Cà phê Việt Nam niên vụ 2008-2009 : Giá thấp nhưng hút hàng

* Xuất khẩu 2 tỷ USD cà phê
*  Cần 12.000-15.000 tỷ đồng vốn để mua cà phê

Nếu không xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến giá các mặt hàng nông sản giảm thì niên vụ cà phê 2007-2008 đã kết thúc với nhiều thành tựu. Lần đầu tiên xuất khẩu cà phê đạt trên 2 tỷ USD, giá xuất bình quân gần 2.000 USD/tấn. Cà phê nhân xuất khẩu sang 75 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thị trường lớn nhất là Đức (14%) và Mỹ (13%)… là sự phân bố hợp lý để không quá lệ thuộc vào một thị trường nào. Ngoài ra, ta còn xuất khẩu cà phê rang xay qua 6 thị trường và các loại cà phê khác qua 16 thị trường.

Căng thẳng vốn vay

Ngày 31-10, tại buổi tổng kết niên vụ cà phê 2007-2008 tổ chức ở TPHCM, không khí không vui lắm khi việc thu hoạch cà phê niên vụ 2008-2009 đã bắt đầu lại rơi vào thời điểm giá nông sản thế giới giảm mạnh, cà phê chỉ còn khoảng 1.500 USD/tấn. Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao VN Lương Văn Tự cho biết, mỗi năm các doanh nghiệp (DN) cần từ 12.000 đến 15.000 tỷ đồng để mua lượng cà phê trong dân. Các DN xuất khẩu cà phê phần lớn đều là vừa và nhỏ, ít vốn, mỗi khi vào vụ mới đều phải vay ngân hàng.

Nhưng đại diện ngân hàng (NH) cho biết, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay, nhiều công ty nước ngoài cũng gặp khó khăn về vốn, không thể mở LC, nên đã xuất hiện tình trạng, hàng qua đến cảng nước ngoài phải đưa ngược trở về như một số DN thủy sản. Trước những nguy cơ như vậy, NH cũng rất e dè khi cho DN vay vốn mua nông sản thời điểm hiện nay. NH chỉ cho vay đối với những DN lớn, có uy tín lâu năm, hạn chế cho vay tràn lan như trước.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao VN cho rằng, trong bối cảnh này, nếu NH vì lợi ích riêng mà thắt chặt vốn vay sẽ càng làm cho DN lâm vào tình thế khó khăn. DN đã phải vay bằng tiền đồng với lãi suất gần gấp đôi năm 2007 (thay vì được vay ngoại tệ lãi suất thấp hơn nhiều), nếu điều này xảy ra, người chịu thiệt sẽ là nông dân. Vì DN tính toán tất cả chi phí vào giá thành, sẽ ép giá người trồng cà phê dù biết điều này là có tội với bà con. Do đó, hơn lúc nào hết, NH, DN cần phải bắt tay, đồng hành cùng vượt qua khó khăn thay vì chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng.

Đại diện Bộ Công thương cho biết, cà phê là 1 trong 3 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực và nằm trong số các mặt hàng được xếp vào đối tượng ưu tiên để tìm kiếm giải pháp xuất khẩu. Vì vậy, ông Lê Văn Tự cho rằng, mặt hàng gạo và cá tra vừa được Chính phủ đưa vào diện hỗ trợ giá để giúp bà con nông dân lúc khó khăn, sắp tới mặt hàng cà phê cũng cần được đưa vào diện này.

Chấn chỉnh những mặt hạn chế

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Cafe Cotrol cho biết, niên vụ qua, Việt Nam xuất khẩu khoảng 30 loại cà phê khác nhau, từ rất tốt đến rất xấu, nhưng cà phê kém chất lượng giảm còn khoảng 50%. Theo nhận định chủ quan của ông, cà phê Việt Nam bắt đầu có được sức thu hút và có tác động nhất định trên thị trường thế giới dù trước đó cà phê VN đứng thứ 2 về lượng xuất khẩu sau Brasil và số 1 về cà phê Robusta.

Ông Tuấn cho biết thêm, từ tháng 10 năm nay trở đi, cà phê loại 2 của Việt Nam được chấp nhận giao dịch trên sàn giao dịch London, chấm dứt tình trạng phải ở ngoài sàn như bao lâu nay. Nhưng điều đáng nói, do bị thả nổi tiêu chuẩân cà phê nên hiện nay xảy ra tình trạng DN bán với những chất lượng khác nhau theo yêu cầu của khách hàng thay vì có tiêu chuẩn chung cho cà phê VN. Thậm chí, có nhà rang xay nước ngoài còn kiểm tra chất lượng cà phê ngay tại VN theo kiểu của họ, điều này là vi phạm pháp luật VN. Đây là những điều cầm sớm chấn chỉnh.

Bước vào niên vụ mới, khó có thể nói trước diễn biến giá sẽ ra sao, nhưng theo ông Đỗ Hà Nam, nếu nắm chắc số lượng trong nước và đánh giá đúng nhu cầu thật của thế giới (loại trừ yếu tố đầu cơ) vẫn có thể bán với giá tốt để có thể mua với giá tốt nhất cho bà con. Và điều quan trọng, Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để bà con giữ hàng, không ồ ạt bán ra, làm giá xuống nhanh. Đó sẽ là những biện pháp góp phần hạn chế tác động xấu đến thị trường và giá cà phê trong nước. 

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục