Vi phạm luật mà không hay
So với việc bỏ ra hàng triệu đồng để đầu tư một bộ đầu thu giải mã tín hiệu vệ tinh hay internet và phải trả tiền thuê bao hàng tháng có thể lên tới vài trăm ngàn đồng, thì việc đến một quán cà phê đẹp với màn hình lớn, chỉ phải trả vài chục ngàn đồng để thưởng thức bất cứ thức uống yêu thích nào và tận hưởng các trận đấu đỉnh cao, thì quả thật quá là rẻ. Vì vậy đây là lựa chọn hàng đầu cho rất nhiều người. Bắt kịp xu hướng đó không ít chủ quán cà phê đã chuyển sang kinh doanh loại hình cà phê bóng đá, chỉ cần đầu tư với chi phí thấp thêm tivi và thuê bao truyền hình là có thể biến một quán cà phê bình thường thành nơi tụ tập cho nhiều người hâm mộ bóng đá.
Các quán cà phê bóng đá thường sử dụng chương trình truyền hình có bản quyền của các tổ chức phát sóng trong nước và quốc tế để trình chiếu cho người hâm mộ, mà không xin phép chủ sở hữu hay tổ chức phát sóng là vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam và các cam kết quốc tế mà Việt Nam có tham gia. Bởi vì nhà đài (tổ chức phát sóng) bán các gói thuê bao này chỉ nhằm mục đích cho cá nhân, gia đình sử dụng. Việc các cá nhân, tổ chức sử dụng thuê bao này với mục đích kinh doanh thương mại là hành vi vi phạm. Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 35 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, thì đây là hành vi “công bố, phân phối chương trình phát sóng mà không được phép của tổ chức phát sóng”.
Chế tài còn khó khăn
Về mặt hành chính, theo Khoản 1 Điều 31 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP đối với “hành vi xâm phạm quyền phân phối đến công chúng chương trình phát sóng mà không được phép của chủ sở hữu quyền của tổ chức phát sóng”, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Ngoài ra cá nhân, tổ chức vi phạm có thể phải chịu thêm các khoản phạt và bồi thường thiệt hại (nếu có) cho nhà đài (tổ chức phát sóng).
Tuy nhiên việc áp dụng các chế tài theo quy định pháp luật đối với loại hình kinh doanh này còn gặp nhiều khó khăn bởi vì các cá nhân, tổ chức vi phạm hầu như hiểu biết rất ít bản quyền, nên không nhận thức được hoặc có nhận thức được nhưng rất ít rằng hành vi kinh doanh của họ là vi phạm pháp luật về bản quyền. Người xem không có vốn hiểu biết hoặc rất ít quan tâm đến vấn đề bản quyền, từ đó dẫn đến việc tiếp tay cho hành vi vi phạm. Ngoài ra, hiện nay các cơ quan chức năng còn buông lỏng quản lý, việc xử lý hành vi vi phạm chưa đem lại hiệu quả cao.
Sự xuất hiện của các quán cà phê bóng đá là tất yếu trong điều kiện hiện nay khi mà nhu cầu giải trí và thưởng thức bóng đá của người dân ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cần có biện pháp cụ thể hơn để nâng cao ý thức pháp luật của người dân, đặc biệt là trong vấn đề bản quyền, để trong tương lai việc xem bóng đá tại các quán cà phê không chỉ để giải trí mà còn góp phần vào xây dựng ý thức sử dụng bản quyền của mọi người.