Buôn Bir anh hùng đổi thay

Buôn Bir (ở xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) là buôn anh hùng nằm trong khu căn cứ địa cách mạng Cư Jú - DLiê Ya, nơi đóng cơ quan đầu não của Tỉnh ủy Đắk Lắk cũ. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, người dân buôn Bir một lòng theo Đảng, nuôi giấu cán bộ và lập nhiều chiến công trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng tỉnh nhà. Sau 39 năm giải phóng, buôn Bir vươn lên mạnh mẽ, khoác trên mình “bộ áo” sung túc, đầy đủ hơn.
Buôn Bir anh hùng đổi thay

Buôn Bir (ở xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) là buôn anh hùng nằm trong khu căn cứ địa cách mạng Cư Jú - DLiê Ya, nơi đóng cơ quan đầu não của Tỉnh ủy Đắk Lắk cũ. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, người dân buôn Bir một lòng theo Đảng, nuôi giấu cán bộ và lập nhiều chiến công trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng tỉnh nhà. Sau 39 năm giải phóng, buôn Bir vươn lên mạnh mẽ, khoác trên mình “bộ áo” sung túc, đầy đủ hơn.

Buôn Bir thuở ấy

Buôn Bir nằm cách trung tâm xã Ea Hiao 2km, bao quanh là nhiều khu đồi cao chót vót. Trên con đường nhựa phẳng lì dẫn vào buôn, nhà cao tầng mọc xen lẫn giữa những căn nhà dài truyền thống và từng đoàn xe công nông chở cà phê vừa thu hoạch chạy bon bon về nhà. Cạnh nhà cộng đồng buôn Bir, tiếng học sinh Trường Tiểu học Lê Lai đồng thanh đánh vần vang rền.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Ea Hiao Ksor Duyên, người dẫn chúng tôi đi thăm buôn, chỉ tay về phía khu rừng Cư Jú - DLiê Ya, kể: “Người dân buôn Bir trước đây sống trong khu rừng đấy. Sau giải phóng, để ổn định cuộc sống cho bà con, buôn Bir được quy hoạch về đây, hợp nhất với buôn Krái (xã Ea Sol cũ, huyện Ea H’leo) thành buôn Bir bây giờ”.

Hầu hết trẻ em ở buôn Bir đều được đến trường mầm non. Ảnh: THANH TÂM

Để giúp chúng tôi hiểu về buôn Bir ngày ấy, Ksor Duyên dẫn khách đi gặp các nhân chứng từng sống trong khu căn cứ cách mạng cũ. Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ea Hiao Ksor Y Phin (75 tuổi) gầy gò, đôi mắt bỗng rực sáng khi chúng tôi nhắc đến lịch sử của buôn Bir. Già Ksor Y Phin kể, lúc sống trong khu căn cứ, mấy chục hộ dân trong buôn sống rải rác, hàng ngày lên rẫy làm lúa mưu sinh. Cuộc sống diễn ra trong rừng thiêng nước độc nên điều kiện vật chất vô cùng thiếu thốn. Sau giải phóng, già cùng người dân dời nhà từ khu cách mạng ra định cư ở xã Ea Hiao.

Thời điểm đầu, vùng đất này rất hoang sơ, hẻo lánh, kinh tế khó khăn. Người dân chủ yếu trồng bắp, mì, vào suối bắt tôm, bắt cá… để sinh sống. “Một điểm bất lợi nữa là đường sá toàn đất đỏ, lầy lội, nhiều đoạn dốc lên khúc khuỷu nên việc đi lại rất khổ sở. Người dân không có xe nên đi đâu cũng phải… “cuốc bộ”. Không có phương tiện giải trí, cứ vào lúc con gà lên chuồng, người dân cũng đi ngủ theo”, già Ksor Y Phin bùi ngùi nhớ lại.

