Bùng phát “bẫy” do tái lập mặt đường cẩu thả

TPHCM đã triển khai hàng loạt công trình đào đường trên địa bàn TP như hệ thống thoát, cấp nước, điện, điện thoại... Điều này giúp bộ mặt hạ tầng giao thông của TP dần có sự thay đổi. Tuy nhiên, nhiều công trình thi công xong, việc tái lập mặt đường cẩu thả đã gây nguy hiểm cho người đi đường, dẫn đến lún sụt.

TPHCM đã triển khai hàng loạt công trình đào đường trên địa bàn TP như hệ thống thoát, cấp nước, điện, điện thoại... Điều này giúp bộ mặt hạ tầng giao thông của TP dần có sự thay đổi. Tuy nhiên, nhiều công trình thi công xong, việc tái lập mặt đường cẩu thả đã gây nguy hiểm cho người đi đường, dẫn đến lún sụt.

Mặt đường như xương cá

Theo quy định, các công trình đào đường lắp đặt công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn TP, sau khi hoàn thành, đơn vị thi công phải tái lập, hoàn trả lại mặt đường theo đúng hiện trạng với mặt đường hiện hữu. Thế nhưng, có một thực tế lâu nay là nhiều đơn vị thi công thiếu trách nhiệm, cẩu thả trong tái lập mặt đường khiến nhiều tuyến đường ở TP trở nên nham nhở. Đơn cử, một đoạn ngắn từ vòng xoay Phú Lâm đến công viên Phú Lâm đường An Dương Vương có hơn chục vị trí tái lập cẩu thả. Tại những điểm này, đơn vị thi công sau khi hoàn thành công trình, tái lập mặt đường bằng xi măng cao hoặc thấp hơn mặt đường hiện hữu từ 5 đến 10cm và những chỗ này bắt đầu bong tróc.

Cách đó không xa, tuyến đường Bà Hom nối dài tỉnh lộ 10 là trục đường chính từ TP về hướng Đức Hòa, Đức Huệ tỉnh Long An, mới nâng cấp sửa chữa, vừa đưa vào sử dụng vốn phẳng phiu nhưng sau vài tháng đã nhấp nhô như xương cá. Trước nhà dân được xẻ một đường rộng chừng 2 gang tay từ trên vỉa hè ra giữa tim đường không rõ là để làm gì, sau khi tái lập để lại mặt đường gồ ghề, chỗ cao, chỗ thấp khiến các phương tiện mỗi khi lưu thông qua lại rất khó khăn và không an toàn.

Còn với tuyến đường Hồng Bàng nối dài (quận 5), nhất là tại hai ngã tư Ngô Quyền và Châu Văn Liêm, mặt đường tháng nào cũng được “phẫu thuật” chằng chịt. Cô Lưu Minh Thanh, kinh doanh buôn bán ở mặt tiền đường ngã tư Hồng Bàng - Châu Văn Liêm quận 5, bức xúc: “Tưởng rào chắn rút đi, người ta trả lại mặt đường bằng phẳng thuận tiện cho người dân, ai ngờ đơn vị thi công tái lập mặt đường cẩu thả, chắp vá bằng những mảng nhựa đường, cái sau, cái trước, chỗ cao, chỗ thấp”. Tương tự, trên một số tuyến đường như Bạch Đằng (quận Tân Bình), Đinh Tiên Hoàng, giao lộ Hai Bà Trưng - Võ Thị Sáu (quận 1), đặc biệt những quận ven như quận 6, 7, 12, Bình Tân, Tân Phú, Gò Vấp… tái lập cẩu thả đã trở thành nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông. Bằng mắt thường có thể nhìn thấy mặt đường được tái lập chất lượng kém, lớp nhựa trên lằn phui bị lún xuống vài centimet so với mặt đường hiện hữu.

Bẫy trên đường

Hầu hết những công trình đào đường để nâng cấp hạ tầng kỹ thuật trong TP với hệ thống thoát, cấp nước, điện, điện thoại, cáp viễn thông… Sự thiếu trách nhiệm trong việc tái lập mặt đường thể hiện rõ là phần mặt đường có vị trí đào mới luôn thấp hoặc cao hơn so với mặt đường hiện hữu tạo thành những lằn phui, rãnh và gờ rất nguy hiểm cho người đi đường. Thậm chí, có những chỗ không được trải thảm nhựa mà chỉ lấp lại bằng đất, đá. Tình trạng này không chỉ gây khó khăn cho việc lưu thông mà còn làm ứ đọng nước, khiến đường xuống cấp nhanh hơn. Tình trạng tái lập mặt đường cẩu thả còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lún sụt mặt đường thời gian qua ở TP.

Về vấn đề này, các khu quản lý giao thông đô thị (Sở GTVT TPHCM) - đơn vị quản lý các tuyến đường trên địa bàn TP - khẳng định thời gian qua có xảy ra tình trạng như đã nêu trên. Đối với trường hợp đơn vị thi công tái lập mặt đường cẩu thả, các khu đã lập danh sách gửi Thanh tra Sở GTVT để xử phạt theo quy định. Lãnh đạo Sở GTVT TPHCM, Thanh tra giao thông và các đơn vị liên quan xem đây là “ẩn họa giao thông”, bẫy nguy hiểm trên đường nên đã đưa ra các biện pháp ngăn chặn, xử lý quyết liệt như tăng cường theo dõi, kiểm tra, phạt nặng, đình chỉ thi công… các công trình vi phạm. Tuy nhiên, đến nay, dường như các đơn vị thi công vi phạm đã “lờn thuốc”, gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Hiện nay, TPHCM có hàng trăm kilômét đường đang bị đào xới và tái lập rất sơ sài. Theo quy trình, việc kiểm tra, giám sát tái lập mặt đường được thực hiện rất chặt chẽ. Nhưng vì sao vẫn còn tình trạng tái lập mặt đường cẩu thả, làm cho có lệ? Câu hỏi này cần được các cơ quan chức năng trả lời.

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục