Làm việc về chống thất thu thuế, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng:
Sáng 13-2, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã làm việc với các sở, ngành, quận, huyện về nâng cao vai trò kiểm tra, giám sát của Đảng đối với công tác chống thất thu thuế và chống chuyển giá.
“Đề bài” của cuộc họp không phải là động viên ngành tài chính phấn đấu đạt số thu trong thời điểm khó khăn hiện nay mà là kêu gọi cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để kiểm tra, giám sát, chống thất thu thuế, xử lý nghiêm vi phạm, nhằm tạo cuộc chơi công bằng cho các doanh nghiệp.
Sáng 13-2, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã làm việc với các sở, ngành, quận, huyện về nâng cao vai trò kiểm tra, giám sát của Đảng đối với công tác chống thất thu thuế và chống chuyển giá. “Đề bài” của cuộc họp không phải là động viên ngành tài chính phấn đấu đạt số thu trong thời điểm khó khăn hiện nay mà là kêu gọi cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để kiểm tra, giám sát, chống thất thu thuế, xử lý nghiêm vi phạm, nhằm tạo cuộc chơi công bằng cho các doanh nghiệp.
Đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM phát biểu tại buổi làm việc
Thất thu thuế do chính sách hay con người?
Về việc thất thu thuế, ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, cho rằng có những chuyện ngoài tầm tay của ngành thuế, mà phải xây dựng chính sách mới thu được. Ví dụ như vấn đề chống chuyển giá, trong lúc có những vùng, quốc gia có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) 0%, trong khi thuế suất ở Việt Nam lên đến 20% thì chắc chắn các DN đa quốc gia chuyển lợi nhuận về vùng 0% để không phải nộp thuế. Do vậy, không ít nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam, chúng ta đành phải thỏa thuận giá, chẳng khác nào thuế khoán. Rồi các DN sang nhượng thương hiệu với nhau ở nước ngoài dưới hình thức hợp tác thì cơ quan thuế cũng không giám sát để thu thuế được. Nhiều DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, nhập các công nghệ lạc hậu vào Việt Nam, nhưng một mình ngành thuế không thể xử lý được việc này, mà cần sự chung tay của các ngành khác có liên quan. “Việc khai giá nhập khẩu, dù cao hay thấp đều có vấn đề, nếu nhập nguyên liệu, máy móc cho DN sử dụng mà khai cao thường là để nâng chi phí, nhằm giảm nộp thuế thu nhập DN; nếu khai thấp thì có nguy cơ trốn thuế nhập khẩu”, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Hải quan TPHCM phân tích. Do vậy, ông đề xuất giải pháp chống gian lận thương mại qua giá, phải có sự gắn kết giữa ngân hàng, hải quan, thuế, kế hoạch đầu tư, công thương… cùng giám sát từ đầu vào đến đầu ra hoạt động kinh doanh của DN.
Cục trưởng Cục Thuế TPHCM cảnh báo thêm, việc chuyển giá không chỉ đối với DN nước ngoài mà ngay DN trong nước cũng chuyển giá. Chẳng hạn, các khu công nghiệp ưu đãi miễn giảm thuế 3, 4 năm cho DN thì nhiều DN liên kết kinh doanh bên ngoài, nhưng chuyển lợi nhuận sang DN trong vùng ưu đãi để khỏi nộp thuế.
Về thuế giá trị gia tăng, phải gọi hóa đơn là “linh hồn” của thuế giá trị gia tăng nhưng cơ chế hiện nay ngành thuế không thể quản lý nổi hóa đơn. Nhiều DN rao bán hóa đơn công khai trên mạng, thậm chí tiếp thị bán hóa đơn vào điện thoại lãnh đạo ngành, nhưng không thể xử lý hết, vì cơ chế sử dụng tiền mặt. Luật quy định những giao dịch mua bán từ 20 triệu đồng trở lên mới buộc thanh toán qua ngân hàng, nên không thể giám sát hết các hoạt động mua bán. Ngành thuế đã từng đề xuất phương án đặt máy tính tiền cho những DN bán lẻ có nguy cơ thất thu thuế cao, nhưng không có cơ sở pháp lý để buộc DN phải dùng máy này.
