
Cuộc sống ảo ngày càng rộng mở, cộng đồng “cư dân mạng” ngày càng đông đúc. Trong thế giới đó, người ta online ngày đêm không chỉ để hành hiệp giang hồ, tán tỉnh, yêu đương... mà còn kinh doanh. Những “thương gia ảo”này lại… kiếm tiền thật.
- “Đầu cơ”

Một số người coi game online (G.O) là trò chơi đơn thuần, nhưng không ít lại biến nó thành nghề thực sự. Họ sưu tầm đồ ảo để bán lại với giá hời cho những người ít có thời gian chơi hoặc chơi kém. Mới đây, một tài khoản trong trò MU- Xứng danh anh hùng được rao bán với giá 50 triệu đồng. Anh H. (chủ nhân chiến binh PARADISE33 ở máy chủ Tình Yêu nổi tiếng) đã chi hàng chục triệu đồng nâng cấp bộ giáp phục ảo của mình.
Nhiều người sẵn sàng đặt cọc từ 5 đến 10 triệu đồng cho những món đồ cao cấp. Thậm chí một cao thủ từng ngồi đồng 18 giờ/ngày để săn đồ, có khi tiêu hơn 1 triệu đồng/tuần không kiếm được món gì nhưng tháng cao điểm có thể kiếm hơn 30 triệu đồng. Lãi nhiều là nhờ dùng uy tín của mình để “ôm hàng” (ví dụ như mua ngựa- một món đồ có trị giá lớn trong G.O) rồi kiếm “khách sộp” sang tay.
Trong khi đó, cư dân PTV- Giành lại miền đất hứa cũng ghi nhận, khi chiếc áo giáp level 80 đầu tiên xuất hiện, lập tức có người chi 300 triệu đồng vàng (gold- khoảng 6 triệu đồng) mua gọn. “Nền kinh tế” trong game PTV rất sôi động khi mỗi ngày có đến 10 tỷ gold giao dịch trên 4 cụm máy chủ. Với tỷ giá 1 triệu gold tiền ảo bằng 12.000- 15.000 đồng tiền tươi, ước tính trị giá giao dịch khoảng 4 tỷ đồng/tháng. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi nhiều “game thủ” kiếm được 20- 30 triệu đồng/tháng từ việc đi săn và bán đồ trong… miền đất hứa.
- Luật hóa để quản lý
Dù chưa có vụ kiện tụng nào nhưng thực tế đã xảy ra tình trạng một số người chơi bị “xù” tiền sau khi bán tài sản ảo. Nếu quá trình “tiền trao, cháo múc” không đồng thời diễn ra, không có sự kiểm soát thì người bán rất dễ bị lừa. Thực tế, ở Hàn Quốc và lãnh thổ Đài Loan, nếu ăn cắp tài sản ảo sẽ bị xử lý hình sự. Ở Việt Nam, trong khi chờ đợi cơ quan chức năng công nhận tài sản ảo, các game thủ vẫn mua bán bình thường.
Trên thực tế, việc trao đổi mua bán các tài sản ảo đã vượt ra khỏi giới hạn của trò chơi. Thiết nghĩ, cần sớm có những quy định pháp lý đối với tài sản ảo để xác định quyền, nghĩa vụ hay hạn chế tranh chấp giữa các bên- thậm chí có thể thu thuế từ các hoạt động này trong tương lai.
Trong khi chờ đợi các quy định pháp luật, Trung tâm Game Online (FPT Telecom) đã tuyên bố bảo vệ tài sản ảo của các game thủ, với tư cách nhà phát hành mu và PTV. Giám đốc trung tâm Phạm Thành Đức cho biết thêm: Các giao dịch mua, bán tài sản ảo bằng tiền trong game hoặc tiền thật được chúng tôi thừa nhận và bảo hộ. FPT Telecom đang gia tăng các biện pháp an toàn mạng lưới, cung cấp thêm công cụ để ngăn ngừa các phần mềm gián điệp. Chúng tôi sẽ sớm hoàn tất “Sàn giao dịch ảo” cho MU Việt Nam để các “thương gia” kinh doanh an toàn…
Công ty VASC (nhà cung cấp game Con đường đế vương) vừa thừa nhận quyền mua bán, trao đổi tài sản ảo. Trong khi đó, Vina Game- nhà cung cấp Võ lâm truyền kỳ có số game thủ hàng đầu Việt Nam hiện nay- vẫn chưa có ý kiến gì về vấn đề này, dù “trong giang hồ” vẫn râm ran về kỷ lục giao dịch 30 triệu đồng một bộ đồ Hoàng Kim trong Võ lâm truyền kỳ.
GIA BÌNH- PHƯƠNG VŨ