Đây là mức giảm sâu nhất của một quý kể từ khi Việt Nam bắt đầu tính GDP quý (năm 2000) đến nay. Tính chung, GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ KH-ĐT, sức chống chịu của nền kinh tế suy giảm mạnh và dự kiến sẽ có 4/12 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2021 không đạt mục tiêu đề ra. Đó là tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 3,5%-4% (mục tiêu là 6%); tốc độ tăng năng suất lao động xã hội ước đạt 3,7% (mục tiêu là 4,8%); tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ước đạt 28% (mục tiêu 45%-47%) và mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều ước đạt 0,5%-1% (mục tiêu 1%-1,5%).
Nhìn vào những số liệu trên có thể thấy, kinh tế vĩ mô đang suy yếu, trong khi đó, vẫn còn tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng; lưu thông hàng hóa có lúc, có nơi ách tắc cục bộ, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Khu vực dịch vụ gặp khó khăn nghiêm trọng, gần như tê liệt nhất là du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải hành khách… Hàng triệu người lao động thiếu, mất việc làm; đời sống tinh thần, tâm lý của người dân bị tác động mạnh, nhất là tại nơi thực hiện giãn cách xã hội.
Từ thực tiễn, Chính phủ và Thủ tướng đã thay đổi, đã có các giải pháp phù hợp hơn với phương châm “bình tĩnh sống để chống dịch lâu dài”. Đó là bước ngoặt tất yếu phải diễn ra. Một động thái quan trọng có thể kể đến là chiến lược ngoại giao vaccine Covid-19 được tiến hành rộng khắp và hiệu quả, góp phần đưa hơn 40 triệu liều vaccine về Việt Nam, tạo điều kiện để chuyển hướng từ “Zero F0” sang sống an toàn, thích ứng với dịch.
Khó khăn và tổn hại mà dịch gây ra vẫn còn tiếp tục và khó khắc phục trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, cũng có những yếu tố tích cực tạo đà cho phục hồi và tăng trưởng. Độ phủ vaccine đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở các khu đô thị lớn, trung tâm kinh tế; dịch đang dần được kiểm soát; lạm phát tăng thấp dưới 4%; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được giữ vững; mặt bằng lãi suất bình quân giảm… Các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được đưa ra kịp thời và có hiệu lực hơn trước, thể hiện qua kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - ngành có tỷ trọng đóng góp cao nhất vào GDP, có đến 73,7% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá quý 4 sẽ ổn định và tốt hơn.
Chính vì thế, có cơ sở để tin rằng quý 4 và cả năm 2021 tình hình sẽ khả quan hơn. Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam lần lượt là 4,8% và 3,8%. Mặc dù vậy, theo tôi, chúng ta phải chấp nhận tăng trưởng kinh tế có thể chỉ đạt mức 2%-3%.
Lưu ý là những dự báo trên của các tổ chức đều giả định dịch Covid-19 được kiểm soát trong quý 3 và các biện pháp cách ly dần được nới lỏng trong quý 4, sớm chuyển mọi hoạt động của đời sống xã hội trở lại bình thường mới. Muốn vậy, cùng với đẩy nhanh hơn độ phủ vaccine, cần xây dựng khung khổ, tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro của dịch bệnh để phân vùng theo nguy cơ: thấp, trung bình, cao; xây dựng quy định tiêu chuẩn về an toàn đối với sản xuất, kinh doanh và giao tiếp xã hội trong từng vùng và đối với di chuyển giữa các vùng; tiêu chuẩn an toàn trong mở cửa vận tải hành khách quốc tế và các chỉ tiêu về an toàn phòng dịch, được giám sát bởi công nghệ thông tin và công cụ thích hợp.
Chính phủ cần chọn một và chỉ một nền tảng khai báo sức khỏe, tích hợp cả dữ liệu về tình trạng tiêm vaccine của từng người dân và giám sát thực thi. Nguyên tắc xuyên suốt là không đặt thêm quy định xin - cho, không tạo thêm thủ tục hành chính. Các tiêu chuẩn về an toàn phòng dịch phải cụ thể và dễ tuân thủ. Chi phí tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn phòng dịch được chia sẻ giữa Nhà nước, tổ chức và cá nhân trên nguyên tắc sử dụng hiệu quả cao nhất các nguồn lực.