Bừng sáng đôi bờ Đông - Tây

1.
Bừng sáng đôi bờ Đông - Tây

1. Thấm thoắt, đã 6 năm trôi qua, nhớ lại ngày 31-1-2005 TPHCM làm lễ khởi công xây dựng đại lộ Đông Tây… Nơi đó, 6 năm về trước, lễ khởi công được tổ chức trên một mặt bằng không xa vị trí cửa hầm Thủ Thiêm hôm nay bao nhiêu, song cảnh vật của hai thời khắc đó thật khác nhau.

Lễ khởi công diễn ra trong bối cảnh ngổn ngang gạch đá của một công trường vừa mới giải phóng mặt bằng, còn bây giờ là đại lộ thênh thang chạy qua quận 1, 4, 5, 6, 8, huyện Bình Chánh. Nay con đường ấy đã vinh dự được mang tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với hầm Thủ Thiêm to đẹp - một hạng mục quan trọng của dự án xây dựng đại lộ Đông Tây làm nền cho ngày lễ thông xe hầm Thủ Thiêm và đưa cả dự án vào hoạt động.

Gần 10.000 hộ dân đã di dời để TPHCM có công trình giao thông để đời. Những ai đi trên con đường thênh thang ngày hôm nay phải cảm ơn những người dân đã vì lợi ích chung, đồng ý dời bỏ nhà cửa nhường chỗ cho một trong những con đường huyết mạch bậc nhất thành phố - con đường chạy thẳng từ phía Đông sang phía Tây. Mai mốt khi dự án xây dựng đường nối đại lộ Đông Tây với đường cao tốc TPHCM - Trung Lương hoàn thành thì đại lộ Đông Tây còn có thêm ý nghĩa, trở thành trục giao thông kết nối TPHCM với vùng đất “chín rồng”.

Và tất nhiên, bên cạnh người dân, đội ngũ kỹ sư, công nhân trên công trường xây dựng đại lộ Đông Tây là những hình ảnh rất đẹp về tinh thần lao động, ý thức kỷ luật và trách nhiệm với thành phố.

Còn nhớ ông Vương Hoàng Thanh, Phó Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây suốt ngày chạy đôn chạy đáo tìm “khổ chủ” những đường dây điện, ống cấp thoát nước cũ còn sót lại dưới mặt đường, thương thảo, giúp họ di dời để lấy mặt bằng cho đơn vị thi công. Tiến sĩ Lê Quả, Phó Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây, miệt mài với hàng trăm trang thiết kế. Tiến sĩ Lê Quả tâm huyết với dự án này đến mức ông sáng tác hẳn một bài hát về nó.

Chúng tôi, những nhà báo “theo” dự án từ những ngày đầu đều nhớ như in bài hát ấy “Chẳng còn bao lâu xa, trên thành phố chúng ta, đại lộ Đông Tây thênh thang, dọc ven kênh xanh, đường hầm qua sông, nối thẳng đôi bờ...”. Rồi ông động viên kỹ sư, công nhân “Nhanh, nhanh, nhanh hoàn thành, quê hương đang đợi chờ…”.

Dòng xe lưu thông qua hầm Thủ Thiêm từ quận 2 và ra khỏi miệng hầm phía quận 1. Ảnh: CAO THĂNG
Dòng xe lưu thông qua hầm Thủ Thiêm từ quận 2 và ra khỏi miệng hầm phía quận 1. Ảnh: CAO THĂNG

2. Thế nhưng, thời điểm đáng nhớ nhất vẫn là lúc đúc hầm Thủ Thiêm. Mẻ đúc đầu tiên gần như toàn bộ kỹ sư, công nhân người Việt và cả người Nhật đều hồi hộp. Đá phải được rửa sạch, xi măng thuộc loại đặc biệt… Trong quá trình đổ bê tông, bê tông luôn được giữ dưới 24°C. Kỹ như thế nhưng rồi sự cố vẫn xảy ra: các đốt hầm bị rạn. Thông tin làm rúng động thành phố. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước từ Hà Nội vào xem xét. Thành phố tổ chức đưa nhiều nhà khoa học trong nước đến nghiên cứu. Và rồi, tất cả vì sự an toàn của người dân khi lưu thông qua hầm, lãnh đạo TPHCM đã mời một tư vấn độc lập có uy tín của Úc sang đánh giá sự cố.