Nhắc đến buôn Bir non 10 năm trở về trước, ông Ksor Blok (47 tuổi), trưởng buôn Bir, xuýt xoa: “Thời đó cơ cực lắm, chúng tôi làm miết cũng không đủ ăn. Trong khi đó, điều kiện sống thiếu thốn trăm bề”. Tuổi thơ Blok gắn liền với đói và rét. Năm lên 9 tuổi, cha mẹ dẫn Blok rời khu căn cứ về Ea Hiao sống, tài sản mang theo là mấy chiếc soong nồi, dao rựa và một ít khoai, mì, măng rừng ướp muối. Blok theo cha mẹ đi đốn gỗ, tre nứa về dựng thêm lán ở. Bố mẹ Blok cầm dao rựa đi phát rẫy kiếm đất trồng lúa, mì.

Thời kỳ đầu chưa thu hoạch, cuộc sống thiếu ăn nên gia đình phải vào rừng đào khoai ăn dặm, nhiều lúc đói phải uống nước cho qua bữa. Khổ nhất vẫn là những đêm ngủ trong lán. Do đặc thù núi cao nên lúc màn đêm vừa buông xuống là sương gió lùa qua khe hở, lạnh thấu xương. Cả gia đình Blok chỉ biết đốt củi giữa lán để chống rét. Blok dần khôn lớn, lấy vợ rồi sinh một mạch 3 đứa con. Bố mẹ chia đất cho Blok làm ăn.

Thấy người trong buôn trồng cà phê có hiệu quả, Blok cũng tập tành mua giống về trồng, đời sống thay đổi từ đó. “Mình vẫn hay kể cho con cái nghe về quãng thời gian này. Kể để bọn trẻ biết lịch sử của vùng đất, để chúng biết quý trọng cái sẵn có, biết tri ân những những người đi trước đã có công gầy dựng, phát triển buôn”, Blok tâm sự.

“Đại gia” ở buôn

Sau 39 năm, buôn Bir giờ đã “lột xác” hoàn toàn. “Ngày xưa, người dân trong buôn chỉ biết trồng mì, bắp, lúa… Bây giờ trong buôn, người ta còn trồng những cây công nghiệp có giá trị cao như cà phê (hơn 60ha), hồ tiêu... Trước năm 2012, buôn chỉ có vài con đường bê-tông nhưng nay đã nhựa hóa 100%. Lúc trước con em muốn đến lớp phải vượt hàng chục cây số, nay ở buôn có hẳn 1 trường tiểu học, 1 trường mầm non với hơn 150 em học sinh theo học. Số lượng học sinh tăng liên tục nên xã phải sử dụng nhà văn hóa cộng đồng phục vụ cho việc giảng dạy. Chuyện con em trong buôn thi đậu đại học, cao đẳng bây giờ không đếm xuể”, ông Ksor Duyên cho hay.

Già Ksor Y Phin vui mừng góp chuyện: “Trước đây, người dân của buôn còn đói kém, nay lúa gạo chứa đầy nhà. Nhiều con em được đi học, thậm chí có người học cao. Sau này chúng mang tri thức về áp dụng để phát triển kinh tế, văn hóa thì buôn Bir còn sung túc hơn nữa”.

Theo Trưởng buôn Bir Ksor Blok, những năm qua, số hộ nghèo trong buôn liên tục giảm. Nếu như cuối năm 2013, toàn buôn có 53 hộ nghèo, nay chỉ còn 38 hộ.

“Số hộ nghèo trong buôn giảm có nhiều nguyên nhân. Ngoài việc các cấp chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện, sự cố gắng của các hộ dân cũng là yếu tố tạo nên sự thành công. Nhiều buổi họp dân, ngoài việc động viên, chúng tôi còn mời những hộ làm kinh tế giỏi của buôn cùng chia sẻ cách làm kinh tế bền vững, tư vấn nuôi con gì, trồng cây gì cho năng suất cao. Từ những câu chuyện thực tế đó, nhiều hộ dân thấy hợp lý nên áp dụng vào hoàn cảnh của mình, thu nhập vì thế tăng lên, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Chỉ tính riêng trong năm 2013, buôn có 6 hộ thoát nghèo”, ông Ksor Blok cho biết.

