tượng khách hàng phong phú nên nhân viên của Trung tâm điều tra để bảo vệ quyền phụ nữ cũng phải đa dạng với tuổi đời từ 25 đến 38.
Sau khi đã thu được bằng chứng, quyền quyết định thuộc về người vợ. “Trước hết, chúng tôi luôn khuyên khách hàng cứu lấy gia đình và con cái là chính và hòa giải những vấn đề trong nội bộ gia đình. Nhưng nếu khách hàng vẫn một mực đòi ly dị, chúng tôi không thể thay đổi tình thế và giúp khách hàng bảo vệ quyền lợi” - một nhân viên của Trung tâm điều tra để bảo vệ quyền phụ nữ cho biết.
Đối với những người đàn ông giàu có quen thói “trăng hoa” ở Thượng Hải, mọi cuộc vượt rào giờ đã trở nên khó khăn: pháp luật, công nghệ và sự quyết tâm của những người phụ nữ, tất cả đều chống lại họ…
TRUNG LƯƠNG