Con trai Thiều thích thú ngửa cổ tìm kiếm những tiếng chim. Vẫn hàng cây xà cừ, vẫn ghế đá cũ mốc và tiếng người lao xao vọng lại. Thiều chọn một chỗ ngồi nhìn ra hồ. Mặt nước lặng thinh, chú chim bói cá đậu trên một cành rong đăm đăm soi xuống mặt hồ. Nó có thể đã đậu ở đó từ ngày này qua ngày khác, bởi trong thành phố này đâu có mấy ao hồ sông nước. Cái mỏ nhọn của nó trở thành nỗi khiếp đảm của những chú đòng đong cân cấn. Nhìn sự sinh tồn khắc nghiệt ấy Thiều không biết nên thương cho con mồi hay kẻ săn mồi. Đưa mắt dõi theo đứa con trai đang chạy chơi dưới cỏ, Thiều thấy bóng dáng mình của hơn hai mươi năm về trước.
Thằng nhỏ tên Thiều, mặc một chiếc áo màu xanh, được ba chở trên chiếc Honda cũ đến công viên chơi. Đấy là lần đầu tiên Thiều đi công viên. Bởi trước đó, cả gia đình sinh sống dưới quê đâu biết thế nào là công viên thành phố. Thiều đòi ba mua cho một ly sinh tố cầu vồng, màu sắc đẹp mê, mát lạnh. Ba moi trong túi áo ngực những tờ tiền nhăn nhúm sau một ngày chạy xe ôm trên khắp các nẻo đường để mua cho Thiều thứ quà xa xỉ. Thiều ngồi dưới thảm cỏ, lặng lẽ ngắm nhìn những chuyển động xung quanh. Hàng kem mút bán dạo kêu bim bíp. Những chùm bóng bay hình con vật ngộ nghĩnh được người ta cầm trên tay đi qua đi lại. Cậu bé đánh giày cúi mặt chỉ nhìn xuống chân người khác, miệng huýt sáo vang. Bà bán vé số dắt theo đàn cháu nhem nhuốc, lúc đi qua chỗ cha con Thiều, có ánh mắt trong veo nán lại. Thiều mải đi theo ánh mắt của cô bạn nhỏ mà không để ý đến tiếng gọi của ba. Nắng đã tàn, thành phố hối hả ngược xuôi cuối ngày ầm ĩ tiếng còi xe buốt óc. Cô bạn nhỏ có đôi mắt biết cười hệt như bé Sim ở dưới quê. Hôm cả gia đình Thiều dọn đồ lên phố mưu sinh, Sim cứ đứng bên cúc tần thút thít. Thiều có hứa sẽ về thăm cô bạn láng giềng…
Một cánh tay níu Thiều lại nhưng Thiều vội giằng ra chạy theo đôi mắt nhỏ. Nghe đâu đó bên tai tiếng ba nói: “Muộn rồi về thôi con. Còn phải qua đón mẹ, đi chợ nấu cơm chiều”. Nhưng Thiều vẫn vùng vằng giằng ra. Bỗng đâu có tiếng thét: “Anh kia làm gì vậy? Bỏ thằng bé ra ngay. Bớ người ta bắt cóc trẻ con”. “Bắt cóc trẻ con làng nước ơi”. “Bắt cóc! Bắt cóc”. “Đập chết thằng đó đi”. “Đập chết”. Tai Thiều ù đi. Tiếng chân người rầm rập. Đám đông xa lạ ở đâu hùng hổ lao vào ba. Kìm kẹp, đá đấm, chửi bới. Tiếng của ba gãy vụn, bẹp dí giữa những lời cục cằn đe dọa. “Đó là con trai tôi”. Nhưng không ai muốn nghe. Lúc ấy Thiều đứng chôn chân ở đó. Không kịp cất lên một lời nào khi lưỡi dao của người dưng đâm trúng vào tim bố. Máu chảy loang lổ dưới thảm cỏ non. Hình ảnh ấy mãi mãi là cơn ác mộng của đời Thiều, không thể nào quên được. Ánh nhìn cuối cùng trước khi gục xuống bãi cỏ, ba vẫn hướng về cậu con trai bé nhỏ trên tay còn cầm túi sinh tố cầu vồng còn chưa ăn hết.
Bà già bán vé số chắc không còn sống nữa. Người đàn ông say xỉn đâm nhát dao chí tử vào tim ba Thiều có thể cũng đã mãn hạn tù. Người ta thôi không còn nhắc câu chuyện đau lòng năm xưa ấy. Chỉ có Thiều giữ nỗi đau ấy trong lòng, nhọc nhằn đi qua những tháng ấu thơ đầy dằn vặt. Có những ngày Thiều nghĩ, nếu buổi chiều hôm ấy anh không đòi ba đèo đi công viên chơi thì bây giờ sẽ có người ngồi bên cạnh uống trà, chơi cờ tướng. Nếu buổi chiều hôm đó Thiều đừng mải mê chạy theo một đôi mắt biết cười thì bây giờ vẫn được gọi “ba ơi” sớm tối. Nếu như hôm ấy, Thiều đủ dũng cảm lao vào đám đông máu lạnh để ôm lấy ba mình thì biết đâu đã không có nhát dao nào lia tới.
Vì hôm ấy không cất lên nổi một lời kêu cứu nên suốt những năm tháng về sau, Thiều sống trong im lặng, không can dự vào chuyện của đám đông, hoài nghi và xa lánh chính đồng loại của mình. Thiều sợ họ làm mình sát thương. Hoặc biết đâu trong một cơn đau cũ, Thiều sẽ sát thương người khác. Thiều không có thói quen dẫn con đến chỗ đông người. Thiều sợ những nhát dao vô hình găm sẵn trong thiên hạ. Có lúc lơ ngơ tìm nhà người bạn trong ngõ nhỏ, Thiều cũng sợ người ta nghi mình trộm cắp. Lúc định dừng lại trước một cái vẫy tay giữa đoạn đường thưa vắng mà sợ trăm ngàn cái bẫy giăng sẵn chờ mình. Định giúp một ai đó bị tai nạn giữa đường mà sợ lát nữa người nhà nạn nhân lao vào mình đòi đánh. Những e dè, hoài nghi ấy nuôi Thiều lớn mỗi ngày. Giờ Thiều đã làm cha một đứa trẻ trong veo. Mỗi câu hỏi của con đều như hòn sỏi ném vào lòng hồ gợn sóng. Thiều loay hoay không biết phải dạy con thế nào về cuộc sống.
- Lúc nhỏ ba từng được ông nội chở đến đây chơi.
- Mọi thứ chẳng có gì đổi khác phải không ba? Cỏ công viên vẫn xanh. Hoa công viên vẫn thắm. Nắng vẫn vàng rờ rỡ trên những tán cây xà cừ ba nhỉ.
- Đúng vậy con trai à. Cỏ vẫn xanh và cây vẫn xanh…