Trong số những hộ dân vừa thoát nghèo có hộ của ông Nay Plak (42 tuổi). Dù vợ chồng Nay Plak sở hữu hơn 1,5ha đất nhưng thu nhập vẫn không đủ nuôi 8 miệng ăn. Bởi gia đình này chỉ biết chăm chăm trồng các cây truyền thống như mì, bắp nên thu nhập không cao. Sau khi được buôn tư vấn, ông Nay Plak vay mượn tiền để chuyển một phần diện tích đất trên sang trồng cây cà phê, số còn lại vẫn trồng mì. Kết quả cà phê liên tục được mùa, gia đình anh trúng đậm, đời sống khá lên, con cái có điều kiện được đến trường trở lại.

Người dân buôn Bir giàu lên nhờ trồng cà phê. Ảnh: THANH TÂM

Trong lúc đi thăm buôn, chúng tôi bắt gặp chiếc ô tô màu trắng chạy vào buôn. Tưởng có đại gia nào về thăm buôn, chúng tôi hỏi thì ông Ksor Duyên vội thanh minh: “Đại gia ở buôn mình đấy. Ông tên là Phan Long Phước, làm kinh tế giỏi lắm”.

 Khi chúng tôi gặp, hỏi về cách làm giàu, ông Phước xua tay: “Nhà tôi mới lên đời non chục năm nay. Lúc mới vào, cơm chẳng có mà ăn nữa”. Lúc nhập khẩu vào buôn, ông Phước xin làm kế toán của trường học tiểu học trong xã, nhưng lương “ba cọc ba đồng” không đủ sống. Trong khi nhiều hộ chỉ chăm chăm trồng mì, vợ chồng ông vay mượn tiền để trồng cà phê. Kết quả cà phê được mùa, gia đình hốt bạc. Có vốn, vợ ông làm thêm nghề kinh doanh nông sản, tiền cứ thế chảy vào như nước. Hiện nay, mỗi năm ông Phước thu nhập hơn 150 triệu đồng. “Mách nhỏ cho anh nghe nè, buôn này có nhiều người giàu hơn tôi nữa đấy! Tuy họ không mua ô tô, xây nhà to nhưng cầm tiền tỷ trong tay đấy. Họ giàu lên nhờ biết trồng cà phê, tiêu...”, ông Phước cho biết.

Vẫn “khát” đất sản xuất

Hiện nay buôn Bir đã có nhiều người giàu nhưng cũng vẫn còn nhiều người nghèo vì thiếu đất sản xuất. Dù đã chuyển ra định cư ở xã Ea Hiao, nhưng nhiều người vẫn lặn lội quay lại khu căn cứ Cư Jú - DLiê Ya để trồng lúa. Trong đó có gia đình anh Nay Dát (48 tuổi).

“Nhà nghèo, con đông (7 đứa con), lại thiếu đất sản xuất nên vợ chồng tôi phải vào lại nhà cũ để trồng lúa. Từ nhà tôi vào đó xa khoảng 30km, đi bộ mất hơn ngày trời. Cứ đến mùa làm cỏ hoặc thu hoạch, vợ chồng tôi mang cơm gạo lên khu căn cứ ở lại làm rẫy. Tùy theo công việc nên có bữa ở lại 2 ngày, có thời điểm ở lại cả tuần. Mỗi năm trồng 2 vụ lúa, thu nhập khoảng 15 tạ/năm”, anh Nay Dát kể.

UBND xã Ea Hiao cũng cho biết, qua nắm tình hình, hiện buôn Bir có khoảng 6 hộ đang quay lại khu căn cứ cách mạng trồng lúa nước với tổng diện tích đang canh tác khoảng 4ha.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hiao Đặng Hùng Nhất, hiện buôn Bir có khoảng 75 hộ thiếu đất sản xuất, đa số rơi vào các hộ nghèo. Ngoài những hộ đang canh tác, hiện còn nhiều người muốn quay lại khu căn cứ cũ để trồng lúa nước nhưng đường vào đó rất khó. Muốn trồng lúa được thì phải làm đường để vận chuyển lúa ra và xây đập giữ nước. “Diện tích lúa có thể trồng trong khu căn cứ lên đến 100ha. Vừa rồi, UBND huyện có đi vào khảo sát nhưng chưa thấy nói gì”, ông Đặng Hùng Nhất cho hay.

THANH TÂM - VÕ PHÚC

Tin cùng chuyên mục