Phường 5 quận Gò Vấp (TPHCM)

Cả khu phố ngập trong nước

Cả khu phố ngập trong nước

Ngay trong những ngày đầu năm mới, hàng trăm căn nhà trong khu phố 9 phường 5 (quận Gò Vấp TPHCM) bị nhận chìm trong nước. Mực nước lên cao từ 0,6 đến 1m đã làm tê liệt mọi hoạt động của người dân và biến khu vực này trở thành ốc đảo tách biệt với thế giới bên ngoài...

  • Ăn Tết chung với lũ
Cả khu phố ngập trong nước ảnh 1

Vách ngăn cửa xả của đập bị đứt dây treo.

Chúng tôi có mặt tại đây vào lúc 19 giờ ngày 1-1. Từ đầu đường số 10, nơi tiếp giáp với đường Dương Quảng Hàm, nước đã làm chùn chân những ai muốn vào sâu bên trong. Nhiều xe gắn máy sau khi liều chạy vào một đoạn đã phải trở ra bởi không muốn xe phải chết máy.

Chúng tôi lội bộ vào trong. Nước lên đến đầu gối và càng vào sâu bên trong nước ngập càng cao. Có nơi nước ngập lên đến thắt lưng. Một số người có việc cần làm đã phải dẫn xe ra cho dù nước đã lên đến yên xe.

Không riêng gì đường số 10, các đường số 2, 5, 11, 12 và các con hẻm xương cá lân cận đều chìm trong nước. Trong nhà ông Dương Đức Trọng trên đường số 11, nước đã lên cao đến lưng vách. Vật dụng trong nhà ông đều phải kê lên cao.

Ông Trọng cho biết những năm trước tại đây vẫn thường bị ngập nhưng không cao lắm. Riêng năm 2005 cả vùng rất khô ráo nên ai cũng nghĩ khu vực này vĩnh viễn thoát ngập. Niềm vui chưa trọn, ngay trong ngày mồng một của năm mới, cả khu vực rộng lớn với 15 tổ dân phố lại ngập sâu trong biển nước.

Nước vẫn tiếp tục dâng cao đến 22 giờ và đứng lại. Đến 3 giờ sáng, độ ngập thấp dần nhưng tiếp sau đó, 5 giờ sáng nước lại tiếp tục lên đến 8 giờ thì dừng lại. Suốt ngày 2-1 nước vẫn còn cô lập khu vực này. Nét mệt mỏi vì mất ngủ đã hiện rõ trên mặt của từng người dân nơi đây.

  • Cần quan tâm hơn

Trước tình hình đó, 8 giờ sáng ngày 2-1, chúng tôi đã gọi điện trực tiếp gặp ông Nguyễn Hoàng Dũng, Chủ tịch UBND P5 và được biết sau khi nhận được tin báo, ngay trong đêm phường đã triển khai các lực lượng ứng trực kiểm tra các đoạn đê nhưng không phát hiện điểm vỡ. Nhiều khả năng do đập Nam Hải - đập kiểm soát triều cường trong khu vực có sự cố. Ông cam kết sau khi nước rút, phường sẽ tiếp tục khảo sát và có phương án khắc phục để tránh thiệt hại cho người dân.

Qua tìm hiểu, được biết trong khu vực này có rạch Bến Hải rộng khoảng 20m, dài chừng 1.500m có nhiệm vụ tiêu thoát nước ra sông Vàm Thuật. Năm 1978, HTX Nông nghiệp Quyết Tiến đã xây dựng đập Nam Hải trên rạch này, cách cửa sông khoảng 300m để điều tiết nước phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Sau nhiều năm hoạt động, việc nuôi thủy sản của HTX không hiệu quả, đập không còn chức năng phục vụ nông nghiệp và đã biến thành nơi điều tiết nước ngăn triều cường. Tuy vậy, HTX vẫn cử người quản lý trông coi và vận hành đập.

Đến năm 1990, HTX nông nghiệp giải thể, đập được chuyển về phường quản lý. Theo ông Trần Trọng Đoan, tổ trưởng tổ 77, sau khi tiếp nhận cửa xả này, phường đã bít bớt một bên và dùng vách tự động để nước chỉ có ra mà không vào, nhờ vậy khi triều cường, nước không thể tràn vào. Thêm vào đó, mấy năm gần đây, chính quyền địa phương đã đắp một bờ bao ngăn nước từ bến đò Miếu Nổi đến cầu Đen dài gần 3km bao bọc khu vực này nên trong năm 2005, toàn bộ khu vực trở nên khô ráo.

Sáng 2-1-2006, tại đập Nam Hải, chúng tôi ghi nhận vách ngăn tự động của cửa xả đã bị đứt một dây treo khiến việc đóng mở tự động không còn tác dụng. Phía hạ lưu, cửa đập bị rác và lục bình bịt kín. Người dân cư ngụ chung quanh đập cho biết, từ khi đập được chuyển cho phường, phường không cử người trông coi. Vì thế nên khi xảy ra tình trạng ngập sâu, phường vẫn chưa biết được nguyên nhân...

Việc bố trí nhân sự để trông coi đập Nam Hải không phải là điều quá khó và nằm ngoài tầm với của chính quyền phường 5.

LÊ DU AN

Tin cùng chuyên mục