Hầu hết người trong ngành tài chính đều cho rằng thiếu chính sách nên khó trong công tác thanh kiểm tra, chống thất thu thuế. Thế nhưng, khi Bí thư Đinh La Thăng đặt vấn đề về thuế khoán, tại sao số lượng hộ kinh doanh cá thể gấp chục lần lượng DN mà chỉ đóng góp 2% tổng số thu? Phải chăng cán bộ thuế móc nối hạ thấp nên “vui vẻ cả làng”? Vai trò của hội đồng tư vấn thuế ở phường xã ra sao, có phải chỉ giơ tay theo ý chí của một vài cán bộ chủ chốt? Rồi hiện nay, trên địa bàn TP có 250.000 hộ kinh doanh cá thể, nhưng chỉ đóng góp 2% tổng số thu. Việc quản lý thủ công hiện nay khiến bộ máy quá tải, một cán bộ thuế quản lý 500 hộ cá thể hoặc trung bình một cán bộ quản lý 160 DN. Có rất nhiều hộ kinh doanh cá thể sử dụng hóa đơn, tại sao không lên DN. Do vậy, Phó Chủ tịch UBND Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu ngành thuế phải vận động, khuyến khích, tạo cơ chế thuận lợi để các hộ kinh doanh cá thể tiến lên thành lập doanh nghiệp. Trước mắt là chấm dứt hoạt động thuế khoán trong 3 chợ đầu mối.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư Quận ủy quận Bình Thạnh, cho rằng quan trọng phải làm sạch nội bộ trước, chỉ cần chủ tịch hội đồng tư vấn thuế khơi gợi thì các thành viên sẽ đóng góp ý kiến, khuyến khích được các hộ tự giám sát lẫn nhau. Ông Kiều Bình Chung, Bí thư Quận ủy quận Tân Bình đề xuất, cần phải đưa hoạt động kiểm tra cán bộ thuế và thành viên hội đồng tư vấn thuế vào nhiệm vụ đảng viên, không để cán bộ gây thất thu thuế, nợ động thuế vẫn là đảng viên ưu tú được. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cũng cho rằng, trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhạy cảm nhất vẫn là yếu tố con người. Ví dụ, kiểm tra kéo dài, hay chọn thời điểm cao điểm trong kinh doanh để kiểm tra cũng là gây khó cho DN. Do vậy, phải làm sao kiểm tra ít nhưng hiệu quả cao. Phải xây dựng trung tâm dữ liệu kết nối thông tin dữ liệu DN, kiểm soát cả đầu vào, đầu ra của DN; phối hợp với sở ngành để đưa thông tin trên cơ sở dữ liệu chung để các ngành khác có thể nắm được.
Cần liên thông, liên kết và giám sát
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đề nghị, Mặt trận Tổ quốc phải nâng cao vai trò giám sát đối với hội đồng tư vấn phường, xã; cấp ủy đảng chú ý kiểm tra giám sát đối với cán bộ, đảng viên của mình để hạn chế tiêu cực. Ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, đồng tình với ý kiến tăng cường kiểm tra giám sát để làm trong sạch nội bộ. Ông Tâm còn kiến nghị UBND các quận, huyện có cơ chế phối hợp để cùng kiểm tra, giám sát hoạt động thu - nộp thuế ở địa phương mình. Các tổ chức Đảng thuộc quận huyện ủy cần nghiên cứu phối hợp để kiểm tra cán bộ, đảng viên của mình.
Kết thúc hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhấn mạnh: Việc chống thất thu thuế đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, không chỉ góp phần cho kinh tế phát triển mà còn tạo sân chơi công bằng cho DN. Mọi vấn đề phải bắt đầu từ chính sách, bổ sung chính sách, tạo điều kiện để thanh kiểm tra thuận lợi và giám sát hiệu quả. Bên cạnh đó, Bí thư cũng chỉ đạo, các tổ chức Đảng tăng cường kiểm tra, giám sát đối với đảng viên, trong công tác thu chi tài chính - hoạt động này lâu nay chưa được quan tâm đúng mức - không thể khoán trắng việc này cho ngành thuế, hải quan. Các ban Đảng tăng cường tuyên truyền vận động, giám sát, sắp xếp cán bộ nhằm góp phần chống thất thu thuế. Bên cạnh đó, ngành thuế đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào công tác thu thuế; công khai minh bạch hoạt động thu thuế; không để chồng chéo, tạo điều kiện cho DN sản xuất kinh doanh; đề xuất mức xử phạt các hành vi trốn thuế đủ răn đe… Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cũng đề nghị cần rà soát lại quy định sử dụng hóa đơn, xem xét lại công tác khoán thu thuế đối với hộ kinh doanh để có cơ chế phù hợp.
HÀN NI