Thời điểm ấy các thông tin về các đốt hầm Thủ Thiêm liên tục xuất hiện trên các báo. Người dân thành phố theo dõi sát sao vấn đề này. Tới khi các sự cố đã được xử lý xong, các đốt hầm được dìm thử nghiệm ngay tại bể đúc, nhiều lãnh đạo thành phố như Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua… còn đích thân đi thuyền ra bể đúc, trèo vào khoang hầm cao gần 10m để kiểm tra chất lượng. Dường như đến lúc ấy, lãnh đạo thành phố mới trút được gánh nặng lo âu về chất lượng các đốt hầm.

Lai dắt các đốt hầm ra vị trí lắp đặt cũng là những khoảnh khắc đáng nhớ. Ngày lai dắt đốt hầm đầu tiên, từ sáng sớm, lãnh đạo thành phố cùng đông đảo người dân đã có mặt dọc sông Sài Gòn chờ đón sự kiện có một không hai này. Trước đó nhiều ngày, gần như ngày nào lãnh đạo thành phố cùng Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây cũng họp lên kế hoạch cho công việc lai dắt. Rất nhiều các cơ quan đã được huy động.

Trên sông Sài Gòn, các đơn vị đảm bảo hàng hải được giao nhiệm vụ “tổ chức giao thông” với tinh thần đảm bảo tuyệt đối an toàn cho việc lai dắt. Trên bờ, các lực lượng công an có trách nhiệm giữ gìn trật tự an toàn, ứng phó kịp thời nếu có tình huống bất trắc xảy ra. Việc dìm 4 đốt hầm vào vị trí cũng là một kỳ công nhưng kỳ công nhất là công đoạn dìm đốt hầm thứ 4 bởi lúc ấy cả 3 đốt kia đã vào vị trí cố định và khoảng không gian để dìm đốt thứ 4 không còn chỗ trống để xoay trở. Các nhà thầu chỉ có một chọn lựa: dìm đúng chỗ với mức chính xác đến từng xăngtimét.

3. Bốn tháng, từ tháng 6 đến tháng 9, mỗi tháng dìm một đốt và cả 4 đốt hầm đã được lai dắt và dìm thành công trong sự hân hoan, thở phào của người dân và chính quyền thành phố. Thế nhưng hạng mục xây dựng hầm Thủ Thiêm hay cả dự án đại lộ Đông Tây chỉ là một phần của vấn đề.

Để cả lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé nằm dọc đại lộ Đông Tây đang từng ngày “thay da đổi thịt” phải kể đến một dự án nữa - dự án cũng do Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây được UBND TPHCM ủy quyền làm chủ đầu tư: dự án Cải thiện Môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé. Dự án này sẽ tiến hành nạo vét kênh Tàu Hủ - Bến Nghé vốn đang bị ô nhiễm nặng nề, làm hệ thống thoát nước thải riêng, thoát nước mưa riêng, không cho nước thải đổ vào kênh Tàu Hủ - Bến Nghé rồi làm bờ kè và xây dựng một con đường dọc kênh, phía đối diện của đại lộ Đông Tây. Phải có dự án Cải thiện Môi trường nước, đại lộ Đông Tây trong đó có hạng mục hầm Thủ Thiêm mới lung linh hơn, đẹp hơn. Cả một khu vực nằm dọc kênh này mới khang trang và lộng lẫy hơn.

Nhớ lại những tháng ngày đã qua, đã xa rồi hình ảnh những ngôi nhà lụp xụp nằm dọc theo hai bên bờ kênh đen Tàu Hủ - Bến Nghé. Giờ đây, in trên mặt nước là bóng dáng những chiếc cầu, những ngôi nhà cao tầng mới mọc lên, sừng sững. Trên đại lộ Đông Tây ấy, đường Võ Văn Kiệt ngày đêm nhộn nhịp những dòng người và xe, biểu trưng cho một thời kỳ mới năng động và phát triển của thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu. 6 năm qua, dẫu thời gian trôi nhanh như “bóng câu qua cửa” nhưng TPHCM đã làm rất nhiều, rất nhiều việc để có được ngày hôm nay, ngày thông xe hầm Thủ Thiêm và đưa  toàn bộ công trình đại lộ Đông Tây đi vào hoạt động.

HOÀNG YẾN

Tin cùng chuyên mục