Bước chuyển mới của kinh tế Việt Nam

Nông dân miền Tây và các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vừa đón nhận tin vui: Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết hủy bỏ Chương trình giám sát cá da trơn với tỷ lệ phiếu thuận áp đảo 55:43. Tất nhiên, từ nay đến khi quyết định được phê chuẩn và có hiệu lực, còn phải thông qua Hạ viện và một số thủ tục khác. Dù vậy tờ Wall Street Journal ngày 24-5 đã đưa vấn đề này lên trang nhất với tiêu đề “Kết thúc cuộc chiến cá da trơn”. Bài báo khẳng định việc bãi bỏ chương trình này sẽ giúp tăng cường lòng tin đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ về thương mại tại châu Á. Đây là tin vui được mong chờ nhất sau chuyến thăm thành công của Tổng thống Obama đến Việt Nam.

Quan hệ Việt - Mỹ sau 21 năm bình thường hóa đã bước lên một tầm cao mới, từ BTA (Hiệp định Thương mại Việt Mỹ) đến WTO (Tổ chức Thương mại thế giới) và TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương). Trong hành trình 3 ngày tại Việt Nam, người đứng đầu nước Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của TPP và những lợi ích mang lại cho kinh tế hai quốc gia, cho khu vực và thế giới. Đặc biệt, TPP sẽ mang lại một sân chơi bình đẳng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều việc làm hơn cho người dân. Vì vậy, nếu cuộc chiến cá da trơn nhanh chóng kết thúc, nước Mỹ sẽ để lại hình ảnh hoàn hảo hơn trong cộng đồng người dân Việt.

Dù rất nồng nhiệt chào đón Tổng thống Obama, nhưng vẫn còn không ít băn khoăn trong sân chơi thương mại với Mỹ. Theo Tổng cục Hải quan, từ năm 2010 đến nay, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam. Năm 2015, Việt Nam đã xuất khẩu vào Mỹ 33,48 tỷ USD và nhập khẩu từ Mỹ 7,8 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu dệt may chiếm gần 11 tỷ USD, giày dép 4 tỷ USD, hàng thủy sản 6,7 tỷ… Báo chí Mỹ gần đây trích dẫn số liệu cho thấy, mỗi năm có khoảng 10 triệu đôi giày “Made in Vietnam” có mặt trên khắp hệ thống bán lẻ Mỹ (chiếm khoảng 13% thị phần giày nhập khẩu của Mỹ), tất nhiên dưới các thương hiệu Nike, adidas, Converse… Hiệp hội Điều Việt Nam cũng công bố 5 tháng đầu năm 2016, Mỹ đã vượt Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu hạt điều hàng đầu của Việt Nam. Song đây cũng là thị trường đáng ngại của doanh nghiệp Việt bởi hàng rào kỹ thuật bảo hộ rất tinh vi và khó lường trước, mà điển hình là cuộc chiến cá da trơn nhiều năm qua.

TPP và chuyến thăm của Tổng thống Obama sẽ đưa quan hệ Việt-Mỹ sang một trang mới. Đó là kỳ vọng bước nhảy vọt mới cho tăng trưởng nền kinh tế trong bối cảnh nợ công gia tăng, giá dầu giảm mạnh, kinh tế thế giới vẫn trì trệ. Thống kê cho thấy từ con số 451 triệu USD năm 1995, tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa hai nền kinh tế dự báo sẽ tăng gần 100 lần, lên khoảng 45,1 tỷ USD năm 2016 (năm 2015 đạt 41,3 tỷ USD). Con số này sẽ còn tăng mạnh khi TPP có hiệu lực, hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, mức thuế 18% mà hàng dệt may Việt Nam phải chịu (mặt hàng chiếm đến 32% kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ), sẽ giảm xuống 0%, tăng trưởng xuất khẩu sẽ càng lớn hơn. Theo tính toán từ Phòng Thương mại Mỹ (Amcham), với lợi thế từ miễn giảm thuế quan, ước tính kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Mỹ sẽ lên đến 57 tỷ USD vào năm 2020! Viện Nghiên cứu Peterson tại Washington mới đây đã dự báo gia nhập TPP sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng GDP lên mức 8,1% vào năm 2030.

Nhìn từ nước Mỹ, chuyến thăm của Tổng thống Obama cũng đã mang về những hợp đồng thương mại trị giá hơn 16 tỷ USD trong lĩnh vực hàng không và năng lượng. Năm 2015, xuất khẩu từ Mỹ sang Việt Nam tăng trưởng 23%, cao nhất trong 50 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Mỹ. Lợi thế chia đều cho hai phía, trong khi hàng Việt vào Mỹ nghiêng về thế mạnh của một nước nông nghiệp và gia công (chúng ta xuất khẩu nhiều vào Mỹ nông thủy sản, hàng dệt may, da giày…), ngược lại dòng đầu tư từ Mỹ đổ vào Việt Nam nhắm vào lĩnh vực công nghệ cao, máy móc, thiết bị, năng lượng… Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội hợp tác này để có điều kiện nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ cao dễ dàng và chi phí tốt hơn (do miễn giảm thuế), thay thế máy móc, công nghệ cũ giá rẻ hiện nay gây ảnh hưởng tới môi trường và chất lượng hàng hóa thấp.  

TPP và chuyến thăm của Tổng thống Obama đang đưa Việt Nam lên vị thế mới, một bước chuyển mới đang diễn ra, các quỹ đầu tư đang tìm đến Việt Nam, dòng đầu tư nước ngoài sẽ chảy về nhiều hơn. Tại Mỹ, khảo sát của Amcham cho thấy, Việt Nam hiện là thị trường hấp dẫn nhà đầu tư Mỹ thứ hai trong Asean, sau Indonesia. Điều quan trọng hơn, khi vào được thị trường khó tính Mỹ, hàng Việt sẽ có được tấm giấy thông hành để vào các thị trường khác, mở ra nhiều cơ hội làm ăn cho cộng đồng doanh nhân Việt. Với thực lực hiện nay, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng trở thành công xưởng của thế giới, giá trị xuất khẩu sẽ cao hơn, việc làm sẽ nhiều hơn, thu nhập và cuộc sống người dân sẽ cải thiện mạnh mẽ hơn.

Song Đăng

Tin cùng chuyên mục