Một năm hơn 1.000 vụ vi phạm bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) được phát hiện, nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã lên tới 4.500 tấn/năm, nhưng chỉ 1/5 số vụ buôn bán ĐVHD bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý... Đây là những vấn đề đặt ra trong cuộc hội thảo “Buôn bán động vật hoang dã xuyên biên giới: Những lỗ hổng pháp luật và truyền thông” được Trung tâm Con người và thiên nhiên phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức ngày 18-3 tại Móng Cái, Quảng Ninh.
Hươu, nai, lợn rừng... vẫn lên bàn nhậu
TS Scott Roberton, Giám đốc Hiệp hội Bảo tồn ĐVHD (WCS), lo ngại, hiện nay săn bắn ĐVHD đang diễn ra tại nhiều quốc gia, nhất là các nước đang phát triển, chủ yếu để phục vụ nhu cầu ẩm thực và xuất lậu, dẫn tới hệ sinh thái đang bị phá hủy nghiêm trọng. Tại Việt Nam, việc săn bắn và buôn bán ĐVHD đang trong tình trạng báo động. Điều tra của WCS tại 200 nhà hàng ở khu vực miền Trung cho thấy, các nhà hàng nơi đây tiêu thụ tới 2 triệu ký thịt ĐVHD/năm. Trong đó, hươu nai, lợn rừng được “đánh chén” nhiều nhất, chiếm tới 70% số thịt ĐVHD được tiêu thụ, tiếp đó là rùa rắn, cầy chồn và nhím. Theo ước tính, mỗi năm tại hơn 2.700 nhà hàng trong cả nước có tới 15.100 tấn thịt ĐVHD được tiêu thụ.
Nếu như năm 1997, cả nước chỉ có 480 vụ buôn bán ĐVHD nhưng tới năm 2006 tăng tới 1.225 vụ và năm 2007 giảm còn hơn 300 vụ. Còn theo Cục Kiểm lâm, năm 2009, số vụ vi phạm bảo vệ ĐVHD được phát hiện là 1.042 vụ giảm hơn 400 vụ so với năm 2008.
Trước thực trạng này, dưới góc độ khoa học, TS Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Con người và thiên nhiên nhận định, việc giảm mạnh số vụ vi phạm về bảo vệ ĐVHD là do việc thực thi pháp luật được chặt chẽ hơn. Nhưng thực tế, đây là vấn đề đáng lo ngại vì tình trạng giết mổ, săn bắn, sử dụng ĐVHD ngày càng tràn lan, dẫn tới cạn kiệt, thậm chí là tuyệt chủng với nhiều loại. Hơn nữa, thực tế số vụ buôn bán ĐVHD bị cơ quan chức phát hiện và bắt giữ cũng chỉ chiếm khoảng 20% so với thực tế và cơ quan báo chí cũng chỉ phản ảnh được khoảng 10% số vụ vi phạm.
Những “điểm nóng”
Không chỉ săn bắn và giết mổ ĐVHD một cách tràn lan trong nội địa mà Việt Nam cũng đang nổi lên như một mắt xích quan trọng trong mạng lưới buôn bán ĐVHD trên toàn cầu. TS Scott Roberton cho rằng, thực tế này được thể hiện qua các vụ xuất lậu, buôn lậu ĐVHD xuyên quốc gia được phát hiện ở Việt Nam năm qua. Theo đó, trong giai đoạn 2004-2006, có 6 vạn cá thể rùa được xuất khẩu sang Trung Quốc, năm 2008 là vụ hơn 20 tấn tê tê và vảy tê tê bị bắt giữ ở Việt Nam đang trên đường vận chuyển từ Indonesia sang Trung Quốc và năm 2009 là vụ phát hiện hơn 6 tấn ngà voi có nguồn gốc châu Phi tại cảng Hải Phòng.
Tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), một trong những điểm nóng về tình trạng buôn lậu ĐVHD, thượng tá Nguyễn Văn Dương, Phó phòng Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Quảng Ninh cho rằng, buôn lậu ĐVHD qua biên giới ở đây đang rất nóng bỏng. Trong 2 năm qua, các lực lượng chức năng nơi đây bắt giữ 57 vụ buôn bán ĐVHD, với hơn 7.612 cá thể như khỉ, gấu ngựa, báo lửa, tay gấu, ngà voi. Tuy nhiên đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Trước thực trạng trên, đại diện nhiều cơ quan chức năng đều cho rằng cần đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống buôn bán, săn bắt ĐVHD, đặc biệt nên đưa chương trình giáo dục về ĐVHD vào trong các trường học, nhất là vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, ông Tom Osbon - đại diện Cơ quan quản lý buôn bán ĐVHD tại Việt Nam nhấn mạnh, để ngăn chặn được tình trạng buôn bán ĐVHD, Việt Nam cần khẩn trương xây dựng các văn bản pháp luật về hợp tác liên ngành trong phòng ngừa, phát hiện và trấn áp các vi phạm về rừng, thành lập lực lượng đặc nhiệm liên ngành tại các địa phương là điểm nóng về tội phạm môi trường.
KHÁNH NGUYỄN