Buông lỏng quản lý bán hàng đa cấp

Ngày 6-4, Bộ Công thương có cuộc họp với Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) về hoạt động bán hàng đa cấp. Tại cuộc họp, bộ này lại né tránh bằng cách “cấm cửa” không cho báo chí tham dự.

Ngày 6-4, Bộ Công thương có cuộc họp với Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) về hoạt động bán hàng đa cấp. Tại cuộc họp, bộ này lại né tránh bằng cách “cấm cửa” không cho báo chí tham dự.

Hoạt động kinh doanh đa cấp vốn đang được dư luận hết sức quan tâm sau khi vụ việc Công ty Liên Kết Việt lừa đảo “đổ vỡ”. Sau đó, một loạt các cuộc thanh tra mới được Bộ Công thương cùng các cơ quan ngành dọc tăng cường. Nhưng, việc quản lý lỏng lẻo lĩnh vực này vẫn khiến dư luận chưa thể yên tâm.

Dư luận hẳn còn nhớ cách trả lời thoái thác, của vị Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) Bạch Văn Mừng cách đây không lâu khi được phóng viên hỏi về trách nhiệm khi vụ lừa đảo của Công ty Liên Kết Việt bị phanh phui. Cách ứng xử của vị có trách nhiệm quản lý nhà nước khiến bất cứ ai cũng cảm thấy bất bình. Đến 60.000 người bị lừa với số tiền dốc vào công ty đa cấp này tới 1.900 tỷ đồng nhưng quan chức của cơ quan quản lý chuyên ngành về vấn đề này hầu như chỉ đổ lỗi cho doanh nghiệp và địa phương, như thể mình không liên quan. Điều đó dường như cũng phản ánh thực tế có quá nhiều lỗ hổng trong quản lý việc bán hàng đa cấp hiện nay và sự bất lực của cơ quan quản lý trong việc để “ung nhọt” này biến tướng, gây tác hại cho xã hội trong thời gian dài.

Sự tàn phá của căn bệnh mang tên “đa cấp biến tướng”, mà điển hình từ Liên Kết Việt, đã khiến cơ quan chịu trách nhiệm chính là Bộ Công thương phải vào cuộc sau những bức xúc của dư luận. Bộ này đã phải thành lập đoàn thanh tra tại 7 doanh nghiệp đa cấp. Và, sự chú ý của dư luận lại tiếp tục khi mới đây, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, quý 1-2016, lực lượng này đã kiểm tra 7 doanh nghiệp và xử phạt 2, là Công ty TNHH My Fortuna và Công ty Lotus Việt Nam, tổng cộng 143 triệu đồng. Còn gần đây, Thanh tra Sở Công thương Hà Nội cũng đã lập biên bản phạt đến 420 triệu đồng với Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Trường Giang Việt Nam do có 9 hành vi vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp.

Điều ngạc nhiên là các mức phạt đối với công ty vi phạm về giá trị kinh tế nếu chiếu theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính không phải thấp (như Liên Kết Việt bị phạt 570 triệu đồng, Trường Giang là 420 triệu đồng...). Nhưng có vẻ như mức phạt này không nhằm nhò gì so với cái lợi mà họ thu được. Bằng chứng là dù bị phạt đến 570 triệu đồng vào tháng 7-2015, Liên Kết Việt vẫn tiếp tục hoạt động, biến tướng và đến khi bị phát giác lừa đảo, số tiền lừa của người dân ước tính lên tới 1.900 tỷ đồng. Câu hỏi là tại sao lỗi vi phạm nhiều, hành vi vi phạm nghiêm trọng mà Liên Kết Việt lại không bị công khai, không bị rút giấy phép?

Theo Nghị định 42 về quản lý bán hàng đa cấp, cơ quan quản lý có thể thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trong những trường hợp bị xử phạt về một số hành vi vi phạm như: yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định hay mua một số lượng hàng hóa nhất định để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp; cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, về tính chất, công dụng của hàng hóa, về hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp... Thật khó tin với những mức phạt hành chính đến hàng trăm triệu đồng mà Liên Kết Việt lại không bị rút giấy phép!

Theo các cam kết khi tham gia WTO, Việt Nam phải mở cửa dịch vụ bán lẻ (bao gồm cả hoạt động bán hàng đa cấp). Trên thực tế, bán hàng đa cấp là hình thức kinh doanh hiệu quả đã được nhiều nước trên thế giới công nhận khi tiết kiệm được thời gian trong việc đưa sản phẩm chất lượng từ nhà sản xuất tới tay người tiêu dùng một cách tốt nhất. Tuy nhiên, khi về Việt Nam, kinh doanh đa cấp đa phần bị biến tướng, tung mọi chiêu trò hòng thu lợi nhuận nhanh nhất, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo. Điều này cũng bộc lộ việc quản lý rõ ràng có vấn đề. Bởi dù quy định công ty kinh doanh đa cấp phải có nghĩa vụ thông báo đến Sở Công thương nơi tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo song thực tế lại không ai giám sát.

Siết chặt hoạt động bán hàng đa cấp để ngăn ngừa biến tướng là việc hết sức cần thiết, nhất là số doanh nghiệp trong lĩnh vực này hiện khoảng gần 70. Do đó, dư luận một lần nữa yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm, đặc biệt là Bộ Công thương cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định không phù hợp; siết chặt hơn, chế tài mạnh hơn với các hành vi vi phạm, đặc biệt là cần rút giấy phép, xử lý hình sự với những doanh nghiệp có những vi phạm nghiêm trọng, lừa đảo.

HÀ MY

Tin cùng chuyên mục