Buôn lậu đường ở biên giới Tây Nam - Ai chống lưng “Tỷ đường”?

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, mỗi ngày có khoảng 1.000 tấn đường nhập lậu vào Việt Nam, làm cho nhà nước thất thu ít nhất khoảng 700 tỷ đồng/năm. Trong số này, theo các lực lượng phòng chống buôn lậu của An Giang, “hệ thống” nhập đường lậu của “Tỷ đường” qua cửa ngõ biên giới Tây Nam chiếm khoảng 1/3.
Buôn lậu đường ở biên giới Tây Nam - Ai chống lưng “Tỷ đường”?

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, mỗi ngày có khoảng 1.000 tấn đường nhập lậu vào Việt Nam, làm cho nhà nước thất thu ít nhất khoảng 700 tỷ đồng/năm. Trong số này, theo các lực lượng phòng chống buôn lậu của An Giang, “hệ thống” nhập đường lậu của “Tỷ đường” qua cửa ngõ biên giới Tây Nam chiếm khoảng 1/3.

Hàng chục xe của “Tỷ đường” đang bị tạm giữ ở Trại tạm giam Công an TP Châu Đốc.

Hàng chục xe của “Tỷ đường” đang bị tạm giữ ở Trại tạm giam Công an TP Châu Đốc.

Bắt rồi cho qua!

Như Báo SGGP đã phản ánh, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh An Giang vừa tạm giữ ô tô tải 67L-1985 chở đường tinh luyện chưa rõ nguồn gốc. Trước đó, PC46 Công an tỉnh An Giang cũng tạm giữ 10 xe tải chở đường không rõ nguồn gốc.

Theo PC46, những xe tải chở đường trên là của ông Vi Ngươn Thạnh (biệt danh Tỷ đường), cư trú ở TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. Chiều 25-3, đại tá Lê Văn Tiền, Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang, cho biết: “Hiện Công an An Giang đang xác minh làm rõ số đường này, coi đường trong nước hay đường ngoại nhập lậu. Nếu nhập lậu sẽ khởi tố hình sự”.

Tuy nhiên, nhiều người thạo chuyện cho rằng số đường này có thể cũng sẽ “chìm xuồng” như những lần trước. Chỉ tính riêng năm 2013, Hải quan An Giang bắt giữ gần 400 tấn đường của “Tỷ đường” nhập vào Việt Nam, nhưng chỉ tịch thu khoảng 50 tấn, số còn lại phải trả ra vì sau đó “Tỷ đường” xuất trình được hóa đơn hợp lệ.

Gần đây nhất, giữa tháng 1-2014, Hải quan An Giang bắt giữ 12,5 tấn đường cát từ Campuchia nhập lậu vào Việt Nam. Lúc bắt giữ, số đường này không có giấy tờ gì chứng minh là đường hợp pháp nên bị lập biên bản, tạm giữ. Thế nhưng 2 ngày sau, có người đến trụ sở Cục Hải quan xuất trình hóa đơn, nói rằng đường này là của Công ty TNHH MTV Thiên Thiên Phước (do “Tỷ đường” làm chủ). Sau đó có người gọi điện đến, xưng là người của “Thanh tra Chính phủ” yêu cầu Hải quan thả đường của “Tỷ đường”.

Tuy nhiên, vụ việc đã được củng cố hồ sơ chuyển qua công an, tiếp tục làm rõ. “Nói là vậy, chứ lâu nay tay “Tỷ đường” này chưa bao giờ bị khởi tố, dù bị bắt tối ngày, nhưng lần nào rồi cũng qua”, một cán bộ của Cục Hải quan An Giang cho biết.

“Bất khả xâm phạm”?

Qua tìm hiểu của chúng tôi, “Tỷ đường” là chủ của 3 doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV Thiên Thiên Phước (trụ sở tại TP Châu Đốc do ông Thạnh đứng tên), Công ty TNHH Hoàng Minh (trụ sở tại cửa khẩu Long Bình, TP Châu Đốc, do con trai là Vi Hoàng Minh đứng tên) và Cơ sở kinh doanh đường cát Minh Long (trụ sở tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, do vợ ông Thạnh đứng tên).

“Tỷ đường” rất ma mãnh khi đối phó với các lực lượng chống buôn lậu. Mỗi khi bị bắt giữ đường nhập lậu, “Tỷ đường” hay dùng “chiêu”: Lấy hóa đơn của công ty này bán cho công ty kia để hợp thức hóa số đường nhập lậu.

Theo giới buôn đường lậu, lượng đường bị bắt của “Tỷ đường” chỉ là “phần nổi của tảng băng”. Bởi “Tỷ đường” có hệ thống nhà kho rất lớn (ở Việt Nam và cả bên Campuchia) và có “binh đoàn” xe tải chở đường lậu hơn 50 chiếc.

Theo một cán bộ trong lực lượng phòng chống buôn lậu ở An Giang: đoàn xe vận tải đường lậu của “Tỷ đường” toàn là hàng “ký gửi” của những người “có quyền có thế”. Cũng theo vị cán bộ này, ông từng được ông trùm đường lậu “gạ gẫm”, kêu mua 1 - 2 xe để tham gia vào đoàn xe vận chuyển của “Tỷ đường”. Tùy xe lớn nhỏ, mỗi tháng “Tỷ đường” sẽ chia lời 20 - 30 triệu đồng/xe. Thậm chí, chỉ đưa trước 50% giá trị xe, vẫn được chia tiền lời. Còn muốn ngưng không tham gia thì sẽ được trả lại tiền.

Một số người dân sống ở hai bên tuyến đường từ Long Bình về TP Châu Đốc, tỉnh An Giang cho biết trước đây, mỗi ngày có cả trăm lượt xe tải của “Tỷ đường” chở đường lậu từ biên giới về nội địa, nhưng chẳng thấy bị bắt bớ gì (mấy xe này đều có dán hình bầy ngựa màu đỏ và dòng chữ to “T91 Hoàng Long”, ám hiệu đoàn xe của “Tỷ đường”).

Mấy ngày gần đây, tuyến đường này được tạm yên vì có nhiều xe của “Tỷ đường” bị bắt, nhưng cái lạ là mấy chiếc xe bị bắt chỉ là xe tải nhỏ. Có phải là chiêu nhằm đánh lạc hướng của “Tỷ đường” khi biết thông tin Công an tỉnh An Giang sẽ đánh mạnh vào lĩnh vực đường lậu, nên cho một vài chiếc xe tải nhỏ “bị sa lưới”? Trong khi một nguồn tin mới nhất cho biết: “Tỷ đường” đang chuyển hướng vận chuyển đường lậu sang tuyến từ Tịnh Biên - Tri Tôn - Thoại Sơn về Long Xuyên (tỉnh An Giang).

KIẾN VĂN

- An Giang: Bắt giữ xe tải chở đường không rõ nguồn gốc

Tin cùng chuyên mục