Buôn lậu lộng hành mùa tết

Năm nào cũng vậy, trước tết, trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, hoạt động buôn lậu lại lộng hành, ồ ạt đưa hàng vào Việt Nam để tuồn ra thị trường tết. Mặc dù lực lượng chống buôn lậu ở các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý, nhưng vẫn luôn trong tình thế đối phó bị động, thậm chí… ngó lơ, nên hiệu quả không cao.
Buôn lậu lộng hành mùa tết

Năm nào cũng vậy, trước tết, trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, hoạt động buôn lậu lại lộng hành, ồ ạt đưa hàng vào Việt Nam để tuồn ra thị trường tết. Mặc dù lực lượng chống buôn lậu ở các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý, nhưng vẫn luôn trong tình thế đối phó bị động, thậm chí… ngó lơ, nên hiệu quả không cao.

  • Tấp nập như lễ hội

Qua mấy ngày đi dọc tuyến biên giới Tây Nam, từ Long An qua Đồng Tháp, đến An Giang, Kiên Giang, chỗ nào chúng tôi cũng thấy dân buôn lậu hoạt động nhộn nhịp như… đi hội. Mặt hàng đang được dân buôn lậu chuộng nhất là xăng dầu, rượu ngoại và thuốc lá.

Tại bến đò Ba Đức (thuộc xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, Long An), chỉ trong khoảng 30 phút đã có hơn một chục chiếc vỏ lãi (mỗi chiếc chở 12 đai hàng, mỗi đai 600 gói thuốc lá) cập bến. Trên bờ lúc nào cũng có hàng chục thanh niên đậu xe máy đã đôn dên, xoáy nòng chờ sẵn. Khi các ghe hàng vừa cập bờ, họ nhanh chóng bốc hàng rồi chở ngay về TPHCM giao cho đầu nậu tiêu thụ. Lực lượng chống buôn lậu của Long An cho rằng bến đổ hàng này là “điểm nóng buôn lậu”, nhưng người dân ở đây bảo rằng đây là “điểm nguội”, vì mọi hoạt động buôn lậu luôn công khai giữa ban ngày, ai cũng biết, không cần phải lén lút. Thậm chí đám thanh niên chở hàng lậu còn ngông nghênh kéo nhau ra khoảng sân trống gần bến đò để chạy biểu diễn, nẹt pô ầm ĩ…

Tại chân cầu Đức Huệ (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An), giữa trưa nắng vẫn có nhiều chiếc vỏ lãi bọc nhôm chở hàng lậu xé nước lao vun vút về hướng huyện Đức Hòa. Người dân ở đây cho biết: “Tụi buôn lậu cứ ung dung chở hàng lậu chạy nghênh ngang dưới sông, vì ít khi bị các lực lượng chức năng đuổi bắt”.

Rạch Mần Trầu ở cột mốc biên giới số 260 thuộc thị xã Châu Đốc tỉnh An Giang cũng tấp nập xuồng ghe buôn lậu nhập hàng từ Campuchia vào nội địa. Nhiều ghe có tải trọng từ 50 - 80 tấn chở khẳm hàng, đa số là đường cát và thuốc lá. Bọn buôn lậu chọn đây là tuyến đường thủy chính để chở hàng lậu từ Campuchia về An Giang qua Gò Tà Mâu (giáp xã Vĩnh Ngươn thuộc thị xã Châu Đốc). Tại khu vực này cũng có hàng chục kho chứa hàng lậu, phần nhiều là thuốc lá, đường cát Thái Lan. Nhiều người dân địa phương tham gia chuyển hàng lậu, xem đây như là việc bình thường để kiếm sống.

Tại khu vực cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (An Giang) và khu vực bến xuồng và đường chùa (cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, Kiên Giang), dân buôn lậu ào ạt tuồn xăng dầu qua biên giới Campuchia. Hiện nay, mỗi lít xăng dầu sau khi qua biên giới Campuchia có giá 26.000 - 27.000 đồng/lít, dân buôn lậu hưởng chênh lệch 5.000 - 6.000 đồng/lít.

Trong khi đó, các xã vùng biên giới của huyện An Phú và xã Vĩnh Ngươn, thị xã Châu Đốc (An Giang) đang diễn ra hoạt động nhập lậu đường cát Thái Lan chở từ Campuchia sang. Dọc theo tuyến sông Bình Di (xã Khánh An, huyện An Phú), thường xuyên có hàng chục chiếc ghe loại 40 - 80 tấn chở đường cát Thái Lan phủ bạt, đợi thời cơ đổ vào Việt Nam. Giá chênh lệch giữa đường cát Thái Lan với đường cát Việt Nam gần 2.000 đồng/kg, mỗi bao đường được vận chuyển sang biên giới thành công, chủ hàng hưởng lợi 80.000 - 100.000 đồng.

