Bưu điện TPHCM - “Đêm chuyển mạng”

Đêm 28 rạng sáng 29-12-1991, Bưu điện TPHCM đã mở đầu cho sự phát triển công nghệ viễn thông Việt Nam sánh vai cùng công nghệ thế giới. Gắn với cột mốc đáng ghi nhớ ấy, người ta luôn nhắc tới TS Nguyễn Bá, người đã bỏ ra nhiều công sức cùng đồng nghiệp của mình có những bước đi tiên phong, đột phá tạo ra diện mạo mới cho ngành Bưu chính Viễn thông của TPHCM và của cả nước.

Đêm 28 rạng sáng 29-12-1991, Bưu điện TPHCM đã mở đầu cho sự phát triển công nghệ viễn thông Việt Nam sánh vai cùng công nghệ thế giới. Gắn với cột mốc đáng ghi nhớ ấy, người ta luôn nhắc tới TS Nguyễn Bá, người đã bỏ ra nhiều công sức cùng đồng nghiệp của mình có những bước đi tiên phong, đột phá tạo ra diện mạo mới cho ngành Bưu chính Viễn thông của TPHCM và của cả nước.

  • Tháo gỡ nút thắt

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bưu điện TPHCM tiếp quản hệ thống bưu điện với số lượng tổng đài có tổng dung lượng 30.000 số nhưng chỉ sử dụng được khoảng 8.000 số và hoạt động cầm chừng, chủ yếu phục vụ cho lãnh đạo các cấp ở TP. Có thể nói kỹ thuật công nghệ thông tin lúc đó rất lạc hậu do Pháp thiết lập từ năm 1936, công nghệ chậm hơn một số nước trong khu vực vài thập niên.

Yêu cầu cấp bách của ngành bưu điện thành phố là phục vụ thông tin kịp thời cho lãnh đạo các cấp, cho nhu cầu của người dân và giao dịch quốc tế. Nhưng công nghệ, thiết bị, ngoại tệ đâu ra trong điều kiện bao vây, cấm vận của Mỹ? Có tiền cũng chưa chắc mua được. Công ty nào bán thiết bị cho Việt Nam sẽ bị đòn “trừng phạt” của Mỹ.

Nguyễn Bá là tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam về lĩnh vực mạng lưới viễn thông, tốt nghiệp năm 1968 ở Trường Bưu điện Matxcơva và năm 1986 được bố trí giữ chức Giám đốc Bưu điện TPHCM.

Những nhiệm vụ nặng nề, cấp bách khó khăn đặt trên vai TS Nguyễn Bá và ban lãnh đạo Bưu điện TP là phải tìm cách lách cấm vận để giải quyết vấn đề phục hồi mạng cáp, trang bị lại mạng tổng đài, mở thêm dịch vụ mới, giải quyết đời sống cán bộ viên chức ngành bưu điện, tạo cho họ niềm tin vào lãnh đạo, lập lại trật tự, kỷ luật và đặc biệt là phục vụ tốt nhân dân thành phố, đem lại niềm tin ở họ vào bưu điện quốc gia.

  • Đột phá

Biện pháp mấu chốt mang tính đột phá là phải tìm cách vượt qua cấm vận để giải quyết công nghệ và thiết bị vật tư. Chiến dịch phát huy nội lực cứu lấy mạng cáp nội hạt mang tên công trình 784 (tháng 7-1984) được phát động. Sau 600 ngày đêm lao động ròng rã, hơn 100 cán bộ, công nhân đã phục hồi xong mạng cáp. Tiếp theo là chiến dịch 688 nâng cấp đường viễn thông liên tỉnh và tiến hành nghiên cứu tổng đài điện tử kỹ thuật số dung lượng nhỏ cho nông thôn.

Cùng một lúc với việc phục hồi mạng cáp, lãnh đạo Bưu điện TP tìm cách vượt qua cấm vận để trang bị thêm cáp mới và tổng đài điện tử số. Từ việc mua cáp đến tổng đài kỹ thuật số (200 số cho khách sạn Rex) và sau đó đến 2.000 số, TS Nguyễn Bá cùng một số cán bộ kinh tế kỹ thuật với sự giúp đỡ của Việt kiều Hồng Công (Trung Quốc) đã mua được cáp ở Nhật.

Một thương gia người Thái đã đưa đoàn cán bộ bưu điện TP đến nhiều nước như Nhật, Canada, Thái Lan, Anh Quốc… Đến đâu đoàn cũng được tiếp đón trọng thị nhưng tổng đài thì họ không bán. Cuối cùng đoàn đến Bangladesh mua được tổng đài 200 số sản xuất ở Canada. Sau đó đến Hàn Quốc, Công ty Lucky GoldStar cũng chỉ bán cho ta loại tổng đài 500 số chứ không dám bán tổng đài có dung lượng lớn hơn.

Với tinh thần sáng tạo, kỹ sư Võ Hòa Bình kết nối một số tổng đài 500 số lại thành tổng đài 2.000 số, trang bị cho thành phố. Sau đó tiếp tục mua cáp của Đài Loan (Trung Quốc), từ đó tranh thủ m1ua của Công ty Siemens (Đức) qua Đài Loan tổng đài 15.000 số. Pháp sợ mất thị trường nên cũng bán cho ta tổng đài 30.000 số nữa.

  • Thời khắc không quên

TS Nguyễn Bá nhớ lại: sau 3 tháng lắp đặt tổng đài, nối mạng chuyển đổi từ tổng đài cũ sang tổng đài mới, mọi người đều hồi hộp lo lắng chờ đợi phút lịch sử chuyển mạng. Ông Trần Thắng Công, hiện là Giám đốc Viễn thông TPHCM, khi đó xin ý kiến giám đốc: Mạng đã chuẩn bị xong, ta chuyển ngay hay chờ bước sang năm mới ngày 1-1-1992.

TS Nguyễn Bá nói: “Thành ủy và UBND thành phố cùng nhân dân và cán bộ nhân viên chúng ta đang bức thiết chờ đợi mạng điện thoại số ra đời. Không thể để lâu hơn được nữa. Ta không phải chờ sang năm mới”.

Thế là đúng 0 giờ ngày 29-12-1991, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Huấn cùng TS Nguyễn Bá phát lệnh chuyển mạng từ analogue sang digital. Ngay sau đó các cuộc gọi thử nghiệm từ TPHCM đi Hà Nội, đi các tỉnh diễn ra thông suốt, trong tiếng reo vang, siết tay nhau chúc mừng thắng lợi. Trong đêm chuyển mạng có sự giúp đỡ và chỉ đạo tích cực của ông Mai Liêm Trực, Tổng cục phó cùng một số cán bộ của Tổng cục Bưu điện VN.

Từ 2 tổng đài kỹ thuật số và 8 trạm vệ tinh, đến nay mạng điện thoại viễn thông TPHCM có 26 tổng đài, 170 trạm vệ tinh. Bằng tính năng động, sáng tạo, tự tin của người cán bộ bưu chính viễn thông dám nghỉ, dám làm TS Nguyễn Bá xứng đáng được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất, danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ chiến tranh trong những năm trước. 

TS NGUYỄN MỘNG HÙNG

Tin cùng chuyên mục