Theo đó, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau; UBND các huyện, TP Cà Mau và các đơn vị có liên quan tiến hành rà soát, kiểm tra tình hình tổ chức gây nuôi, trình tự thủ tục, điều kiện gây nuôi của các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã nói chung, cá sấu nói riêng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, kết hợp với công tác tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn trong gây nuôi động vật hoang dã đối với đời sống người dân và hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn (rào chắn, gia cố chuồng trại,...). Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Như Báo SGGP thông tin, sáng ngày 18-10, con dâu ông Nguyễn Trường Giang (ấp Tân Hòa A, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi) đi ra lấy nước vuông tôm thì thấy con cá sấu nổi ở khu vực gần cống. Sau đó, con dâu ông Giang kêu các thành viên trong gia đình và những người trong xóm dùng lưới vây bắt con cá sấu trọng lượng khoảng 10kg.
Tiếp đến, chiều 22-10, một người dân phát hiện một con cá sấu đang bò trước sân nhà của ông Nguyễn Văn Chuẩn (ngụ ấp Kinh 5B, xã Tân Phú, huyện Thới Bình). Sau đó, người dân tổ bức vây bắt được con cá sấu, trọng lượng khoảng 15kg. Hiện con cá sấu này người dân bán cho một hộ dân nuôi cá sấu trên địa bàn.
Tuy nhiên, khi chính quyền địa phương kết hợp với kiểm lâm trên địa bàn tiến hành kiểm tra thì các hộ nuôi cá sấu đều không thừa nhận bị sổng chuồng.
Chi cục kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết, thống kê gần đây nhất, trên địa bàn có 180 cơ sở nuôi cá sấu, với khoảng 40.000 cá thể. Do gần đây gặp khó khăn về đầu ra, giá cá sấu xuống thấp nên nhiều cơ sở đã ngưng nuôi, số lượng giảm nhiều.