  • Bắt không xuể

Các địa phương cũng không khoanh tay ngồi nhìn. Tuần qua, Quản lý thị trường tỉnh An Giang đã bắt giữ tàu AG 09648 chở gần 40.000 lít dầu không có hóa đơn chứng từ hợp lệ trên sông Hậu, đoạn gần cảng Mỹ Thới (An Giang). Nhiều khả năng đây là lượng dầu nhập lậu vào Việt Nam qua các tàu hàng nước ngoài, đang cập cảng Mỹ Thới. Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Quản lý thị trường tỉnh An Giang cũng đã phát hiện, bắt giữ một vỏ lãi đang chở hơn 6.000 gói thuốc lá Jet và Hero nhập lậu từ hướng thị xã Châu Đốc về thành phố Long Xuyên.

Dân chẻ thuốc lậu từ Lộc Giang về TPHCM giao cho đầu nậu. Ảnh: HUY VINH

Dân chẻ thuốc lậu từ Lộc Giang về TPHCM giao cho đầu nậu. Ảnh: HUY VINH

2 tháng qua, lực lượng biên phòng An Giang cũng đã phát hiện gần 30 vụ chở hàng trái phép qua biên giới. Nghiêm trọng nhất là vụ chở 830 cây pháo sáng và 1.000 cối pháo nổ từ Campuchia sang cửa khẩu Khánh Bình… Tính chung cả năm 2011 các lực lượng chống buôn lậu ở An Giang đã phát hiện, xử lý 2.174 vụ chở hàng cấm, hàng lậu (tăng 23%, so với năm trước), tổng trị giá hàng hóa hơn 21 tỷ đồng. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu gần 14 tỷ đồng, chưa tính gần 850.000 gói thuốc lá ngoại nhập lậu bị bắt giữ, trị giá hơn 8 tỷ đồng…

Theo số liệu báo cáo của các tỉnh dọc tuyến biên giới Tây Nam, mỗi năm các tỉnh này bắt, tịch thu số hàng lậu trị giá hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên đấy chỉ là phần nhỏ của lượng hàng hóa nhập lậu vào Việt Nam qua tuyến biên giới này. Vì sao chưa chống buôn lậu có hiệu quả? Một số địa phương cho rằng do thiếu kinh phí hoạt động.

Ông Võ Thiện Ngộ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An, cho biết: “Hiện nay, chi phí cho hoạt động chống buôn lậu chưa được ngân sách đảm bảo. Toàn bộ chi phí chống buôn lậu thuốc lá ngoại đều phải quyết toán từ nguồn kinh phí do Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam hỗ trợ 1.000 đồng/gói thuốc lá. Thực tế phần hỗ trợ này không đủ đáp ứng kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu”. Cũng theo ông Ngộ, công tác chống buôn lậu hiện nay còn nhiều bất cập, như nhân sự ít, phương tiện trang thiết bị phục vụ công tác chống buôn lậu rất hạn chế, trong khi phương tiện của bọn buôn lậu hiện đại… nên ít nhiều gây khó khăn cho công tác chống buôn lậu của các ngành chức năng.

Hiện nay nhiều tỉnh thiếu tiền để chi cho công tác chống buôn lậu. Trong khi đó, để xử lý hàng lậu tịch thu được, hàng năm mỗi tỉnh đem đốt bỏ số thuốc lá nhập lậu trị giá hơn chục tỷ đồng, đây là một sự lãng phí lớn. Trong năm 2011 riêng tỉnh Long An đã tiêu hủy gần 1,2 triệu gói thuốc lá lậu tịch thu được (trị giá khoảng 12 tỷ đồng).

Để tránh sự lãng phí này, nhiều tỉnh đã kiến nghị với Chính phủ cho phép tái chế hoặc tái xuất thuốc lá nhập lậu để bổ sung kinh phí chống buôn lậu. Tái xuất thuốc lá nhập lậu không phải là việc dễ thực hiện vì còn ràng buộc bởi nhiều vấn đề về quản lý nguồn gốc và chất lượng hàng hóa và khó tìm được thị trường để tái xuất. Còn tái chế cũng cũng không dễ dàng vì đây là mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng.

ĐĂNG NGUYÊN - BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục