Do ảnh hưởng của El-Nino, thời tiết đang có những dấu hiệu cực đoan. Gần 3 tháng của đầu năm 2010 đã trôi qua, song điểm chung của năm nay khác hẳn mọi năm là mưa ít, nắng nóng đến sớm. Vậy thời tiết mùa hè tới ra sao, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương.
- PV: Nhiều người cho rằng, trong thời gian qua, nhiệt độ cả nước cao hơn năm trước và nắng nóng, khô hạn cũng “dữ dằn” hơn. Có đúng như vậy không, thưa ông?
Ông LÊ THANH HẢI: So với mọi năm, năm nay số lượng các đợt không khí lạnh ảnh hưởng tới nước ta ít hơn hẳn, rét đậm rét hại cũng ít và không kéo dài.
Do đó, nền nhiệt độ trên cả nước đã ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.
- Vậy mùa hè tới thì sao?
Về nhiệt độ và nắng nóng, nhìn chung nền nhiệt độ trên cả 3 miền đất nước sẽ đều hơn so với trung bình mọi năm, trong đó chênh lệch rõ là ở các khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Các khu vực còn lại thì cao hơn so với trung bình nhiều năm chút ít. Riêng nắng nóng, trong những tháng nửa đầu mùa hè (bắt đầu từ tháng 4-2010), các tỉnh Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ có khả năng xảy ra các đợt nắng nóng gay gắt hơn và kéo dài hơn năm 2009, nhiệt độ có thể lên tới 38 - 39°C.
- Còn về tình hình khô hạn đang xảy ra trên cả nước, liệu vài tháng tới có bớt căng thẳng như hiện nay?
Hiện nay, không riêng miền Bắc mà cả 3 miền trên cả nước đều đang đối mặt với khô hạn, nguy cơ cháy rừng nghiêm trọng. Các hồ thủy điện lớn như Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà đều thiếu hụt nước so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 1,976 tỷ m³ nước. Ở Tây Nguyên và Nam bộ, từ đầu tháng 2-2010 đến nay, dòng chảy trên các sông cũng đều giảm dần.
Từ nay cho tới cuối năm, tình trạng khô hạn sẽ còn diễn ra nghiêm trọng. Ở Trung bộ, tình trạng khô khát sẽ xảy ra vào nửa đầu mùa mưa. Khu vực Nam bộ và Tây Nguyên nhiều khả năng mùa mưa cũng đến muộn hơn so với nhiều năm trước.
Đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam, do dòng chảy trên sông Mekong giảm nhanh và luôn ở mức thấp, một số nơi ở thượng nguồn, mực nước đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Tại TPHCM, một số nơi vùng ngoại thành và nội thành cũng đã bị nhiễm mặn, gây thiệt hại lớn cho trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt của người dân.
- Sự khác thường của thời tiết như hiện nay có phải là dấu hiệu của biến đổi khí hậu bắt đầu diễn ra không thưa ông?
Sự bất thường của thời tiết như hiện nay chỉ là do ảnh hưởng của El-Nino và cũng có một phần do biến đổi khí hậu song không phải là ảnh hưởng hoàn toàn của biến đổi khí hậu và trái đất đang nóng lên.
- Cảm ơn ông!
Phúc Hậu
ĐBSCL: Mặn xâm nhập sâu vào 4 vùng ven biển Hiện nay, diễn biến xâm nhập mặn ngày càng gay gắt trên 4 vùng ven biển ĐBSCL: hai sông Vàm Cỏ, cửa sông Cửu Long, ven biển Tây và bán đảo Cà Mau. Đến hạ tuần tháng 3-2010, hàng ngàn hécta lúa ở Kiên Giang, Bạc Liêu, Bến Tre… bị thiệt hại nặng. Hạn mặn sớm làm nhiều nơi thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, cuối tháng 3 và trong tháng 4-2010 mặn sẽ xâm nhập vào 50km trên hai sông Vàm Cỏ, dọc sông Cửa Tiểu, Cửa Đại Cổ Chiên. Riêng sông Hàm Luông, Định An, Trần Đề mặn sẽ xâm nhập vào 60 km… Độ mặn trên các sông sẽ dao động từ 1 – 10‰. Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho rằng, các địa phương trong vùng cần phối hợp quản lý vận hành hệ thống công trình thủy lợi để tránh gây “xung đột” giữa người dân cần nước mặn nuôi tôm và cần nước ngọt trồng lúa. C.Phong |