Cá tính hay phản cảm?

“Đi xa là để trở về” hay “Vì cuộc đời là những chuyến đi”… và nhiều câu nói khác đang được nhiều bạn trẻ chọn in lên áo, như một phần thể hiện cá tính bản thân và tạo sự khác biệt “không đụng hàng”.

“Đi xa là để trở về” hay “Vì cuộc đời là những chuyến đi”… và nhiều câu nói khác đang được nhiều bạn trẻ chọn in lên áo, như một phần thể hiện cá tính bản thân và tạo sự khác biệt “không đụng hàng”.

Tuy nhiên, cũng có không ít những câu chữ được in lên áo gây khó chịu, thậm chí là phản cảm với nhiều người khi nhìn vào. Cá tính đến đâu là đủ và để mình khác biệt chứ không lập dị? Đây là vấn đề mà nhiều bạn trẻ hiện nay nên nhìn nhận lại.

Không khó để tìm mua những chiếc áo thun in chữ hay những hình ảnh ngộ nghĩnh, từ các chợ, siêu thị… đến những trang mua sắm online hay mạng xã hội. “Áo thun in chữ”, “Áo nhóm - Áo lớp”, “Áo đôi”, “Áo gia đình”… được bán với mức giá dao dộng từ 50.000 đồng đến hơn 100.000 đồng/áo. Chủ yếu là dạng áo thun trắng hoặc màu trơn, các dòng chữ được in lên phía trước hoặc sau áo, nhiều nơi cũng nhận in theo yêu cầu và in lấy liền tại chỗ. Bên cạnh việc in chữ, nhiều nơi còn nhận in hình ảnh hoặc vẽ những hình hoạt hình ngộ nghĩnh theo đặt hàng của khách hàng.

Mặc áo in chữ đang là phong trào của giới trẻ

Nhiều cặp đôi khi yêu nhau thường chọn mặc áo đôi như một cách thể hiện tình cảm của mình, hoặc các cặp cô dâu - chú rể cũng thường chọn mặc áo đôi khi chụp hình ngoại cảnh. Những nhóm bạn thường đặt áo nhóm để tạo nên một nét đẹp đồng bộ khi đi cùng với nhau. Nhiều gia đình cũng chọn mặc áo cùng nhau với dòng chữ “Cả nhà thương nhau” hay “Nhà nhỏ yêu thương to”, như một cách để tạo thêm sự khắng khít giữa các thành viên trong nhà. Và đặc biệt, với nhiều bạn học sinh cấp 3, chiếc áo nhóm, áo lớp như một cách để lưu giữ lại những kỷ niệm của tuổi học trò.

Nhưng cũng có không ít những bạn trẻ vì muốn tạo sự khác biệt, khẳng định mình và đặc biệt là để “không đụng hàng” với bất kỳ ai, đã tự nghĩ ra những câu như: “Thà lấy trai xấu biết quan tâm. Còn hơn lấy trai đẹp về làm cảnh”, “Thả thính, thả thính… Tao thả thính chế m… mày”, “Đ… hiểu!”… để in lên áo. Nắm bắt được xu hướng này, nhiều trang mạng xã hội xây dựng hình ảnh một nhân vật hư cấu với những câu nói gây sốc thậm chí là thô tục và in lên áo để bán thu hút được nhiều bạn trẻ quan tâm và tìm mua.

Chính vì muốn tạo nên một cá tính khác biệt, mà nhiều bạn trẻ khi mặc những chiếc áo với những câu nói “không đụng hàng” đã tạo không ít phản cảm cho người đối diện khi nhìn vào. Huỳnh Liên (sinh viên Trường Đại học Luật TPHCM) chia sẻ: “Tôi cũng thích in chữ lên áo và cũng có nhiều áo in. Nhưng tôi cũng lựa chọn lắm, những câu nói không hay hoặc phản cảm khi mặc vào sẽ dễ khiến người khác đánh giá không tốt về mình”.

Thời trang tuy không có giới hạn và để đánh giá một con người cũng không phải chỉ từ vẻ bề ngoài, nhưng sẽ ra sao nếu những người trẻ Việt chỉ thích thể hiện bản thân bằng những câu chữ vớ vẩn, phản cảm được in hẳn trên áo? Có nhiều cách để khẳng định bản thân mình khác biệt hay nổi bật. Nhưng để thể hiện mình cá tính hay “không đụng hàng” bằng những câu chữ in trên áo có phần lố lăng và dung tục, tuyệt nhiên không phải là một cách hay.

KIM LOAN

Tin cùng chuyên mục